Dịch tả bùng phát dữ dội tại Yemen
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cùng phối hợp lên tiếng cảnh báo Yemen đang phải đối mặt với dịch tả nghiêm trọng nhất trên thế giới với hơn 200.000 trường hợp ghi nhận nhiễm bệnh và số lượng tăng trung bình 5.000 ca mỗi ngày.
Trong tuyên bố chung được đưa ra, Tổng giám đốc WHO Margaret Chan và Giám đốc điều hành UNICEF Anthony Lake nêu rõ chỉ trong 2 tháng, dịch tả đã lan rộng tại hầu hết các khu vực của quốc gia vốn đã bị tàn phá bởi chiến tranh này.
Hơn 1.300 người đã chết – 1/4 trong số đó là trẻ em – và số người chết sẽ còn tiếp tục tăng. “UNICEF, WHO và các đối tác đang tham gia vào cuộc chạy đua để ngăn chặn dịch bệnh chết người này bùng phát mạnh mẽ” – hai nhà lãnh đạo khẳng định, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách Yemen tăng cường nỗ lực của chính quốc gia này để ngăn chặn dịch bệnh lây lan thêm.
Theo Tổng giám đốc WHO và Giám đốc điều hành UNICEF, “dịch tả chết người là hệ quả trực tiếp của 2 năm xung đột nặng nề”. Hai nhà lãnh đạo của Liên hợp quốc cũng lưu ý rằng sự sụp đổ của hệ thống y tế, nước và vệ sinh đã khiến 14,5 triệu người không được tiếp cận bền vững với nước uống và vệ sinh an toàn, tăng khả năng lây lan của dịch bệnh. Ngoài ra, tỷ lệ suy dinh dưỡng tăng lên cũng đã làm suy yếu sức khỏe của trẻ em và làm cho các em dễ bị bệnh.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO và Giám đốc điều hành UNICEF lưu ý khoảng 30.000 nhân viên y tế địa phương được điều động để ngăn chặn dịch tả vẫn chưa nhận được tiền lương trong gần 10 tháng qua. Trong bối cảnh đó, ông Lake và bà Chan cùng lên tiếng kêu gọi “tất cả các cơ quan chức năng trong nước chi trả tiền lương, và đặc biệt kêu gọi tất cả các bên chấm dứt cuộc xung đột tàn phá này”.
Đây là lần thứ hai dịch tả bùng phát trên phạm vi rộng lớn, chỉ trong vòng chưa đầy một năm ở Yemen. Trước đó, từ tháng 10/2016 – 3/2017, Yemen đã ghi nhận khoảng 23.506 trường hợp mắc bệnh tả, trong đó có 108 ca tử vong.
Yemen là quốc gia nghèo, lại bị tàn phá bởi cuộc nội chiến liên miên và các cuộc không kích do Saudi Arabia dẫn đầu. Theo WHO, chiến tranh và xung đột kéo dài tại đây đã khiến hơn 8.000 người thiệt mạng và hơn 44.500 người bị thương kể từ tháng 3/2015.
Tổ chức Y tế Thế giới hiện xếp Yemen vào danh sách các quốc gia có tình trạng khẩn cấp về nhân đạo tồi tệ nhất, bên cạnh Syria, Nam Sudan, Nigeria và Iraq./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()