Dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp ở Cao Lộc: Phát triển nhanh, quản lý chặt
LSO- Vài năm trở lại đây, dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Cao Lộc có sự phát triển khá mạnh mẽ. Từ đó vừa tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận dễ dàng hơn với dịch vụ, vừa đảm bảo chất lượng vật tư phục vụ sản xuất.
Cách đây hơn 5 năm, người dân các xã: Tân Liên, Gia Cát muốn mua vật tư nông nghiệp phải chờ đến ngày chợ Bản Ngà. Nhưng số lượng cung ứng tại đây cũng rất hạn chế. Muốn số lượng nhiều hơn, họ phải cất công đến thị trấn Cao Lộc, thậm chí sang chợ thị trấn Lộc Bình.
Chị Chu Thị Ngái, thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát chia sẻ: trước đây gia đình mình phải tích vật tư dần từ trước mỗi vụ sản xuất, đi lại cũng tốn kém, vất vả lắm. Nhưng giờ thì khác, cửa hàng đã mọc lên rất nhiều, đến vụ chỉ cần đi xe máy vài phút là có đủ các loại vật tư cần thiết.
Chị Chu Thị Ngái, thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc chuẩn bị vật tư cho sản xuất vụ mùa
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện nay, trên địa bàn xã Gia Cát có 19 điểm kinh doanh vật tư nông nghiệp, mặt hàng khá phong phú từ phân bón, thức ăn chăn nuôi đến giống cây trồng.
Không chỉ riêng Gia Cát mà dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp đã phát triển nhanh chóng trên địa bàn huyện Cao Lộc. Từ chỗ chỉ có vài chục điểm kinh doanh vật tư nhỏ lẻ, đến nay, toàn huyện có xấp xỉ 130 điểm kinh doanh vật tư nông nghiệp. Các cửa hàng phân bố rộng khắp đến các xã xa trung tâm như Tân Thành, Xuân Long và xã biên giới như Cao Lâu, Xuất Lễ…
Bà Hoàng Thị Ái, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật Cao Lộc cho biết: hiện nay, toàn huyện có 21 điểm kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Dịch vụ phát triển nhanh và vươn tới tận các xã vùng sâu, xã biên giới không chỉ góp phần tích cực vào phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ sản xuất mà còn hạn chế rất nhiều việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài luồng, nhập lậu từ bên kia biên giới.
Trước đây, khi khuyến khích phát triển dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật, Trạm Bảo vệ thực vật đã rà soát các cá nhân, hộ kinh doanh có nhu cầu kinh doanh mặt hàng này, trên cơ sở đó báo cáo Chi cục Bảo vệ thực vật để tổ chức các lớp đào tạo, cấp chứng chỉ. Bởi vậy qua kiểm tra, giám sát của Trạm, các cơ sở kinh doanh hiện nay có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định và hàng hóa đảm bảo chất lượng.
Ông Bế Thanh Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: ngoài dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật, để khuyến khích các dịch vụ khác phát triển, một mặt huyện tạo điều kiện để các công ty cung ứng mở rộng đại lý trên địa bàn, mặt khác cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức các mô hình trình diễn giống mới, phân bón mới…
Công tác kiểm tra chất lượng vật tư thường xuyên được tiến hành. Ông Bế Thanh Hòa cho biết thêm: không chỉ kiểm tra chất lượng vật tư, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn phối hợp đánh giá, phân loại các cơ sở kinh doanh về cơ sở vật chất, kho bãi, điều kiện kinh doanh… qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm.
Trong nửa đầu tháng 7 vừa qua, qua kiểm tra 12 cơ sở kinh doanh vật tư trên địa bàn, lực lượng chức năng đã phát hiện 1 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi quá hạn và kinh doanh mặt hàng không đúng giấy phép. Hành vi này đã bị xử lý nghiêm.
Bài, ảnh: VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()