Dịch vụ ăn uống và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố
LSO-Thành phố Lạng Sơn (TPLS) là địa bàn đông dân cư, đồng thời cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là dịch vụ ăn uống. Các dịch vụ này phát triển luôn tiềm ẩn nỗi lo về mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Hàng rong bủa vây cổng Trường Tiểu học Chi Lăng (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) – Ảnh: TRẦN KIM |
Trong hai năm gần đây, trên địa bàn TPLS, các điểm bán hàng gần khu vực các cổng trường học, bán hàng ăn sẵn, bán hàng dọc các vỉa hè nơi trung tâm và bán hàng ăn vào buổi tối đã rộ lên. Theo ghi nhận của chúng tôi, các điểm bán hàng dịch vụ ăn uống chưa tuân thủ các quy định của Nhà nước về bảo đảm ATVSTP và tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP.
Vào cuối buổi chiều, khi ánh đèn đô thị bắt đầu bật sáng, cũng là lúc các điểm kinh doanh dịch vụ ăn- uống lại tất bật dọn đồ bước vào “hành trình” một đêm kinh doanh mới. Dạo quanh các tuyến đường trung tâm thành phố như: Bà Triệu, Hùng Vương, Lê Lợi, Bắc Sơn…, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh các chủ quán đang tất bật dọn đồ, kê dọn bàn ghế chuẩn bị tươm tất thực phẩm để sẵn sàng phục vụ khách hàng. Từ các hàng bún, phở, cơm rang, ốc, lẩu… cho đến các hàng giải khát mọc lên dưới những tấm biển hiệu rực rỡ ánh đèn; kèm những lời mời chào hấp dẫn, khiến cho những ai có ý tưởng đi thưởng thức ẩm thực Xứ Lạng khó lòng cưỡng lại.
Chúng tôi dừng chân tại một quán cơn rang bên đường Lê Lợi có tên là Tâm Béo, bên trong quán có bàn ghế khá đẹp mắt, nhưng ở ngoài khu vực chế biến thì lụp xụp, dụng cụ đồ dùng để lẫn khu vực sửa chữa xe máy, cùng vài chiếc ghế cũ kỹ; quán này luôn có 2 người phục vụ nhưng không mấy khi thấy họ sử dụng găng tay ni lông. Chủ quán cho biết: “Nhà em có con gái ở riêng và cũng mở hàng ăn đêm trên vỉa hè cùng đường phố; do không quán nên thỉnh thoảng lại bị đội kiểm tra liên ngành của phường đến thu đồ và phạt hành chính”. Còn quán Tâm Béo, năm nay, đội ATVSTP của phường Vĩnh Trại đi kiểm tra 2 lần, sau mỗi lần kiểm tra, quán cũng bị nhắc nhở. Dạo qua đường Bà Triệu, khu vực khán đài A sân vận động Đông Kinh cũng có đến gần chục điểm bán hàng ăn- uống buổi tối. Bà Thanh gia, nhà ở khu vực đối diện sân vận động cho biết: Hai năm nay khu vực này lại mọc lên nhiều điểm ăn đêm. Điều bất cập nhất là tình trạng mất trật tự công cộng; đám thanh niên nhậu nhẹt về đêm thỉnh thoảng lại xảy ra vụ ẩu đả xô xát lẫn nhau.
Việc mở các điểm dịch vụ ăn- uống phục vụ nhu cầu của người dân là cần thiết; song việc bảo đảm ATVSATP đối với các hàng ăn đêm, hàng bán rong rất khó quản lý. Năm 2015-2016, trên địa bàn TPLS luôn có khoảng 483 cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó, có 360 hộ mở dịch vụ ăn uống; mỗi điểm có từ 2-4 người phục vụ. Công tác tuyên truyền, kiểm tra các đối tượng liên quan đến kinh doanh ăn- uống được 3 cấp: tỉnh, thành phố và phường (xã) luôn quan tâm; nhưng việc quản lý các đối tượng còn nhiều bất cập. Số hộ thực hiện đăng ký kinh doanh, tham gia tập huấn kiến thức và Luật ATVSTP, ký cam kết bảo đảm ATVSTP vẫn còn ở mức độ kiêm tốn; một số điểm kinh doanh mang tính thời vụ nên chưa coi trọng đến công tác ATVSTP cho người tiêu dùng. Trong năm 2015, Đội kiểm tra liên ngành của TPLS đã kiểm tra 190 cơ sở và xử phạt 64 cơ sở kinh doanh không bảo đảm các quy định ATVSTP. Đội kiểm tra liên ngành cấp xã phường kiểm tra 573 lượt hộ kinh doanh chế biến thực phẩm ăn- uống và phát hiện xử phạt 190 trường hợp. Riêng đối với phường Vĩnh Trại, có 96 hộ kinh doanh, phường tổ chức kiểm tra 21 cơ sở; trong đó chỉ có 15 cơ sở đạt yêu cầu và có 6 cơ sở vi phạm…
Nhìn chung, sau khi có Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, TPLS đã triển khai công tác kiểm tra quản lý các đối tượng kinh doanh; tuy nhiên, công tác này vẫn còn hạn chế. Bà Đặng Thị Oanh, Trưởng Phòng Y tế TPLS cho biết: Hằng năm TPLS tập trung kiểm tra ATVSTP trong các đợt trọng điểm như: dịp tết Nguyên đán, dịp tết Trung thu, do vậy, trên địa bàn chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm đông người. Hạn chế của công tác này là chưa triển khai được các đợt kiểm tra đột xuất; con người được phân công giao nhiệm vụ chủ yếu là kiêm nhiệm; phương tiện, trang thiết bị thiếu; công tác truyền thông còn nhiều hạn chế; cùng với đó là việc xử phạt, xử lý sau kiểm tra còn nương tay.
Thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2016 diễn ra từ 15/4-15/5 với chủ đề: “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, trong dịp hè này, TPLS tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền cùng các ngành chức năng đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo đảm ATVSTP; trong đó tăng cường công tác hậu kiểm, nhằm tăng hiệu quả quản lý và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
MINH TRANG
Ý kiến ()