Dịch giả 9x chuyển ngữ bộ tranh truyện dân gian Nga
Bộ truyện tranh dân gian Nga gồm 12 cuốn của nhiều tác giả quen thuộc với bạn đọc Việt Nam thế hệ 7x, 8x vừa được MaiHaBooks ấn hành và đặc biệt, đây là những tập sách do Lê Hải Đoàn, một dịch giả 9x sưu tầm và chuyển ngữ.
Những cuốn sách “Một, hai, ba”, “Bà Gấu già ngồi trên khúc gỗ”, “Cô ruồi nhỏ hoạt bát”, “Thú con trong sở thú”, “Bầy thú con”, “Vững chãi như đá tảng, Mềm mại như lụa đào và Ngọt ngào như giọt mật”, “Mặt trời bị đánh cắp”, “Sự tích chó ghét mèo”, “Cá rô nhảy múa”, “Cô cáo tinh ranh và cái trục cán bột”… vốn dĩ rất quen thuộc với trẻ em những năm 70, 80, qua những cuốn sách nguyên bản tiếng Nga, một số in bằng tiếng Anh. Kornei Chukovsky và Alexei Laptev là những tác giả quen thuộc góp mặt trong bộ sách này.
Thập niên 1970,1980…, khi đất nước chưa mở cửa và chưa có giao thoa văn hóa nhiều với các nước như hiện nay, những cuốn sách tranh truyện thiếu nhi Liên Xô đã là những người bạn thân thiết nhất với bạn đọc nhỏ tuổi thời bấy giờ. Ngày nay, giữa bạt ngàn những truyện tranh Âu, Á, Mỹ…, bộ truyện tranh dân gian Nga tới được với trẻ em Việt Nam thông qua viện trợ văn hóa. Nhiều thế hệ đã lớn lên cùng những cuốn truyện tranh này, với những thông điệp hết sức giản dị, nhưng hàm chứa tính giáo dục sâu sắc từ con người và tâm hồn Nga hồn hậu, nhân ái. Những cuốn sách đó đã trở thành kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn nhiều thế hệ người Việt.
Những cuốn sách dân gian này đặc biệt ấn tượng bởi phần vẽ minh họa tuyệt đẹp và mang đậm nét văn hóa Nga, đặc biệt là những đặc trưng văn hóa dân gian Nga, thể hiện từ trang phục, cảnh vật, hành động và bản thân nội dung của những bức tranh. Có thể bắt gặp hình ảnh chiếc ấm samova, lát bánh mì phết bơ mật ong, bộ áo váy của bà nông dân Nga với những chi tiết hoa văn tinh xảo, chiếc thùng gánh nước bằng gỗ sồi, ngôi nhà gỗ trong rừng, chiếc giỏ hái nấm, nồi súp, bát gỗ và thìa gỗ…
Trong những cuốn truyện, thế giới động vật được nhân hóa với những biểu cảm, hành động quen thuộc của con người, tái hiện sống động qua từng nét vẽ trong mỗi trang truyện. Cách phối màu hài hòa, nét vẽ chau chuốt đến từng chi tiết khiến cho mỗi ấn phẩm không chỉ là một cuốn sách thiếu nhi đơn thuần, mà giống như tác phẩm nghệ thuật thực thụ.
Những cuốn truyện như vậy, những tưởng vốn chỉ tồn tại trong trí nhớ của thế hệ 7x, 8x, nhưng ngày nay, có rất nhiều bạn trẻ thế hệ 9x, 2x sau này đã tiếp cận, yêu mến, sưu tầm, thậm chí chuyển ngữ những tác phẩm mình sưu tầm được. Lê Hải Đoàn là một người dịch như vậy.
Sinh năm 1990, Hải Đoàn đã thích sách thiếu nhi, và bắt đầu sưu tầm sách thiếu nhi từ năm 2006. Nhưng phải đến năm 2013, khi lên Hà Nội, mua được cuốn “Lenin của em” với tranh minh họa rất đẹp, ý tưởng sưu tầm các cuốn sách thiếu nhi bắt đầu đến với Hải Đoàn từ đây.
Dần dần, Lê Hải Đoàn tham gia vào các group sưu tầm sách Nga, và tình yêu với dòng sách xưa cũ này càng được nhân lên khi Hải Đoàn được chiêm ngưỡng các bộ sưu tầm sách đẹp của các thành viên trong nhóm.
Năm 2017, Hải Đoàn quyết định thử dịch một số đầu sách vì nghĩ rằng: sách để đó mà không đọc hoặc không làm gì thì rất phí bởi sách Liên Xô thiếu nhi có nội dung đơn giản nhưng minh họa rất đẹp, không chuyển ngữ thì rất phí. Ban đầu, anh dịch cả văn xuôi và thơ, nhưng sau tập trung vào mảng thơ để bản dịch của mình có điểm nhấn hơn. Những bản dịch này được Lê Hải Đoàn chia sẻ lại trên mạng, và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Và duyên đến khi MaiHaBooks tiếp cận được bản dịch của Lê Hải Đoàn, đã chính thức làm việc với dịch giả trẻ tuổi này để xuất bản bộ sách.
Bộ sách được ra mắt bạn đọc làm nhiều đợt, có khoảng 12 quyển, được Lê Hải Đoàn dịch thông qua các ấn bản tiếng Anh. Anh chia sẻ có tham khảo thêm các bản tiếng Nga, nhờ bạn bè giải nghĩa giúp để so sánh và chọn cách thể hiện nhuần nhuyễn nhất. Mỗi bản dịch, Hải Đoàn thường dịch nghĩa rồi tìm vần đưa vào cho phù hợp. “Thời gian đầu tôi đơn thuần dịch sát nghĩa nhưng rồi sau này tôi đã cố gắng đặt mình vào góc nhìn của các bạn nhỏ để lựa chọn ngôn ngữ cho phù hợp. Ngoài ra nguồn ngôn ngữ được tiếp cận từ các sách thiếu nhi, dòng sách giáo khoa cấp 1 xưa mà tôi sưu tập cũng cho tôi một khối lượng từ vựng về thiếu nhi để sử dụng”.
Lâu nay, nhiều người vẫn lo ngại về sự đứt gãy trong việc truyền nối văn hóa giữa các thế hệ khác nhau, do hoàn cảnh xã hội. Nhưng với những dịch giả trẻ như Lê Hải Đoàn, văn hóa sẽ được truyền nối, thẩm thấu tới độc giả nhỏ tuổi, bằng một tình yêu giản dị, khởi đầu bằng những cuốn truyện tranh xưa cũ.
Ý kiến ()