Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các địa phương phía Nam
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tình hình dịch bệnh, trong đó có bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và sởi đang diễn biến phức tạp và bất thường có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới tại các địa phương phía Nam.
Trẻ mắc chân tay miệng được điều trị tại bệnh viện trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh (Nguồn: VOV)
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số ca mắc bệnh tay chân miệng đang bùng phát mạnh tại các địa phương phía Nam với hơn 4.000 trường hợp từ đầu năm đến nay (chiếm 77% cả nước), chủ yếu gặp ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%).
Đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc bệnh tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Tây Ninh…
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố này cũng đã có trên 4000 ca bệnh tay chân miệng điều trị nội trú và trên 21.000 ca điều trị ngoại trú. Bên cạnh đó, TP.Hồ Chí Minh cũng đã có trên 130 ca mắc bệnh sởi.
Tại Đồng Nai, từ đầu tháng 8/2018 đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng nhanh và liên tục. Trong tháng 9, số ca mắc lên tới trên 200 ca nội trú, khoảng 500 ca ngoại trú mỗi tuần. Các địa phương có số bệnh nhân mắc bệnh cao là TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu và Nhơn Trạch. Hiện, số ca mắc sởi tại Đồng Nai là 190 ca, trong đó chỉ tính riêng từ tháng 9 đến nay đã có 161 ca. 10/11 huyện ghi nhận có ca bệnh, tập trung tại khu vực có nhiều khu công nghiệp, nhà trọ như huyện Nhơn Trạch 87 ca, huyện Long Thành có 31 ca và TP.Biên Hòa xảy ra 41 ca.
Theo Bác sĩ Trần Minh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, qua giám sát và điều tra cộng đồng tại một số điểm có ca bệnh, chùm ca bệnh cho thấy, số mắc bệnh phần nhiều tập trung ở nhóm trẻ sống trong các khu nhà trọ của công nhân, trẻ chưa tiêm chủng sởi và trẻ không rõ tiền sử tiêm chủng.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sởi cũng đang diễn biến khá phức tạp. Từ tháng 9/2018 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng nhanh với 112 ca và trên 3.000 ca mắc bệnh tay chân miệng. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương, có đến 90% đối tượng nhập cư chưa được tiêm chủng hoặc không rõ lịch tiêm chủng. Đây cũng là một trong 5 tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ có số ca bệnh tay chân miệng và sởi tăng cao trong thời gian gần đây.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh phân tích những nguyên nhân phát sinh dịch bệnh, theo đó, từ kết quả điều tra dịch tễ của đơn vị này, trong năm 2018 dịch bệnh có chiều hướng phát sinh ở các khu vực có khu công nghiệp tập trung, nơi có số lượng công nhân lao động, người nhập cư, đối tượng vãng lai biến động liên tục.
Ngoài ra, tại những khu vực tập trung đông nhà trọ cho người lao động ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa- Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh…, điều kiện nhà ở, vệ sinh môi trường, nước thải, nước sạch không được tốt và đảm bảo chất lượng cũng là điều kiện lý tưởng phát sinh dịch bệnh. Đặc biệt, có đến 90% đối tượng là người nhập cư, công nhân chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng.
Từ đầu năm tới nay, bệnh tay chân miệng và sởi tại các tỉnh phía Nam tăng cao chủ yếu ở khu vực miền Đông Nam Bộ. Một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có dấu hiệu gia tăng nhưng không phức tạp và tăng nhanh như ở khu vực vực Đông Nam Bộ. Theo các chuyên gia y tế, thời tiết chuyển mùa, trẻ em tựu trường cũng là những yếu tố ngoại cảnh thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển.
Tình trạng số lượng lớn trẻ nhập viện do sởi không được tiêm chủng đầy đủ hoặc chưa đến tuổi tiêm, trong khi sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp, dẫn đến nguy cơ số trẻ bị sởi sẽ tiếp tục tăng cao ở các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 95% quy mô xã, phường.
PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh cho rằng, qua điều tra dịch tễ, năm 2018 có sự phổ biến của chủng virus Enterovirus 71 (Ev71), chiếm 25% tổng ca mắc. Virus này khiến bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng hơn, tác động lên hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp, có thể gây tử vong. Đặc biệt, có sự biến đổi chủng gien của Ev71 từ C5 sang C4. Đây cũng là chủng gien virus gây nên dịch bệnh tay chân miệng ở Việt Nam vào năm 2011 với 70.000 người mắc và 145 người tử vong. Chủng này cũng dễ gây biến chứng nặng, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi cao gấp 1,7 lần so với các chủng gien khác của Ev71. Điều này có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh gia tăng nhanh chóng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước những tuần gần đây, nhất là các địa phương Đông Nam Bộ.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng, đối với bệnh sởi, cần đẩy mạnh việc tiêm vét, nhất là các địa phương có nguy cơ cao cần tiến hành tiêm vét trong tháng 12 và tháng 1/2019. Tại khu vực phía Nam, tình hình mắc sởi liên tục tăng cao, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. Tại những khu vực nguy cơ cao này, tỷ lệ tiêm phòng sởi mũi 1 và mũi 2 chưa đạt như mong muốn, một số nơi trẻ mắc sởi không được cách ly.
Đối với bệnh tay chân miệng, biện pháp phòng tránh chủ yếu vẫn là tập trung vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Cùng với đó, một số nhóm đối tượng tạm trú không nằm trong danh sách tiêm vét, vì vậy rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, chủ nhà trọ, khu công nghiệp.
Các địa phương trong vùng dịch bệnh phát triển mạnh cũng đã giao Sở Thông tin – Truyền thông phối hợp Sở Y tế, Sở Giáo dục-Đào tạo tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng ngay tại hộ gia đình, cộng đồng, đặc biệt là tại các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo./..
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()