Dịch bạch hầu tái xuất, Indonesia mở chiến dịch tiêm chủng toàn quốc
Từ đầu năm tới nay, đã có gần 600 trường hợp mắc bạch hầu được phát hiện tại 95 cộng đồng dân cư ở 20 tỉnh của nước này khiến 32 người tử vong.
Bộ Y tế Indonesia cho biết có ít nhất 591 trường hợp mắc bệnh bạch hầu đã được ghi nhận kể từ tháng 1, tăng 42% so với năm ngoái và gọi đây là “sự kiện bất thường”. Năm 2016 có 415 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận và 24 trường hợp tử vong tại Indonesia. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tình trạng lây lan của bệnh bạch hầu hiếm khi xảy ra ở Indonesia.
Bộ Y tế Indonesia cho biết, chiến dịch tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc này có thể kéo dài đến tháng sau nhằm hướng tới hơn 8 triệu trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt tại 3 trong số các tỉnh đông dân cư nhất.
Tiến sĩ Mohamad Subuh, Giám đốc chương trình Phòng chống bệnh tật, Bộ Y tế Indonesia cho biết: “Các ca bệnh đang gia tăng hơn nhiều so với năm ngoái. Chúng tôi đang thực hiện chương trình chủng ngừa để ngăn ngừa một đại dịch có thể xảy ra”.
Mặc dù tiêm chủng đã giúp giảm thiểu các trường hợp mắc bệnh trên toàn cầu trong 30 năm qua nhưng Indonesia vẫn là nước có tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu cao nhất thế giới cùng với Ấn Độ và các nước châu Phi vùng hạ Sahara.
Tổ chức Y tế Thế giới đã ghi nhận khoảng 7.000 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trên thế giới trong năm ngoái. Năm 1980, con số này là 100.000.
Các tổ chức trẻ em ở Indonesia kêu gọi mọi người tham gia vào các chương trình tiêm chủng bởi “chích ngừa là sự bảo vệ tốt nhất”.
Chiến dịch tiêm chủng sẽ được đẩy mạnh thực hiện ở thủ đô Jakarta và 2 tỉnh lân cận, nơi có số ca bệnh mới cao nhất từ tháng 1/2018.
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây qua đường hô hấp nếu chưa có miễn dịch, tiếp xúc với người bệnh sẽ lây. Các triệu chứng bao gồm sốt, đau họng và đôi khi bị tắc nghẽn đường thở.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()