Dịch vụ công trực tuyến ngành kho bạc đáp ứng mô hình “3 không”
(LSO) – Sau 1 năm triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), ngành kho bạc nhà nước (KBNN) tỉnh đạt được hiệu quả rõ rệt, đó là sự cải cách mạnh mẽ quy trình giao dịch giữa kho bạc với đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSDNS) bởi nó đã đáp ứng tốt mô hình “3 không”.
Không dùng tiền mặt, không dùng chứng từ giấy và cán bộ kho bạc không giao dịch trực tiếp với khách hàng. Mô hình “3 không” này đã và đang diễn ra trong mối quan hệ giao dịch giữa KBNN tỉnh với 118 ĐVSDNS tại khối cơ quan, tổ chức ở tỉnh, thành phố Lạng Sơn và với 130 ĐVSDNS tại các huyện trong tỉnh thời gian gần đây.
Cán bộ Phòng Kiểm soát chi, Kho bạc nhà nước tỉnh xử lý hồ sơ, chứng từ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
Trường hợp ĐVSDNS là Trung tâm Y tế thành phố Lạng Sơn là một ví dụ. Gần 1 tháng nay, kể từ khi thực hiện thủ tục “Kê khai giao nhận hồ sơ kiểm soát chi” giữa trung tâm với KBNN tỉnh qua DVCTT mức độ 4, chị Đinh Kiều Linh, kế toán trung tâm không mất công in sao chứng từ giấy gửi chủ tài khoản đơn vị duyệt, ký, sau đó phải trực tiếp mang đến KBNN tỉnh nộp, chờ duyệt chi với thời gian nhanh cũng mất vài tiếng đồng hồ (nếu không sai sót), chậm thì lên tới vài ngày (nếu hồ sơ, chứng từ có sai sót). Thay vào đó, chị Linh chỉ cần thao tác vài click chuột và nộp chứng từ điện tử trên máy vi tính qua DVCTT, chỉ 3 – 5 phút, quy trình này đã được hoàn tất. Chị Linh kể: “Trung bình 1 tháng, đơn vị tôi thực hiện từ 30 – 40 lần thủ tục “Kê khai giao nhận hồ sơ kiểm soát chi”. Nếu làm theo cách truyền thống, mỗi lần thực hiện thủ tục, tôi phải mất nhiều lượt đi lại từ cơ quan đến KBNN tỉnh và ngược lại, vì thế mà hạn chế thời gian dành cho công việc chuyên môn. Gần 1 tháng nay, ứng dụng DVCTT với thủ tục này, tôi đã không phải đi lại nhiều lần, tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức, cơ quan tiết kiệm đáng kể chi phí in ấn chứng từ giấy bởi 100% chứng từ điện tử được chuyển gửi qua hệ thống trên máy tính có kết nối Internet”.
Không chỉ có thế, ứng dụng DVCTT còn cho phép kế toán ĐVSDNS được cung cấp những thông tin đầy đủ, minh bạch về quy trình giải quyết hồ sơ. Chị Hoàng Thị Dung, chuyên viên Phòng Kiểm soát chi, KBNN tỉnh cho biết: Một chứng từ thanh toán được duyệt chi phải trải qua nhiều bước. Với chứng từ điện tử được chuyển qua DVCTT mức độ 4 thì ĐVSDNS và cán bộ kho bạc có thể kiểm soát được trạng thái xử lý hồ sơ đang ở giai đoạn nào như: KBNN từ chối hay đã tiếp nhận hồ sơ, đã thanh toán hoặc từ chối thanh toán… nhờ đó chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ.
Những tiện ích trên đây chính là mong muốn của ngành KBNN tỉnh khi triển khai ứng dụng DVCTT mức độ 4 đối với một số giao dịch kho bạc có tần suất thực hiện lớn. Ông Liễu Mạnh Hùng, Phó Giám đốc KBNN tỉnh cho biết: Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 240.000 hồ sơ chứng từ được giao dịch giữa ĐVSDNS với cơ quan KBNN trong tỉnh. Do đó, việc triển khai ứng dụng DVCTT mức độ 4 đối với một số thủ tục, nhất là đối với thủ tục “Kê khai giao nhận hồ sơ kiểm soát chi” là hết sức cần thiết. Bởi qua đây không những tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm cho việc in ấn chứng từ bản giấy tại ĐVSDNS; tiết kiệm thời gian, công sức của kế toán các ĐVSDNS; giảm áp lực công việc của nhân viên kho bạc. Điều này đã đáp ứng tốt mô hình “3 không”: không dùng tiền mặt, không dùng chứng từ giấy và cán bộ kho bạc không giao dịch trực tiếp với khách hàng.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về việc hình thành kho bạc điện tử vào năm 2020, KBNN tỉnh đã và đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng DVCTT mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính kho bạc. Hiện đơn vị đã ứng dụng DVCTT mức độ 4 thành công đối với 3/24 thủ tục thuộc thẩm quyền gồm: “Đăng ký sử dụng DVCTT”, “Đăng ký bổ sung sử dụng tài khoản” và “Kê khai giao nhận hồ sơ kiểm soát chi”. Lãnh đạo KBNN tỉnh khẳng định: Nhờ triển khai ứng dụng DVCTT, chắc chắn những ngày cuối năm nay sẽ giảm trên 50% lượt khách trực tiếp đến các cơ quan KBNN giao dịch chứng từ giấy so với các năm trước.
Toàn tỉnh có 1.455 ĐVSDNS, trong đó 262 ĐVSDNS giao dịch với KBNN tỉnh, 1.193 ĐVSDNS giao dịch với KBNN các huyện. Theo lộ trình, ngành KBNN phấn đấu hết quý II/2019, 100% ĐVSDNS giao dịch với KBNN tỉnh qua DVCTT, đến cuối năm 2019, 50% ĐVSDNS giao dịch với KBNN các huyện qua DVCTT. |
Ý kiến ()