Điểm chốt sơ cấp cứu tai nạn giao thông: Cần nhân rộng mô hình
LSO- Những năm qua, nhằm nâng cao hiệu quả từ các điểm chốt sơ cấp cứu tai nạn giao thông, giảm thiểu những rủi ro cho người bị nạn, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp như: tập huấn, kêu gọi ủng hộ từ các nhà hảo tâm, tuyên truyền về sơ cấp cứu… Qua đó đã thu hút được một bộ phận người dân quan tâm.
Mặc dù đã nhiều năm, nhưng có lẽ anh Giáp Kim Long, thôn Trung Đông, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng khó có thể quên được chuyện mình bị tai nạn giao thông vài năm trước. Cả hai lần tai nạn giao thông xảy ra tại địa phận thôn Minh Hòa, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng anh đều được người dân phát hiện và gọi cho tình nguyện viên trạm sơ cấp cứu gần đó sơ cứu ban đầu rồi đưa lên trạm y tế gần nhất. Hiện nay, sức khỏe của anh đã trở lại bình thường, hằng ngày anh vẫn lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Anh Long chỉ là một trong số hàng chục trường hợp bị tai nạn giao thông được tình nguyện viên điểm sơ cấp cứu của Hội CTĐ sơ cứu kịp thời. Từ năm 2009 đến nay, các tình nguyện viên của điểm chốt sơ cấp cứu thị trấn Chi Lăng đã sơ cứu cho trên 30 trường hợp bị tai nạn giao thông. Điểm chốt sơ cấp cứu dần dần trở thành “địa chỉ đỏ” về sơ cấp cứu trên địa bàn. Không chỉ là các trường hợp tai nạn giao thông mà những người gặp nạn như: cảm, sốt, rắn cắn, tai nạn lao động… đều tin tưởng và nhờ các tình nguyện viên giúp đỡ.
Bà Nguyễn Thanh Loan dọn dẹp tủ đựng đồ sơ cấp cứu
Bà Nguyễn Thanh Loan, Đội trưởng điểm chốt sơ cấp cứu thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Tôi đã nhiều năm hoạt động tại điểm chốt sơ cấp cứu và trực tiếp sơ cấp cứu cho hàng chục trường hợp bị tai nạn giao thông và tai nạn lao động. Có trường hợp nửa đêm, lái xe gọi điện đến kêu bị cảm và sốt cao không thể tiếp tục điều khiển được xe, tôi dậy và chuẩn bị thuốc men đến tận nơi xe dừng cách điểm chốt khá xa để chữa cho người lái xe đó. Sau khi uống thuốc và nghỉ ngơi chừng nửa tiếng, lái xe hết sốt và tiếp tục hành trình.
Toàn tỉnh hiện có 9 điểm chốt sơ cấp cứu tai nạn giao thông được đặt tại các “điểm đen” về tai nạn thông trên các tuyến quốc lộ 1A, 1B đi qua địa phận các huyện: Cao Lộc, Bình Gia, Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng. Mỗi điểm có một đội sơ cấp cứu gồm 4 tình nguyện viên. Từ sau khi Hội CTĐ tỉnh phối hợp với Ban ATGT tỉnh cắm biển báo mới đã dễ nhìn, nổi bật hơn góp phần phát huy hiệu quả các điểm chốt sơ cấp cứu. Trong 9 tháng đầu năm 2015 đã sơ cứu cho 23 trường hợp của 20 vụ tai nạn giao thông, giúp đỡ những người không may bị tai nạn kịp thời được sơ cứu ban đầu và đưa đến bệnh viện an toàn.
Tuy nhiên, hiện nay các điểm sơ cấp cứu còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí cho hoạt động sơ cấp cứu và các trang thiết bị cần thiết để sơ cấp cứu nạn nhân chưa được đảm bảo. Các tình nguyện viên không có kinh phí hỗ trợ, làm việc hoàn toàn tự nguyện…
Thấu hiểu sự khó khăn trên, Hội CTĐ các cấp luôn quan tâm, khích lệ tình nguyện viên các điểm sơ cấp cứu như: thường xuyên kiểm tra cơ sở vật chất, kêu gọi tài trợ từ các nhà hảo tâm… Qua đó đã thu hút các tổ chức, cá nhân quan tâm và tham gia. Điển hình vừa qua, anh Phạm Duy Khương, thôn Thâm Mò, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc tình nguyện tham gia làm tình nguyện viên sơ cấp cứu và đề đạt nguyện vọng thành lập điểm chốt sơ cấp cứu tại khu vực thôn anh đang sinh sống. Sau khi Hội CTĐ tỉnh phối hợp với Ban ATGT tỉnh kiểm tra, khảo sát đã cho phép thành lập điểm chốt sơ cấp cứu và điểm chốt này sẽ sớm được chính thức hoạt động trong thời gian tới.
Các điểm sơ cấp cứu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các tình nguyện viên luôn nỗ lực và trách nhiệm thực hiện công việc của mình. Chính vì vậy rất cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ cộng đồng, các cấp ủy, chính quyền, các nhà hảo tâm để động viên các tình nguyện viên tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, kịp thời giúp đỡ người bị nạn trên địa bàn.
Bài, ảnh: ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()