LSO-Thuở khai sơn lập địa, núi non, sông, suối biển đảo... nào đã có tiên. Chỉ khi con người xuất hiện trên trái đất này thì tạo vật do thiên tạo hay nhân tạo mới có địa danh, tên tuổi do con người đặt nên, mà mỗi tên gọi đều ẩn chứa bên trong nội hàm của nó biết bao điều kỳ diệu mà ta gọi là “tích” hay “sự tích” đó là những kho báu tinh thần vô giá của các tộc người, các cộng đồng các dân tộc trên thế gian này. Đường lên khu du lịch Mẫu Sơn - Ảnh: Khánh LyTạo hóa đã ban tặng cho Xứ Lạng quê tôi núi non hùng vũ, khí hậu trong lành, cảnh chí tuyệt vời non kỳ thủy tú, bốn mùa xanh tươi hoa lá. Mùa xuân về “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng” làm bừng thức muôn hoa tỏa hương thơm khoe sắc thắm như mời gọi du khách thập phương về thưởng xuân trong nhịp trống hội tưng bừng vang vọng cả núi rừng. Những hang động trong lòng núi đá vôi hiện ra trước mắt bạn như cung điện, đền đài lộng lẫy, lung linh...
LSO-Thuở khai sơn lập địa, núi non, sông, suối biển đảo… nào đã có tiên. Chỉ khi con người xuất hiện trên trái đất này thì tạo vật do thiên tạo hay nhân tạo mới có địa danh, tên tuổi do con người đặt nên, mà mỗi tên gọi đều ẩn chứa bên trong nội hàm của nó biết bao điều kỳ diệu mà ta gọi là “tích” hay “sự tích” đó là những kho báu tinh thần vô giá của các tộc người, các cộng đồng các dân tộc trên thế gian này.
Đường lên khu du lịch Mẫu Sơn – Ảnh: Khánh Ly
Tạo hóa đã ban tặng cho Xứ Lạng quê tôi núi non hùng vũ, khí hậu trong lành, cảnh chí tuyệt vời non kỳ thủy tú, bốn mùa xanh tươi hoa lá. Mùa xuân về “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng” làm bừng thức muôn hoa tỏa hương thơm khoe sắc thắm như mời gọi du khách thập phương về thưởng xuân trong nhịp trống hội tưng bừng vang vọng cả núi rừng. Những hang động trong lòng núi đá vôi hiện ra trước mắt bạn như cung điện, đền đài lộng lẫy, lung linh sắc màu, muôn hình vạn trạng để du khách trút bỏ mọi ưu phiền lo âu, nhọc nhằn sau những tháng năm lao động, sáng tạo trong cuộc mưu sinh, để được đắm mình trong không gian kỳ ảo mà tạo hóa ban tặng và tiếp tục cuộc hành trình đầy hứng khởi cho tương lai rạng ngời của khát vọng cống hiến cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn. Có một điều thú vị là ở Xứ Lạng quê tôi, những gì đẹp nhất, lung linh huyền ảo nhất thường được mang mỹ từ là “Tiên” “Động Tiên”, “Chùa Tiên”, “Giếng Tiên”, “Thành Tiên Xây”, “ao Tiên tắm”, “Suối Tiên”, “Đào Tiên”… “Đẹp như Tiên sa”, “Bỗng ông Tiên hiện ra”… Nhân Tết đến xuân về, xin mời bạn cùng tôi đi tìm “Huyền thoại Đào Tiên”, trong rất nhiều danh thắng nổi tiếng gần xa của Xứ Lạng có một Danh Sơn ẩn chứa “sự tích” mà chúng ta “đi tìm” trong cuốn “Văn hóa Tàng Thư” số 39 từ bộ Quốc sử “Đại Nam Nhất Thống chí” phần “tỉnh Lạng Sơn” trang 22 có ghi rõ:
“Ở phía Tây Bắc châu Lộc Bình giáp giới châu Tư Lang nước Thanh, thế núi cao lớn chạy khuất khúc độ 500 dặm, làm tiêu biểu cho trang tỉnh thành. Sách “Đại Thanh nhất thống chí chép: Trên đỉnh núi này có hai chót hình như người Nam và người Nữ vậy nên gọi là Công – Mẫu (Công là đàn ông, Mẫu là đàn bà). Núi ấy khi có mây mù thì trời lạnh, khi trong sáng thì trời mưa. Bản triều niên hiệu Tự Đức thứ 3 (1850) đem kê vào hạng Danh Sơn, chép vào Tự Điển (Điển Lễ cúng tế)”. Nhưng Danh Sơn Công – Mẫu hùng vĩ linh thiêng đã đi vào tiềm thức trong kho báu văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc ở miền biên ải xa xôi từ lâu lắm rồi. Tương truyền rằng:
Ngày xửa ngày xưa giặc giã thường kéo đến quấy nhiễu, tàn sát dân lành. Cha là thủ lĩnh của Bộ lạc văn võ song toàn, chí khí lẫm liệt, tập hợp binh sĩ, dựng cờ Nghĩa quyết chí đánh đuổi giặc giã bảo vệ quê hương dân bản.
