Dịch vụ môi trường rừng: Thêm nguồn lực cho kinh tế lâm nghiệp
LSO - Quá trình phát triển kinh tế - xã hội tác động lớn tới môi trường sống. Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng là một trong những biện pháp quan trọng để cân bằng sinh thái bảo vệ môi trường. Như vậy các hoạt động kinh tế hưởng lợi trực tiếp từ môi trường rừng có nghĩa vụ phải trả phí cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.
Tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99, ngày 24/9/2010 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2011) của Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã gọi đây là sáng kiến chính sách.
Theo Nghị định 99, các loại dịch vụ môi trường rừng được xác định là: bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ các bon; bảo vệ cảnh quan tự nhiên của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch; cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên cho nuôi trồng thuỷ sản.
Từ khi Nghị định được ban hành đến nay, cả nước đã có 40 tỉnh, thành (trong đó có Lạng Sơn) thành lập ban chỉ đạo thực hiện chính sách. Đến nay cả nước đã thu được hơn 3,3 nghìn tỷ đồng phí dịch vụ môi trường rừng. Tạo ra nguồn tài chính ổn định, tăng thu nhập cho người trồng và bảo vệ rừng.
Mặc dù vậy ở nhiều địa phương, trong đó có Lạng Sơn còn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Khó khăn lớn nhất là có ít nguồn thu, nguồn thu thấp và không ổn định.
Nông dân Hữu Lũng chăm sóc rừng trồng
Các loại dịch vụ môi trường rừng quy định tại Nghị định số 99 là khá rộng. Tuy nhiên đến nay các bộ, ngành Trung ương cũng mới chỉ xác định được ba nhóm đối tượng sử dụng dịch vụ là: thủy điện, du lịch và kinh doanh nước. Còn các loại hình dịch vụ khác như hấp thụ, lưu giữ các bon; cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên cho nuôi trồng thủy sản… chưa hướng dẫn được cách tính, xác định đối tượng sử dụng để thu phí.
Ông Hoàng Quang Chinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: trong ba nhóm đối tượng sử dụng dịch vụ đã được hướng dẫn thì Lạng Sơn chỉ có thể thu được thủy điện và các các nhà máy sản xuất nước. Còn du lịch sinh thái chưa phát triển nên chưa xác định được đối tượng sử dụng để thu.
Theo tính toán của ngành chuyên môn, thì từ hai đối tượng sử dụng dịch vụ trên, Lạng Sơn có thể thu được khoảng 500 triệu đồng/năm. Trong đó thu từ các nhà máy nước 200 triệu đồng và thủy điện 300 triệu đồng.
Thực tế, theo tính toán cách đây 2 năm, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 7 nhà máy thủy điện đang được đầu tư xây dựng với tổng công suất 60,3MW, sản lượng điện dự kiến là 229,4Kwh/năm. Theo quy định, mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất điện là 20đ/Kwh điện thương phẩm. Như vậy dự kiến thu từ các nhà máy thủy điện trên địa bàn khoảng 4,5 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên đây chỉ là những con số lý thuyết, bởi tới thời điểm này các dự án xây dựng thủy điện trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Mới chỉ có thủy điện Bản Quyền (Văn Quan), công suất 1MW đưa vào khai thác từ quý IV/2013 và thủy điện Cấm Sơn (Hữu Lũng) công suất 4,5MW, ngừng hoạt động từ năm 1992, đến năm 2005 mới sửa chữa và hoạt động trở lại. Trong khi đó các nhà máy nước phân bố nhỏ lẻ, rải rác trên địa bàn tỉnh, nguồn thu thấp, do vậy từ khi triển khai chính sách đến nay Lạng Sơn chưa tổ chức thu được.
Với diện tích rừng lớn, khi xác định được hết, đầy đủ các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng, Lạng Sơn sẽ có thêm nguồn lực dồi dào cho bảo vệ và phát triển rừng. Việc có thêm nguồn thu là tương lai gần, bởi các dự án thủy điện đang có bước khởi động lại, trong khi đó vừa qua Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hướng dẫn thu đối với các loại hình dịch vụ môi trường rừng còn lại.
Ông Hoàng Quang Chinh khẳng định: trước mắt ngành sẽ tích cực tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các phương án thu phí dịch vụ môi trường rừng đối với các loại hình dịch vụ đã được xác định, đồng thời cũng chủ động để khi trung ương hướng dẫn các loại hình dịch vụ tiếp theo, Lạng Sơn sẽ bắt nhịp triển khai được nhanh chóng. Việc triển khai thực hiện tốt chính sách, Lạng Sơn sẽ có thêm nguồn lực quan trọng để phát triển lâm nghiệp, nâng cao đời sống của người trồng rừng.
Bài, ảnh: Vũ Như Phong
Ý kiến ()