Dịch vụ “tăng trọng lợn””: Cần tăng cường kiểm soát
LSO-Thời gian gần đây, hàng loại trại tập kết lợn do người dân tự xây dựng mọc lên dọc tuyến đường từ huyện Hữu Lũng, cửa ngõ tỉnh Lạng Sơn vào đến thành phố Lạng Sơn.
LSO-Thời gian gần đây, hàng loại trại tập kết lợn do người dân tự xây dựng mọc lên dọc tuyến đường từ huyện Hữu Lũng, cửa ngõ tỉnh Lạng Sơn vào đến thành phố Lạng Sơn. Những trại nuôi nhốt lợn này làm nhiệm vụ chủ yếu là tắm rửa và nhồi thức ăn cho lợn từ những chuyến xe tải buôn bán lợn thịt sang Trung Quốc qua các đường tiểu ngạch. Mỗi đêm, có hàng trăm chuyến xe chở lợn tập kết dọc tuyến đường này cấp tập xả nước và nhồi cám nhằm tăng trọng lợn trước khi đem bán. Qua kiểm tra của lực lượng chức năng, tất cả các trại “tăng trọng lợn” tự phát này đều không có hệ thống xử lý phân, nước thải, do vậy, 100% các trại gây ô nhiễm nặng cho môi trường xung quanh.
Nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn tại những trại kiểu này |
Nhiều bên có lợi
Trao đổi về sự việc này, ông Hoàng Quy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian qua, thị trường tiêu thụ thịt lợn trong nước giảm mạnh nên lượng lợn thịt tại các trại chăn nuôi lớn ở các tỉnh như Đồng Nai, Trà Vinh, Bình Phước, Tiền Giang… dư thừa khá lớn. Rất may, cùng thời gian này, nhu cầu về lợn thịt ở phía nước Trung Quốc tăng cao và đây chính là hướng mở để người chăn nuôi lợn khu vực miền Trung, miền Nam xuất bán lợn. Xuất phát từ nhu cầu thị trường nên từ đầu năm 2013 đến hết tháng 8 vừa qua, lượng lợn thịt được chở lên Lạng Sơn để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc lớn nên hình thành dịch vụ mà bà con tạm gọi là trại “tăng trọng lợn”.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, nếu xét về khía cạnh kinh tế, việc tìm được thị trường lớn như Trung Quốc đã giúp giải bài toán khó cho người chăn nuôi lợn trong cả nước, qua đó cũng góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Cũng về khía cạnh kinh tế, sau khi chở lợn đi một quãng đường dài từ các tỉnh miền trong lên đến Lạng Sơn, các tư thương phải vỗ béo để lấy mã cho lợn trước khi xuất qua đường tiểu ngạch sang bán cho các tư thương Trung Quốc. Nắm bắt được nhu cầu này, bà con sinh sống dọc tuyến quốc lộ 1A mới từ khu vực Bến Lường – huyện Hữu Lũng lên đến khu vực thành phố Lạng Sơn đã tự xây một số chuồng ngay sát đường quốc lộ để có thể cung ứng dịch vụ tắm cho lợn, vỗ béo lợn và theo thống kê nhanh thì dọc tuyến này có khoảng 10 trại “tăng trọng lợn”. Khi có cầu ắt có cung, thực tế, về khía cạnh kinh tế cả tư thương buôn lợn đến chủ các trại “tăng trọng lợn” đều có lợi. Đặc biệt, qua tìm hiểu trực tiếp một số người đang làm công việc chăm sóc lợn tại các trại “tăng trọng lợn” ở dọc tuyến quốc lộ 1A, được biết, mỗi trại có một giá chăm sóc lợn khác nhau, nhưng giá trung bình nhất là 16.000 đồng/con lợn chăm sóc lần đầu. Nếu vì lý do nào đó mà lợn chưa thể xuất được mà phải tiếp tục chăm sóc thì mức giá chăm sóc sẽ giảm so với lần chăm sóc đầu. Ông Nguyễn Thành Hải, một người làm công cho biết: giá dịch vụ ở đây là 16.000 đồng cho một con lợn tắm và ăn trong vòng 10 phút. Nếu chủ hàng nào cẩn thận, làm 2 đến 3 lượt như vậy thì giá sẽ giảm đi, làm 2 lượt thì tính 24.000 đồng, 3 lượt tính 36.000 đồng. Nhưng xe nhiều lắm làm không hết, các chủ hàng thường chỉ làm 1 lượt rồi xếp lợn lên xe ngay cho kịp thời gian.