Lễ xuất quân, cờ xí rợp trời, trống, chiêng dậy đất vang vọng núi rừng, ngồi trên lưng chiến mã lông trắng như tuyết, Cha vung thanh gươm báu thề trước bàn dân thiên hạ:
Khi nào dẹp xong giặc giã mới trở về quê hương.
Cha hạ thanh gươm báu, vạch một đường dài giữa hai triền núi dặn dò bà con:
Hãy gắn kết bên nhau, giúp nhau tu chí làm ăn chờ đoàn quân ca khúc khải hoàn.
Cha và đoàn quân hùng dũng ra đi, đi mãi chưa về, vợ con dân bản, quê hương mỏi mắt chờ mong. Đường gươm Cha vạch xuống đất trước lúc lên đường như lời hẹn ước nay đã thành dòng suối mát trong ào ạt chảy giữa hai triền núi, dân bản gọi là “Suối Bản Tẳng” (Suối chờ). Những năm tháng đằng đẵng khắc khoải chờ mong của mọi người cũng đến ngày thỏa nguyện, một ngày đẹp trời, mùa thu năm thứ mười, Cha dẫn đoàn quân chiến thắng trở về, vó ngựa khải hoàn rền vang trong tiếng trống, chiêng reo hò của dân bản kéo về kín rừng, kín núi. Chẳng biết nghe “lời đồn ác” từ đâu, thay cho vòng tay ôm lấy người thân, Cha giận giữ vung gươm báu chém đầu Mẹ vì tội “Ở nhà không chung thủy, đã ngoại tình với chàng trai bên Bản Chóp Chài người bạn nối khố của cha từ thuở thiếu thời…”. Đôi mắt đẹp của Mẹ mở to kinh hoàng chỉ kịp đẩy hai người con sinh đôi yêu dấu sang cho Cha trước khi đầu lìa khỏi cổ. Bỗng mây đen bốn bề ùn ùn kéo đến trời nổi gió đổ mưa sấm sét ầm ầm… Chuyện động đến Thiên Đình. Ngọc Hoàng liền sai bẩy nàng Tiên xuống điều tra sự tình. Thì ra Mẹ chính là nàng tiên thứ 10 năm xưa cùng chị em chốn Ngọc Hoàng xuống trần gian du ngoạn, mải mê thưởng ngoại cảnh đẹp mê hồn dưới trần gian khi chợt nhớ đến giờ khắc phải trở về trời, khi quay về nơi để xiêm áo có đôi cánh Tiên thì không thấy nữa, Cha và người bạn tri kỷ ở Bản Chóp Chài đã đem giấu áo tiên vào hang núi. Trai tài gái sắc gặp nhau Cha Mẹ thành đôi lứa sóng đôi đẹp nhất vùng. Khi cha đi đánh giặc Mẹ đã mang thai, chỉ có điều Cha không biết là Tiên giáng trần nên Mẹ mang thai 12 tháng khác người trần gian. Còn người bạn cố tri của Cha ở nhà cũng không lấy ai, chứng kiến cảnh đau lòng, chàng chạy một mạch lên đỉnh núi cao ngồi khóc thương cho thân phận của mình, thân phận của bạn, nước mắt của chàng thành hồ nước trong vắt, đầy ắp không bao giờ cạn, cây cối quanh hồ bốn mùa xanh tươi hoa lá.
Khi dân bản tìm đến nơi thì chàng trai đã “hóa” quần áo đầm đìa nước mắt nóng hổi nhưng gương mặt vẫn rạng ngời, thân thể tỏa ra mùi hương thơm ngát, khi thay quần áo mới, lau nước lá thơm khâm liệm cho chàng mọi người kinh ngạc nhận ra chàng không bình thường mà ái nam ái nữ. Thảo nào biết bao cô gái đẹp, nết na bản xa, bản gần khi tỏ tình với chàng trai Chóp Chài thông minh khỏe đẹp chỉ thấy chàng đáp lại bằng nụ cười bí ẩn lạ lùng.
