Dịch sởi gia tăng ở các khu vực có di biến động dân cư cao
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh sởi.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ đầu năm 2018 đến nay số trường hợp mắc bệnh sởi ghi nhận rải rác chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc như: Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An, Yên Bái…
Đáng lưu ý, các ca mắc bệnh sởi tập trung chủ yếu tại các khu vực di biến động dân cư cao, ở các đối tượng chưa được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi, đã có các trường hợp mắc bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo báo cáo gần đây nhất của Cục Y tế Dự phòng về tình hình dịch bệnh trong mùa Đông Xuân cho thấy, số trường hợp mắc bệnh sởi ghi nhận chủ yếu tại miền Bắc và một số tỉnh miền Nam, trong đó 431 trường hợp phát ban nghi sởi, 0 tử vong, (141 trường hợp dương tính với sởi).
Trong 141 trường hợp dương tính với sởi có 54 trường hợp (38%) dưới 9 tháng chưa đến độ tuổi tiêm chủng, 55 trường hợp (39%) không tiêm chủng, 22 trường hợp (15,6%) không rõ tiền sử tiêm chủng, 10 trường hợp (7,1%) có tiêm vắcxin sởi.
Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi, không để bùng phát dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắcxin sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ ở tất cả các xã, phường trên địa bàn, thực hiện tiêm bổ sung, tiêm vét, không để sót đối tượng, lưu ý các địa bàn có di biến động dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống.
Các tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện tiêm vắcxin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng, đảm bảo tất cả các trẻ em được tiêm vắcxin sởi đúng lịch, đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 95% quy mô xã, phường.
Về công tác điều trị, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.
Y tế các tỉnh tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh…/.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()