Di vật... kể chuyện
Bảo tàng Quân khu 4 hiện đang trưng bày, lưu giữ rất nhiều di vật nằm cùng phần mộ liệt sĩ. Từ thông tin ghi trên di vật, cơ quan chức năng và gia đình, thân nhân đã tìm kiếm, xác minh thông tin tên tuổi, quê quán liệt sĩ. Tuy nhiên, vẫn còn đó hàng nghìn di vật đang chờ đợi được giải mã.
Nhiều thông tin quý
Trong không gian linh thiêng của Nhà tưởng niệm và trưng bày di vật liệt sĩ tại Bảo tàng Quân khu 4 là những di vật được xếp trang trọng: Hòn đá núi khắc tên, mảnh cây khắc tên, chiếc bút máy, chiếc lược khắc tên, những cái tên ấm áp nhưng sao lạnh lùng, buốt nhói: B10; K6; Đ-H-Lượng; Nguyễn Văn Sông… Nhưng, quê liệt sĩ ở đâu? Thuộc đơn vị nào? Không ai biết! Những di vật, những tấm bia, cái tên kia bỗng trở thành những khoảng không nhức nhối.
![]() |
Cán bộ, nhân viên Bảo tàng Quân khu 4 bảo quản các kỷ vật và di vật của liệt sĩ. |
Trăn trở, đồng cảm với những gia đình đang ngày đêm chờ mong, từ những ký hiệu, những dòng thông tin ít ỏi trên di vật để lại, Bảo tàng Quân khu 4 với nhiều kênh thông tin, bằng nhiều phương pháp đối chiếu, so sánh, tổng hợp, điều tra, xác minh, tìm nhân chứng, giải mã ký hiệu đơn vị, thời gian hoạt động, địa bàn (có trường hợp phải sử dụng công nghệ giám định ADN), từ đó đã góp phần tìm lại tên tuổi, quê quán cho hàng trăm liệt sĩ có di vật nằm cùng phần mộ. Mỗi di vật được khớp nối thông tin là những câu chuyện cảm động.
Trung tuần tháng 1-2001, trong đợt tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ ở bản Mày, xã Tà Rịa, huyện Sepon, tỉnh Savannakhet (Lào), Đội Quy tập 584, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị phát hiện ngôi mộ có những mảnh nhôm khắc tên: Đậu Sỹ Hùng-31202. Thông tin chỉ có vậy, nhưng với nỗ lực tìm kiếm, khớp nối, Bảo tàng Quân khu 4 đã xác minh được thông tin liệt sĩ Đậu Sỹ Hùng, sinh năm 1941, tại xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ tháng 4-1959, thuộc Sư đoàn 325. Năm 1967, đơn vị của liệt sĩ Hùng chiến đấu tại cao điểm 845, phía tây Đường 9, Quảng Trị. Trên cương vị là Trung đội trưởng, anh chỉ huy Trung đội 5, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 phối thuộc với đơn vị bạn chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Cũng trong công tác xác minh thông tin liệt sĩ tại Bảo tàng Quân khu 4, câu chuyện về chiếc gương phía sau có bức ảnh cỡ 5x8cm, đen trắng, chụp chân dung người phụ nữ khoảng chừng 50 tuổi, đầu chít khăn vấn tròn, mặc áo bà ba sẫm màu, khuôn mặt không còn rõ nét, loang lổ bởi bùn đất và vết máu khô là manh mối duy nhất hy vọng xác minh được thông tin liệt sĩ. Di vật được Đội Quy tập 589, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình cất bốc tại bản Thà Na, huyện Hinboun, tỉnh Khammouane (Lào) vào ngày 24-11-1999.
Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, 10 tháng sau, Bảo tàng Quân khu 4 nhận được cuộc điện thoại của ông Bùi Danh Khuê, anh trai của liệt sĩ, hiện đang sinh sống tại Hà Nội, nhận ra bức ảnh người mẹ sau tấm gương là mẹ Dương Thị Diệp… Ngày đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương, mẹ Diệp đã 94 tuổi. Mẹ Diệp ôm bức ảnh chính mình lấm lem máu khô của con trai, hướng đôi mắt mờ đục khắc khoải ra phía xa xa như hằng ngày mẹ vẫn ngồi chờ con của mẹ trở về.
Còn nhiều di vật “im lặng”
Bên cạnh những di vật đã khớp nối được thông tin cho liệt sĩ, còn rất nhiều di vật vẫn chưa thể và rất khó khăn để xác minh. Đó là chiếc cối giã trầu được làm từ vỏ đạn pháo cao xạ 37mm. Cối vẫn làm chưa xong, còn thiếu một nét uốn cong mới có thể hoàn thiện. Là chiếc lược được người lính tỉ mẩn làm từ mảnh xác máy bay chờ ngày hòa bình trở về tặng bà, tặng mẹ, tặng người vợ tảo tần. Bên cạnh đó là hai đôi dép cao su dành cho trẻ em được tìm thấy trong hài cốt của một liệt sĩ hy sinh trên đất bạn Lào xa xôi chưa kịp mang về tặng đứa con bé bỏng mà có thể anh chưa một lần biết mặt…
Di vật còn là những tấm bia mộ được làm từ những hòn đá núi, từ vỏ của thùng lương khô hay mảnh xác máy bay để đánh dấu nơi yên nghỉ của các anh. Đó còn là 136 bức thư của liệt sĩ Nguyễn Anh Mậu, thuộc Đoàn 559 gửi cho vợ là chị Hoàng Thị Síu ở Hưng Yên với lời thề: “Nguyện suốt đời giữ trọn chữ yêu thương, tình vợ chồng”, “Giữ vững khi gian nan, trở ngại để cùng nhau vun trồng cho hạnh phúc gia đình”, “Yêu thương, quý mến các con, nuôi nấng, dạy dỗ con tiến bộ”…
Chiến tranh đã vĩnh viễn cướp đi niềm hạnh phúc bình dị đời thường của những người lính và cả những người dân. Di vật của những người lính có khi chỉ còn lại đôi dép cao su đã từng theo bước chân anh hành quân xuyên Trường Sơn; chiếc bát sắt méo mó; sợi dây thừng vượt dốc cheo leo, lưỡi dao găm đã hoen gỉ, những tấm giấy ố vàng… Và ở đây còn có những di vật được những người lính ở bên kia chiến tuyến gửi lại như chiếc bi-đông, mặt nạ phòng hóa hay một chiếc kẹp tóc mảnh mai của nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa… Việc trả lại di vật cũng là một cách để họ giải thoát khỏi sự day dứt, ám ảnh vì đã tham gia vào cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Những di vật được trưng bày, lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 4 đã thay các liệt sĩ kể lại câu chuyện về cuộc đời chiến đấu của các anh, các chị đã lặng yên hòa vào đất, đã hóa cỏ cây. Điều đó có nghĩa, những di vật đó đang còn cất giữ rất nhiều thông tin quý báu mà qua đó có thể giúp cho việc giải mã, khớp nối, xác minh thông tin của các liệt sĩ.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()