“Điểm ảo” hủy hoại tương lai của trẻ
Sau buổi họp phụ huynh cuối năm học, nghe cô giáo chủ nhiệm thông báo kết quả học tập của con mà tôi không khỏi trăn trở, lo lắng. Vẫn như các năm học trước, điểm các môn học của con phần lớn lại là những điểm 10 tròn trịa.
Lẽ thường là khi kết quả học tập của các con không tốt, bố mẹ đều buồn lòng và tìm mọi cách để cho con tiến bộ. Vậy mà tôi cũng như nhiều phụ huynh khi đón nhận thành tích xuất sắc của con lại không thực sự hài lòng. Bởi là cha, là mẹ, mọi người đều hiểu rõ năng lực thực sự của con.
Giả sử trong lớp của con tôi có sự chênh lệch rõ ràng về điểm số, xếp loại thì không có gì phải bàn, đằng này đến quá nửa học sinh trong lớp có điểm số cao, đạt học lực giỏi, xuất sắc với những điểm 9, điểm 10 “lấp lánh” trong học bạ.
Do đâu mà học sinh giỏi, xuất sắc thường chiếm quá nhiều như vậy? Thì ra nó đến từ các bài văn mẫu, từ các đề cương Toán học, Tiếng Anh được nhà trường soạn sẵn, để rồi sẽ chọn lọc các bài trong bộ đề ấy thành đề thi cho học sinh. Và như vậy, chỉ cần cháu nào nhanh nhẹn, giỏi “bắt chước”, không cần tư duy nhiều là có điểm cao.
Nghĩ đến điều đó khiến tôi càng lo lắng, nhất là khi chứng kiến vẻ mặt đầy tự đắc một cách hồn nhiên của con. Bởi thực tế “điểm ảo” đó chẳng có ích gì cho tương lai của trẻ, mà chỉ có giá trị với những ông bố, bà mẹ thích khoe mẽ. Lo lắng, trăn trở nhất khi nghĩ đến việc con tưởng mình “giỏi” thật, sẽ tự cao tự đại, mải chơi, chủ quan, bê trễ việc học hành, không nỗ lực phấn đấu vươn lên. Trong khi điểm số chỉ phản ánh một phần nhỏ trình độ thực sự của trẻ, quan trọng nhất vẫn là năng lực thể hiện trong quá trình học tập cũng như thái độ đối với việc học tập.
“Điểm ảo” là thứ khó có thể duy trì lâu dài, vì càng học lên cao sẽ càng khó, như vậy vô hình trung, “điểm ảo” đã và đang dần hủy hoại tương lai của trẻ. Bởi sau này, khi học lên cao, kiến thức thực tế sẽ phơi bày, giả sử con không đạt được những điểm số đẹp đẽ ấy, liệu con có còn hào hứng đến lớp, liệu còn không khí vui vẻ sau mỗi buổi họp phụ huynh.
Thực tế cho thấy, “điểm ảo” trong hệ thống giáo dục nước ta hiện nay không chỉ là vấn đề mang tính cá biệt của một số học sinh, phụ huynh mà đã trở thành hiện tượng phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực. Khi điểm số không phản ánh đúng năng lực và kiến thức của học sinh, sẽ tạo ra một thế hệ học sinh ảo tưởng và có động lực học tập sai lệch. Thay vì học tập để khám phá, tiếp thu kiến thức nền tảng, biết vận dụng những kiến thức đó trong thực tiễn thì nhiều học sinh chỉ cố gắng "học thuộc, chép đúng" để đạt được những điểm số cao trong bảng điểm, dẫn đến thiếu kỹ năng cho sự phát triển toàn diện. Vì vậy, đừng để “điểm ảo” hủy hoại tương lai của trẻ khi còn chưa quá muộn.
Ý kiến ()