Khi trời quang mây tan, mưa tạnh gió ngừng, không thấy di hài Mẹ đâu, mọi người tỏa ra đi tìm, thì ra gió đã cuốn thân Mẹ lên đỉnh núi cao, cuốn thủ cấp của Mẹ đi xa hàng chục dặm và đặt lên ngọn núi phía Đông Bắc thành phố Lạng Sơn bây giờ nên dân quân gọi là “Đầu Mẫu Sơn” gọi tắt là “Núi Đầu”. Khi thân Mẹ “hóa” trên đỉnh núi cao. Dòng sữa Mẹ chảy thành bẩy hồ nước trong vắt, ngọt thơm, bên hồ là những cây quýt ngọt, ăn bao nhiêu cũng được, nhưng không được mang đi, trái lời sẽ bị Mẹ quở phạt. Dù trời hạn hán bao năm thì bẩy hồ nước trên núi Mẹ (Mẫu Sơn) vẫn đầy ắp nước, trong lành, thơm thảo ngọt ngào.
Khi tỏ rõ ngọn ngành cha hú lên một tiếng vang vọng cả 99 cánh rừng, bay quá 99 ngọn núi, tiếng hú ân hận muộn màng như con hổ sập bẫy làm đau cả đèo cao vực sâu, Cha nắm tay hai con chạy một mạch lên đỉnh núi cao, ngồi hướng sang núi Mẹ khóc ròng 9 ngày 9 đêm, nước mắt ân hận của Cha hóa thành 9 dòng suối trong ngần rửa nỗi oan cho Mẹ. Sang ngày thứ 10 trước khi “hóa” Cha dùng hết sức bình sinh còn lại moi trái tim mình dâng về phía Mẹ, bỗng mây đen kéo đến, trời đổ mưa, lạ thay máu của tim Cha chảy đến đâu cây xanh mọc đến đó, hai con cũng “hóa” theo cha. Loài cây lạ mùa xuân hoa đỏ thắm rừng hương thơm lan tỏa khắp núi Cha nằm sang núi Mẹ yên nghỉ. Mùa hạ cây cho quả ngọt hình trái tim. Quả có màu xanh của núi rừng, khi chín đầu và cuống quả có màu hồng tươi như má người thiếu nữ dậy thì. Vị thơm, chua, chát, ròn, ngọt. Cây lạ đó gọi là Đào Tiên. Phái đẹp tắm nước hoa Đào Tiên nước da sẽ trắng mịn hồng tươi đến suốt đời, phái mạnh ăn trái Đào Tiên người ốm đau sầu não, cũng trở nên khỏe mạnh vui tươi. Người ta đã lấy Đào Tiên quí giá đi trồng ở nhiều nơi, mùa xuân về cây vẫn nở hoa rực rỡ, mùa hạ vẫn cho quả chín, nhưng dù chăm bón kỳ công đến đâu thì sắc hoa vẫn không sao thắm đỏ và quả chín thì nhỏ và không cho “ngũ vị” lạ kỳ như Đào Tiên trên núi Cha, núi Mẹ (Công Sơn, Mẫu Sơn). Một điều kỳ thú nữa là vào những ngày đẹp trời đứng ở Khuất Xá, Tú Đoạn, huyện Lộc Bình nhìn lên núi Cha ta thấy rõ mồn một hình hai người con tuấn tú mắt đăm đắm nhìn. Núi Mẹ lung linh, huyền ảo sống động lạ lùng. Khi ta lên đỉnh núi Cha nơi hai người con “hóa” nhìn qua núi Mẹ, trên vách núi có một không gian trắng hướng sang núi Cha dài chừng 700 mét, cao chừng 50 mét, kỳ lạ thay suốt ngàn vạn đời nay không hề có một gợn rong, rêu, không một bóng dương xỉ, cỏ cây nào bám vào đó.
Dân gian truyền lại rằng: Đó chính là phần bụng của Mẹ trắng trong, chung thủy, nuôi con chờ chồng. Xung quanh “bụng Mẹ” là những cánh rừng Đào Tiên xanh bát ngát như minh chứng cho lòng Mẹ trung trinh son sắt đợi chồng.
Nguyễn Trường Thanh
Ý kiến ()