Di vật lịch sử về các khu du kích của Lạng Sơn thời kỳ chống Pháp
(LSO) – Trong số tài liệu hiện vật lịch sử cách mạng của tỉnh và đất nước, di vật về các khu du kích của Lạng Sơn thời kỳ kháng chiến chống Pháp luôn tạo được những ấn tượng sâu đậm về những năm tháng hào hùng trên mặt trận đường số 4. Các di vật phản ánh quá trình xây dựng, hoạt động của căn cứ du kích được sưu tầm từ hơn 60 năm trước, nay đã trở thành một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc.
Những năm tháng kháng chiến chống Pháp, đường số 4 là con đường huyết mạch cung cấp vũ khí, quân trang, quân dụng cho lính Pháp đóng ở Cao Bằng. Với quyết tâm “chặt đứt đường số 4”, phá tan âm mưu tấn công lên cơ quan đầu não kháng chiến của ta ở Việt Bắc, bộ đội ta đã tích cực bám đánh địch trên đường số 4. Thực hiện chủ trương của Khu ủy, từ năm 1947, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng các căn cứ du kích tại một số huyện gồm: khu du kích Chi Lăng trải rộng trên địa bàn 3 xã: Tĩnh Gia, Tam Lộng, Tú Mịch (Lộc Bình); khu du kích Ba Sơn thuộc địa bàn các xã: Cao Lâu, Xuất Lễ, Công Sơn, Hòa Cư, Hải Yến… (Cao Lộc); căn cứ du kích Nà Thuộc tại Bính Xá, Kiên Mộc, Bắc Xa… (Đình Lập). Các căn cứ du kích đó là hậu phương ở ngay vùng sau lưng địch, là địa điểm tập kết, huấn luyện của bộ đội và du kích trên đường số 4.
Đình Pò Khưa (xã Tam Gia, huyện Lộc Bình) – nơi thành lập khu du kích Chi Lăng
Trong số đó được xây dựng quy củ nhất là khu du kích Chi Lăng. Tại đây có hệ thống pháo đài, chiến lũy kiên cố, có đài quan sát, hệ thống giao thông hào nối liên hoàn các làng bản… Ở đó đã thành lập các đội du kích, Nhân dân địa phương tích cực tham gia hội làng, hội xã, cùng nhau uống máu ăn thề quyết tâm chống giặc, bảo vệ bản làng. Các hộ gia đình thi đua hăng hái tăng gia sản xuất tạo ra lương thực, thực phẩm nuôi quân, góp tiền mua sắm vũ khí trang bị cho dân quân du kích, tham gia tải thương, tuần tra, canh gác… Trong khoảng thời gian từ năm 1947 đến 1950, các khu du kích này đã lập công xuất sắc, đẩy lùi nhiều đợt tấn công, càn quét của quân Pháp vào căn cứ, làm hậu thuẫn tích cực cho bộ đội đánh địch trên đường số 4.
Tài liệu hiện vật về ba khu du kích này của Lạng Sơn ở các bảo tàng trong và ngoài tỉnh khá phong phú và toàn diện. Hiện trong Bảo tàng tỉnh có một khẩu súng Sten của Đội võ trang danh dự Cao Lộc đã dùng đi tiền trạm xây dựng khu du kích Ba Sơn. Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có những chiếc thuổng mà Nhân dân xã Tĩnh Gia, huyện Lộc Bình đã sử dụng để đào chiến hào xây dựng khu du kích Chi Lăng. Hai bảo tàng này cũng là nơi lưu giữ khá nhiều vũ khí của dân quân, du kích đã dùng để chiến đấu tại khu du kích Chi Lăng như súng trường, súng và đạn Joop… Bên cạnh đó là những vật dụng được các chiến sĩ du kích sử dụng trong những ngày gian khó, chống địch càn quét vào căn cứ như: ca men, túi dết đựng đạn; bát, đĩa, bàn sản tự tạo bằng tre, gỗ… Ngoài ra còn có một số hiện vật là các vật dụng của lính Pháp mà quân ta thu được sau các trận chống càn của địch vào khu du kích.
Có thể nói, thành tích, kết quả hoạt động của các khu du kích luôn gắn liền với sự chỉ đạo, động viên kịp thời của chính quyền, lực lượng chức năng các cấp trong và ngoài tỉnh. Phản ánh sự chỉ đạo đó có chỉ thị huy động dân công của Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh, mệnh lệnh của Ban Chỉ huy phòng thủ Ba Sơn về bao vây đồn bản Xâm, thông tri của các xã trong khu du kích về việc huy động gạo cho bộ đội… Bên cạnh đó là thư khen, giấy khen của của Liên khu Việt Bắc, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh, Tỉnh đội Lạng Sơn đối với các cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong chiến đấu. Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh hiện đang lưu giữ bức trướng thêu dòng chữ “kháng chiến hộ ủng” (ủng hộ kháng chiến) bằng chữ Hán được Hồ Chủ tịch “phong tặng” thành hoàng đình Pò Háng (xã Bính Xá, huyện Đình Lập) tháng 2/1948.
Tài liệu hiện vật về các khu du kích của Lạng Sơn phản ánh sinh động hiện thực những năm tháng kháng chiến chống Pháp gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. Đồng thời thể hiện rõ lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm chống giặc bảo vệ làng bản, quê hương. Đó chính là những thành tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Biên giới, giải phóng Lạng Sơn năm 1950.
Ý kiến ()