Đi vào chiều sâu
Ứng dụng khoa học ươm giống khoai tây sạch bệnh tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Đình Lập, sau 4 năm triển khai chương trình, huyện đã xây dựng được 13 mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất. Nhìn vào số lượng mô hình thì nhiều, song thực chất các mô hình này rất nhỏ lẻ.
Từ khi triển khai chương trình đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ sản xuất của Đình Lập chỉ vỏn vẹn 340 triệu đồng. Chia bình quân cho các mô hình thì mỗi mô hình kinh tế chỉ có khoảng hơn 26 triệu đồng. Bởi vậy, hầu như các mô hình không có tính kế thừa, duy trì nguồn vốn, chưa có tính phát triển và tập trung vào thế mạnh.
Ông Nông Minh Cát, Phó Chủ tịch UBND huyện Đình Lập bộc bạch: phát triển sản xuất vẫn chỉ dừng lại ở các mô hình nhỏ, chưa có sức lan tỏa cao, vì vậy hình thức tổ chức sản xuất cũng chậm đổi mới. Đến nay, trên địa bàn huyện Đình Lập chưa có mô hình kinh tế trang trại và trong tổng số 8 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thì hiện nay đều đã ngừng hoạt động. Không chỉ riêng trên địa bàn huyện Đình Lập, mà hầu hết các xã, huyện khác trong toàn tỉnh đều khá lúng túng trong triển khai phát triển sản xuất. Bởi nguồn kinh phí phân bổ rất hạn hẹp, khó có thể tập trung làm mô hình cho “ra tấm, ra món”. Thực tế ngay từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đối với phát triển sản xuất từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình, Ban chỉ đạo tỉnh đã định hướng, quán triệt: không sử dụng nguồn vốn này để xây dựng mô hình mà dùng để phát triển, nhân rộng các mô hình đã có trước đây. Đồng thời lồng ghép các nguồn vốn khác để tập trung đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Triển khai như một dự án, có tính dài hơi và tập trung vào sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên cơ bản vẫn chỉ dừng ở quy mô mô hình nhỏ.
Theo thống kê của Văn phòng điều phối, trong giai đoạn 2011-2014, triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn, toàn tỉnh đã triển khai được hơn 80 mô hình phát triển sản xuất như: mô hình trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn…, tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện các mô hình là trên 6 tỷ đồng, bao gồm cả ngân sách của huyện và huy động các nguồn lực khác. Trong đó chỉ có một số mô hình điển hình như nuôi lợn nái ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng là phát huy hiệu quả, duy trì được nguồn vốn. Còn lại hầu hết các mô hình chỉ có tính chất thời vụ, nhỏ lẻ, như hỗ trợ giống, phân bón…Với mục tiêu hình thành các dự án phát triển sản xuất dài hơi, có sức lan tỏa mạnh và cũng là điểm để các cơ sở học tập, trong cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh trung tuần tháng 11 vừa qua, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận: các cơ quan hữu quan phối hợp với UBND các huyện, thành phố lựa chọn từ 1-2 xã trong tỉnh để xây dựng và triển khai dự án tổng thể hỗ trợ phát triển sản xuất, bao gồm các hợp phần: xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp sản xuất; xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học-công nghệ; xây dựng hình thức tổ chức sản xuất, có sự tham gia của doanh nghiệp, của cơ sở nghiên cứu khoa học… Các tiêu chí lựa chọn đối tượng xã thực hiện là: khả năng tiếp nhận và triển khai dự án của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, đặc biệt là sự hưởng ứng của người dân; có điều kiện tập trung đất sản xuất, lao động, khả năng tiếp nhận và chuyển giao công nghệ tương đối thuận lợi; có khả năng mở rộng quy mô sản xuất sau khi có kết luận mô hình thực hiện thành công…Vốn để lập dự án được bố trí trong nguồn vốn sự nghiệp xây dựng nông thôn mới năm 2015. Vốn thực hiện dự án được bố trí trong nguồn vốn đầu tư phát triển xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn khác, kể cả vốn sự nghiệp nghiên cứu khoa học được bố trí từ năm 2016. Thời gian thực hiện dự án có thể từ 3-5 năm, Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ trực tiếp chỉ đạo triển khai dự án.
Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối cho biết: hiện nay Văn phòng Điều phối đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị để tham mưu lựa chọn theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Ban chỉ đạo tỉnh. Đây là một trong những hướng đi rất quan trọng để phát triển sản xuất thực sự đi vào chiều sâu, chắt chiu và phát huy được hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ.
Ý kiến ()