Mối hại cho cộng đồng
Như vậy, với số lượng hàng trăm xe tải lớn chở lợn (mỗi xe chở khoảng 50 con lợn có trọng lượng từ 100 – 120 kg) trong mỗi đêm thì nguồn lợi thu về từ công việc này sẽ rất cao. Theo một người làm thuê công việc chăm sóc lợn tại một trại “tăng trọng lợn” mọc lên ở thôn Bản Dù, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng thì, mỗi nhân công được trả công từ 300 – 400 nghìn đồng sau mỗi đêm làm việc, mà trại này có gần 20 nhân công làm thuê. Tính nhanh, sau mỗi đêm, chủ các trại “tăng trọng lợn” này thu về không dưới 20 triệu đồng. Không chỉ vậy, với nguồn thu lớn như vậy, ông chủ trại “tăng trọng lợn” này còn đầu tư khép kín thêm cả máy xay bột ngô, làm cám cho lợn. Tuy vậy, do xây dựng một cách tự phát lại làm một cách rất sơ sài nên phân, nước thải… cứ tự do chảy ra ngoài khu vực tự nhiên xung quanh. Chỉ tính dọc tuyến quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng đã có khoảng 6 trại. Và cứ đến 21 giờ trở đi, bóng đèn tại các trại tập kết đồng loạt tỏa sáng, cùng với những âm thanh ầm ĩ của tiếng lợn kêu, tiếng quát tháo càng khiến cho vùng quê yên bình này náo động.
Đến một trại “tăng trọng lợn” tại địa phận thuộc xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi đã chứng kiến công nghệ “tăng trọng” của những người chăn lợn. Người giữ, người kéo, người bóp mõm lợn và người “tọng” một chiếc phễu nhựa tự chế khá to xuống tận cổ họng con lợn, rồi cứ thế đổ thẳng cám đến khi bụng con lợn to phễnh thì thôi…
Qua thời gian, nước mưa, nước đọng kéo theo chất thải xuống các rãnh thoát nước xuống đường quốc lộ hoặc chảy theo suối gần các khu dân cư. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc đến nỗi bất cứ ai đi qua tuyến đường này đều phải bịt mũi, người dân xung quanh cũng chịu khổ sở không ít. Bà Nông Thị Chiềm, một người dân sống gần khu tập kết lợn cho biết: phân lợn chảy xuống suối và khe rãnh xung quanh khiến chúng tôi lúc nào cũng lo lắng về nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhất là cho gia súc trong nhà. Đồng thời, lúc nào tôi cũng trong tình trạng không yên giấc vì tiếng ồn về đêm và mùi hôi thối nồng nặc phát ra từ các trại tập kết. Không chỉ người ngoài cuộc lo, mà ngay chính người trong cuộc cũng sợ. Ông Nguyễn Thành Hải làm thuê cho trại lợn tại thôn Bản Dù, xã Vân Thủy tâm sự rằng, toàn bộ chất thải của lợn được xả ra khu đất xung quanh chứ không có biện pháp xử lý nào khác. Nước và phân ứ đọng lâu ngày nên cứ khi trời nắng là bốc mùi không thể chịu được, nếu ở đây lâu chắc chắn sẽ bị một số bệnh, biết thế nhưng vì miếng cơm manh áo nên mà phải tiếp tục làm.
Sự ô nhiễm và nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các trại tập kết này đã đến mức báo động. Từ cuối tháng 8 đến nửa đầu tháng 9, Chi Cục thú y tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra các điểm tập kết này. Kết quả phát hiện 5 điểm tại khu vực nêu trên đều xây dựng trái phép và thêm 1 điểm tại thành phố Lạng Sơn. Ông Dương Doãn Doanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết: cả 5 điểm được kiểm tra trong thời gian vừa qua đều xây dựng trái phép, gần đường giao thông, gần khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Đối với các tư thương, khi lực lượng thú y kiểm tra giấy kiểm dịch vận chuyển nơi đến của tất cả các xe thì đều không đúng địa điểm.
Cần sớm có giải pháp hữu hiệu
Thống kê nhanh của ngành chức năng cho thấy, từ địa phận huyện Hữu Lũng ngược về thành phố Lạng Sơn hiện đã có hơn 10 trại. Tuy nhiên, đến nay Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn mới xử phạt được 1 điểm tại thành phố Lạng Sơn với mức phạt 1,5 triệu đồng về hành vi tự tháo niêm phong kẹp chì và hạ gia súc không đúng địa điểm. Mức phạt trên là quá nhẹ so với thu nhập “khủng” mang lại từ dịch vụ tắm rửa và cho lợn ăn này.
Trại “tăng trọng lợn” được xây ngay sát quốc lộ 1A |
Dịch vụ chăm sóc lợn dọc tuyến quốc lộ 1A gây ô nhiễm môi trường – điều này đã được khẳng định. Nhưng, nhìn xa một chút, sự cẩu thả, không làm đúng quy trình sinh học trong các khâu chăm sóc lợn tại các trại trung chuyển này rất có thể sẽ làm mầm mống bùng phát một số dịch bệnh ở lợn ví như dịch lở mồm long móng, đặc biệt là sẽ có nguy cơ cao về dịch tả lợn… Lợn thịt thì chỉ trong mấy giờ đồng hồ là đã qua đường tiểu ngạch, nhưng ổ bệnh thì rất có thể ở lại và làm lây lan bệnh cho đàn lợn của bà con đang chăn nuôi trong khu vực.
Theo lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn, hiện, Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn đang phối hợp với phòng NN&PTNT, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chi Lăng nhằm thống nhất biện pháp xử lý các điểm tập kết lợn trên. Sự phối hợp này là điều tất yếu, tuy nhiên, nếu không có giải pháp hữu hiệu để xử lý các trại không đảm bảo vệ sinh thì không biết hậu quả gì sẽ đến.
LƯU VŨ
Ý kiến ()