Dịch COVID-19 tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế
Các chuyên gia kinh tế nhận định dịch bệnh COVID-19 có tác động rất mạnh, thậm chí là nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam bởi tác động của nó là nhiều chiều lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế; với 3 tác động chính vào tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến dịch vụ và du lịch.
Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng mạnh tới kinh tế thế giới. |
Theo Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô; nhiều chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước. Mặc dầu vậy, vẫn thấy còn nhiều điểm sáng rất đáng mừng trong thời gian qua.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, ổn định; giá nhiều nhóm mặt hàng về cơ bản giữ ổn định, hoặc giảm; CPI tháng 02/2020 giảm 0,17% so với tháng trước. Xuất khẩu vẫn tăng trưởng; nhập siêu trong kiểm soát. Xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ; xuất khẩu của khu vực FDI tăng 0,9% và trong nước tăng 6%. Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng; dịch bệnh dần được kiểm soát (đàn gia cầm tăng 13,8%, đàn bò tăng 2,4%; diện tích rừng trồng tăng 1,3%; khai thác gỗ tăng 3,6%; sản lượng thủy sản tăng 2,7%).
Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19 nhưng các ngành công nghiệp vẫn duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá; IIP tháng 2/2020 ước tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước; IIP 2 tháng 2020 ước tăng 6,2%, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%…
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kỳ với trên 17.400 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 364.000 tỷ đồng (tăng 9,1% về số doanh nghiệp và tăng 47,1% về số vốn đăng ký). Có gần 12.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 17,1%). Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm với trên 28.000 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ 2019, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vốn FDI thực hiện giảm 5%; vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 9,3%); vận tải hành khách tăng 3,8% (cùng kỳ tăng 10,2%). Khách quốc tế tăng 4,8%, mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%); mức tăng cao nhất trong 7 năm qua.
Một số ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do diễn biến về giá cả và thời tiết. Khu vực dịch vụ là khu vực bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh COVID-19; đặc biệt là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống. Lượng khách quốc tế trong tháng 2/2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách, giảm 49,8% so với tháng trước, giảm 35,8% so với cùng kỳ.
Việt Nam bước đầu kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. |
Cụ thể hơn, sản xuất nông nghiệp trong tháng chịu tác động của thời tiết diễn biến bất thường mưa đá, mưa rào tại các địa phương phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm và lấn sâu ở phía Nam. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó kịp thời nên cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển khá. Sản lượng thủy sản 2 tháng đầu năm có dấu hiệu tăng chậm lại, trong đó nuôi cá tra gặp khó khăn về giá và thị trường tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19). Có điểm đáng vui mừng là trong tháng 2, chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được kiểm soát, một số địa phương đã công bố hết dịch; chăn nuôi gia cầm tăng cao nhưng thời tiết đang thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm tồn tại và lây lan, các địa phương và người chăn nuôi cần có biện pháp phòng và xử lý dịch hiệu quả ngay khi mới phát sinh để ngăn chặn bùng phát trên diện rộng. Ước tính tháng 2, đàn bò cả nước tăng 2,4% so với cùng thời điểm năm trước; có 32 địa phương có 100% số xã dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày và 25 địa phương có trên 85% số xã đã qua 30 ngày; cả nước không còn dịch lợn tai xanh.
Thêm nữa, sản xuất lâm nghiệp trong tháng 2 tập trung chủ yếu vào hoạt động “Tết trồng cây” và bắt đầu trồng rừng vụ xuân khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, chăm sóc và bảo vệ rừng ở khu vực phía Nam. Vì thế, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 9 nghìn ha, tăng 2,3% so với cùng kỳ 2019.
Với sản xuất công nghiệp, tháng 2/2020 ước tính tăng khá so với tháng 1 và so với cùng kỳ 2019 do số ngày sản xuất trong tháng 2 năm nay nhiều hơn. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực khá mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp nên tính chung 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ 2019, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, tháng 2 là tháng sau Tết Nguyên đán và chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên một số nhà thầu chậm triển khai thi công, đồng thời trong các tháng đầu năm hoạt động đầu tư tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước nên nhìn chung tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm đạt không cao so với kế hoạch năm 2020 (8,3%). Cùng với đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020.
Cũng lý do trên, hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 2 không sôi động như những tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ 2019. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% so với cùng kỳ 2019, mức tăng thấp nhất của 2 tháng kể từ năm 2014 đến nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước tính đạt 414,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7,9% so với tháng 1 và tăng 6% so với cùng kỳ 2019. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 863,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ 2019. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 674 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ 2019, thấp hơn nhiều mức tăng 13,3% của cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng hạn chế đến nơi công cộng mua sắm…
Theo nhận định của một số chuyên gia, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và khả năng khống chế dịch bệnh./.
Ý kiến ()