Dịch vụ du lịch: Chập chững những bước đi đầu
Những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam bắt đầu có những bước phát triển tiến bộ, có nhiều thay đổi không chỉ trong nhận thức của những người trực tiếp làm nghề mà còn ở tư duy và sự ủng hộ của những người có quyền quyết định chính sách, tài chính cho các hoạt động du lịch.
Nhờ đó, diện mạo của ngành có thêm nhiều sắc màu sinh động và các hoạt động du lịch đã bắt đầu được làm “đầy” hơn cả về chất và lượng.
Thay đổi tầm nhìn
Trên chặng đường tham gia làm kinh tế của mình, du lịch đã đóng góp công sức không nhỏ cho nền kinh tế của cả nước với doanh thu năm 2010 đạt khoảng 96 nghìn tỷ đồng (ước tính chiếm khoảng 4,5% GDP cả nước).
Nếu trong năm 2000, ngành du lịch đón tiếp và phục vụ 2,14 triệu lượt khách quốc tế thì tới năm 2010 con số này đã tăng lên tới trên 5 triệu. Kết quả đó cũng nhờ một phần vào các chính sách bước đầu xác định vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của ngành du lịch trong nền kinh tế.
Nếu nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (2006) xác định: “Phát triển du lịch, một ngành kinh tế mũi nhọn” thì tới nghị quyết Đai hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (2011) đã cụ thể: “Hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đa dạng hóa sản phẩm và các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng để đạt tiêu chuẩn quốc tế.”
Trich dẫn những nội dung này. Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch Trịnh Xuân Dũng cũng nhấn mạnh thêm: “Đặc biệt, ngày 27/01/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số: 175/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020, trong đó, phần quy định về lĩnh vực du lịch khẳng định hình thành một số trung tâm dịch vụ đặc biệt là các trung tâm du lịch có quy mô và có sức mạnh cạnh tranh trong khu vực.”
Để dần hiện thực được điều đó, ông Dũng cho rằng, trước mắt cần điều chỉnh một số điều trong Luật Du lịch sao cho phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và tương thích với những cam kết của Chính phủ Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế trong lĩnh vực du lịch.
Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch nhằm tạo ra một đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành có “trí tuệ cao, năng lực sáng tạo lớn” với tính chuyên nghiệp sâu để xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của thị trường, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường sức mạnh cạnh tranh trên thị trường du lịch khu vực và thế giới.
Đương nhiên, ngành du lịch Việt Nam cũng sẽ không đơn độc trên chặng đường này. Với “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” vừa bắt đầu được triển khai với số vốn đầu tư 11 triệu Euro, Cộng đồng châu Âu (EU) sẽ tài trợ và đồng hành trong quá trình phát triển của ngành.
Học cách làm chuyên nghiệp
Dịch vụ phát triển đã tạo rất nhiều việc làm, nhiều giá trị gia tăng cũng như những hoạt động năng động cho nền kinh tế nhưng đồng thời cũng tạo ra sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, kèm theo đó là rủi ro và độ phức tạp cũng tăng lên.
Theo đó, sẽ cần phải có những năng lực và phương tiện, không chỉ là phương tiện tài chính để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xác định được sản phẩm du lịch trọng điểm… mà cần cả phương tiện tư duy dịch vụ cũng như cái tâm làm nghề của con người để cạnh tranh.
Du lịch Việt Nam đang bừng tỉnh và cả guồng máy của ngành du lịch sẽ phải gồng mình để bước vào một cuộc chiến mới đầy những thử thách trong việc “lột xác” tư duy cùng với xác định thị trường ưu tiên để “tiến” có mục tiêu, trọng điểm.
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương gợi ý: “Khi xác định thị trường ưu tiên cho Việt Nam trong 10 năm tới thì cần phải tập trung nghiên cứu hết sức bài bản đặc điểm của thị trường đó xem khách họ cần gì để xây dựng hình ảnh của sản phẩm cho phù hợp, với đối tượng như vậy thì xúc tiến quảng bá bằng kênh thông tin nào hiệu quả nhất.”
“Những điều này thể hiện tính chuyên nghiệp của những người làm công tác quảng bá,” ông Lương nhấn mạnh./.
Ý kiến ()