Địa chỉ xanh - Nông sản sạch cho người tiêu dùng
LSO-Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm sản được cơ quan chức năng chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Có nghĩa là sản phẩm ở các cơ sở này được cơ quan chức năng kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm ở tất cả các công đoạn sản xuất, kinh doanh; sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc…
Lãnh đạo HĐND tỉnh, Thành ủy thành phố Lạng Sơn, UBND |
Sáng nào cũng vậy, bà Nguyễn Minh Hồng ở đường Thân Cảnh Phúc, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn đều đến ki – ốt bày bán sản phẩm rau, củ, quả của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thịnh Phương trên đường Nguyễn Tri Phương (bãi đỗ xe Bờ sông, chợ Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) để lựa thực phẩm. Số thực phẩm này là nguyên liệu quan trọng cho quán cháo dành cho trẻ em trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ với “thương hiệu” khá nổi tiếng: Cháo bà Tuyn. Bà Hồng cho biết: Rau, củ, quả tươi chưa đủ mà còn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Chúng tôi chọn mua sản phẩm ở cửa hàng này hoàn toàn yên tâm bởi cửa hàng đã được cơ quan nhà nước kiểm tra và chứng nhận chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Châm, chủ cửa hàng rau, củ, quả Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thịnh Phương (xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Đầu năm 2017, được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản hướng dẫn, chúng tôi đã đảm bảo an toàn cho sản phẩm của mình ở tất cả các khâu, các công đoạn sản xuất đến kinh doanh và được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Người tiêu dùng chọn mua rau, củ tại cửa hàng của Hợp tác xã |
Hiện nay có khá nhiều bếp ăn tập thể của các trường học trên địa bàn thành phố và huyện Cao Lộc tin tưởng đặt mua sản phẩm ở cửa hàng. Lượng khách mua lẻ cũng đông hơn so với thời điểm chưa có xác nhận.
Ông Nguyễn Công Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho biết: Thực hiện Quyết định 3075 ngày 20/7/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chi cục đã chủ động phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Đồng thời chi cục lựa chọn, tư vấn, hướng dẫn một số cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, sản trên địa bàn đảm bảo an toàn trong từng khâu sản xuất, kinh doanh sản phẩm, tạo tiền đề cho việc xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Đến nay, chi cục đã cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 4 cơ sở sản xuất kinh doanh. Ngoài Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Thịnh Phương còn có sản phẩm của Tổ hợp tác Sản xuất rau an toàn Tân Liên và Tổ hợp tác Sản xuất rau an toàn Gia Cát (huyện Cao Lộc); chuỗi na an toàn của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng CMT Việt Nam.
Sau khi cấp chứng nhận, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tiếp tục kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm của các cơ sở này.
Ngoài ra, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục phối hợp, duy trì việc lấy mẫu giám sát các sản phẩm này tại các điểm chợ. Cùng với đó là hướng dẫn, vận động các hộ sản xuất nông, lâm, thủy sản cam kết sản xuất an toàn. Từ năm 2017 đến hết 5 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã có trên 11 nghìn hộ gia đình ký cam kết.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, trước mắt đơn vị tập trung hướng dẫn, đảm bảo điều kiện để xác nhận thêm 2 chuỗi thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh.
Lạng Sơn có nhiều sản phẩm đặc sản, nhiều loại trong số đó đã có chứng nhận sản xuất VietGAP, GlobalGAP như: na, quýt, hồng… Cùng với đó, nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh đã từng bước được nâng lên. Đây là những tiền đề để Lạng Sơn tiếp tục có thêm những chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn được xác nhận. Đó sẽ là những “địa chỉ xanh – sản phẩm sạch” cho người tiêu dùng; đồng thời cũng thúc đẩy liên kết bền chặt hơn giữa những người sản xuất và kinh doanh, nâng cao giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()