Dịch tả lợn Châu Phi tái phát trên diện rộng tại Cao Bằng
Xử lý, tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn Châu phi tại thành phố
Cụ thể, theo báo cáo gửi UBND tỉnh Cao Bằng, Sở cho biết, dịch tái phát từ ngày 24-4, tính đến ngày 20-6, đã có 103 hộ chăn nuôi, ở 50 xóm, thuộc 30 xã, thị trấn tại 9/10 huyện, thành phố trong tỉnh tái phát dịch TLCP. Các ổ dịch rải rác tại khắp các địa phương và đáng lo ngại nhất là dịch bệnh có diễn biến phức tạp, chưa được khống chế, có chiều hướng lây lan ra diện rộng.
Tại thành phố Cao Bằng có 143 con lợn, tổng trọng lượng hơn năm tấn lợn hơi của 40 hộ chăn nuôi ở 13 xóm, tổ dân phố tại năm xã, phường tái phát dịch TLCP. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cao Bằng Tống Kim Long chia sẻ, dịch TLCP tái phát trên địa bàn do ba nguyên nhân, một số hộ chăn nuôi tái đàn mua con giống không rõ nguồn gốc, mang theo mầm bệnh TLCP, trên địa bàn chưa có trung tâm cung cấp giống lợn bảo đảm chất lượng. Việc vận chuyển lợn hơi, sản phẩm từ lợn từ bên ngoài vào địa bàn mang theo mầm bệnh, khó kiểm soát. Dịch tái phát từ các ổ dịch cũ; xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đến nay, TP Cao Bằng đã công bố dịch tại 2/5 xã, phường tái phát dịch TLCP, các địa bàn còn lại đang kiểm tra, giám sát chặt chẽ diễn biến của dịch.
Trên địa bàn toàn tỉnh Cao Bằng, dịch tái phát cũng do ba nguyên nhân kể trên. Có lợn giống đưa vào tái đàn được người chăn nuôi mua từ các các chợ, không rõ nguồn gốc về nuôi được khoảng 7-15 ngày thì phát bệnh. Nghiêm trọng hơn, do giá lợn hơi trên thị trường tăng cao nên khi lợn ốm, mắc bệnh, một số người chăn nuôi giấu dịch, không báo đến cơ quan chuyên môn mà bán “chạy” dịch, giết mổ lợn để tiêu thụ; do công tác giám sát, phát hiện, xử lý còn hạn chế nên có trường hợp vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan mầm bệnh. Trong khi đó, hiện nay có bất cập trong phòng chống dịch TLCP là chính sách hỗ trợ hộ chăn nuôi có lợn bắt buộc tiêu hủy do dịch TLCP theo Quyết định số 793/QĐ-TTg đã hết hiệu lực, nhưng UBND tỉnh Cao Bằng chưa ban hành chính sách thay thế nên hộ chăn nuôi càng bị thiệt hại năng nề, các địa phương đề nghị tỉnh Cao Bằng sớm ban hành chính sách hỗ trợ.
Tái phát dịch TLCP tại Cao Bằng đã ảnh hưởng lớn đến nông dân mới “gượng dậy” tái đàn và ngăn chặn nỗ lực phục hồi chăn nuôi lợn. Các địa phương, ngành nông nghiệp Cao Bằng quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch nhưng nguy cơ dịch TLCP lây lan diện rộng vẫn khá lớn. Hiện tại, các địa phương trong tỉnh đã thông báo rộng rãi đến các hộ chăn nuôi về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, mức độ nguy hiểm của dịch TLCP đối với đàn lợn, cách nhận biết và các biện pháp phòng, chống để người dân thực hiện; hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Đối với các xã chưa có dịch, thực hiện khoanh vùng, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch nhằm bảo vệ đàn lợn, nhất là đàn lợn giống để bảo đảm nguồn giống lợn thực hiện tái đàn sau khi hết dịch. Lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc ra vào địa bàn. Các địa phương tái phát dịch, thực hiện việc tiêu hủy đối với lợn mắc bệnh và áp dụng nghiêm các biện pháp xử lý ổ dịch theo quy định; tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn quản lý để kịp thời xử lý khi dịch bệnh lây lan.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, ngăn chặn dịch TLCP tái phát vẫn khó khăn do ý thức, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa tích cực phối hợp áp dụng các biện pháp bao vây, khống chế dịch bệnh và báo cáo dịch theo quy định. Tình trạng bán “chạy dịch”, mổ tiêu thụ thịt lợn mắc dịch TLCP lén lút diễn ra; tình trạng vứt lợn chết xuống sông, suối là nguy cơ tiềm ẩn lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, một số cán bộ chuyên môn cơ sở chưa thực sự sâu sát trong việc giám sát, nắm bắt tình hình dịch trên địa bàn ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch TLCP.
Tỉnh Cao Bằng, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn cần quyết liệt, nâng cao hiệu quả triển khai giải pháp ngăn chặn dịch TLCP lây lan, giảm bớt thiệt hại cho người nông dân.
Ý kiến ()