Điểm bưu điện - văn hóa xã: Kênh phân phối hàng Việt hiệu quả
- Những năm qua, bên cạnh việc cung cấp dịch vụ phục vụ công ích cho người dân, nhiều bưu cục, điểm bưu điện - văn hóa xã (BĐ-VHX) trên địa bàn tỉnh đã trở thành nơi mua sắm hàng tiêu dùng quen thuộc của người dân, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Ngày 8/3/2014, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam ban hành Chỉ thị 03 ngày về việc triển khai "Chiến dịch đổi mới hoạt động tại điểm BĐ-VHX". Theo đó, từ năm 2014, Bưu điện tỉnh đã triển khai các hoạt động rà soát, đổi mới tổ chức các điểm BĐ-VHX, đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ về thị trường nông thôn thông qua hệ thống điểm BĐ-VHX, đặc biệt là việc phân phối hàng tiêu dùng Việt Nam chất lượng cao, phục vụ nhu cầu của người dân.
Từ đó đến nay, Bưu điện tỉnh đã triển khai hiệu quả dịch vụ bán hàng tiêu dùng tại các điểm BĐ-VHX. Hiện nay, tại các điểm BĐ-VHX, hàng hóa được bày bán khá đa dạng, phong phú, với các mặt hàng chủ yếu như: nước giặt, xà phòng, nước rửa bát, rửa tay, lau nhà, dầu gội, sữa tắm, nước mắm, bột canh, mì chính, nước giải khát, sữa…
Đặc biệt, những năm gần đây, theo thực tế từng địa bàn, tại các điểm BĐ-VHX cũng bày bán các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), nông sản, đặc sản vùng miền của tỉnh như: trà Ô Long Đình Lập, cao khô Vạn Linh, phở khô Lộc Bình, chanh rừng Mẫu Sơn, miến dong Minh Khai, trà diếp cá Lụa Vy… Vào các dịp lễ, tết, đơn vị còn bày bán thêm các sản phẩm bánh kẹo tết, bánh trung thu… đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Bà Lê Thị Minh Trang, Trưởng Phòng Kế hoạch – Kinh doanh, Bưu điện tỉnh cho biết: Để thúc đẩy phân phối hàng hóa qua mạng lưới bưu điện, thời gian qua, Bưu điện tỉnh đã đẩy mạnh truyền thông các sản phẩm mà bưu điện đang cung cấp. Đồng thời, phối hợp với các nhà cung cấp để xây dựng các chương trình ưu đãi, khuyến mại cho người dân khi mua hàng tại các điểm bưu điện.
Để nâng cao chất lượng phục vụ tại các điểm BĐ-VHX, Bưu điện tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho nhân viên BĐ-VHX. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2024, Bưu điện tỉnh đã tổ chức 15 lớp đào tạo, tập huấn có sự tham gia của nhân viên BĐ-VHX với hơn 500 lượt nhân viên BĐ-VHX tham gia (trong đó có lồng ghép các nội dung về nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, tư vấn, giới thiệu sản phẩm, quy cách bảo quản hàng hóa cho nhân viên tại điểm BĐ-VHX). Nhờ đó, người dân mua hàng qua kênh bưu điện ngày càng tăng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 179 điểm BĐ-VHX đang hoạt động, trong đó 100% các điểm đều triển khai bày bán các sản phẩm hàng tiêu dùng, phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân trên địa bàn nông thôn.
Từ hoạt động hiệu quả, những năm qua, doanh thu từ dịch vụ bán hàng tiêu dùng qua kênh BĐ-VHX ngày càng tăng. Năm 2023, doanh thu dịch vụ hàng tiêu dùng tại điểm BĐ-VHX đạt gần 4 tỷ đồng, tăng trưởng 35,7% so với năm 2022; 7 tháng đầu năm 2024, doanh thu hàng tiêu dùng đạt gần 3 tỷ đồng, tăng trưởng 31,7% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỷ trọng 48% trong tổng doanh thu hàng tiêu dùng toàn Bưu điện tỉnh.
Bà Trần Bích Ngọc, thôn Pác Khuông, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia cho biết: Tôi rất yên tâm khi sử dụng các sản phẩm do bưu điện phân phối. Tại đây bày bán rất nhiều sản phẩm hàng Việt Nam có chất lượng tốt, giá cả phải chăng, bảo đảm an toàn cho sức khỏe khi sử dụng. Đặc biệt, khi mua hàng ở đây, tôi được nhân viên BĐ-VHX tư vấn, hướng dẫn rất nhiệt tình và có nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi rất hấp dẫn.
Không chỉ bán hàng theo phương thức truyền thống, tận dụng cơ hội phát triển của thương mại điện tử, những năm gần đây, nhân viên tại các điểm BĐ-VHX còn thường xuyên đăng sản phẩm giới thiệu trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, đồng thời nhận giao hàng tận nhà khi khách hàng có nhu cầu.
Chị Nông Thị Nhình, nhân viên điểm BĐ-VHX Nhân Lý, huyện Chi Lăng cho biết: Hiện nay, tại điểm BĐ-VHX bày bán đa dạng các sản phẩm như bột giặt, nước xả vải, nước lau sàn… Ngoài bày bán trực tiếp tại bưu điện, chúng tôi còn mở rộng quảng bá, bán sản phẩm trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... Với nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, giá thành phù hợp, các sản phẩm được người dân tin dùng, chọn mua. Trung bình mỗi tháng, có khoảng 600 – 700 lượt khách đến tham quan, mua sắm tại bưu cục và mua qua kênh trực tuyến.
Có thể thấy, thời gian qua, việc phân phối hàng Việt Nam qua mạng lưới điểm BĐ-VHX trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả. Qua đó, không chỉ mang lại tiện ích cho người dân khu vực nông thôn mà còn góp phần tăng doanh thu của các điểm BĐ-VHX, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, Bưu điện tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các mặt hàng, tập trung vào các sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương nhằm đa dạng các sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng, đồng thời phát triển, mở rộng hệ thống cộng tác viên, đại lý để mở rộng kênh bán hàng, tăng độ phủ của bưu điện.
Ý kiến ()