Di tích vẫn “chờ” sổ đỏ
(LSO) – Nghị quyết 25-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 31/8/2016 về “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” nêu rõ: mục tiêu phấn đấu từ 60 – 70% di tích đã xếp hạng các cấp được khoanh vùng, bảo vệ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Tuy nhiên, hiện nay, số di tích đã xếp hạng được cấp giấy GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh mới đạt 18,2%. Nhiều di tích vẫn đang trong tình trạng “chờ” sổ đỏ.
Nói về nguyên nhân của sự chậm trễ này, ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Do công tác này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp, ngành. Ban quản lý di tích các cấp chưa phát huy được vai trò của mình. Phòng chuyên môn của các huyện, thành phố chưa tích cực tham mưu cho UBND các huyện, thành phố phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tháo gỡ khó khăn trong việc lập thủ tục cấp GCN QSDĐ cho di tích.
Di tích Đấu Đong Quân, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng khó cấp GCNQSDĐ do ranh giới di tích nằm trên khu vực người dân sinh sống và canh tác đã nhiều năm
Cụ thể như trường hợp tại huyện Văn Lãng, đầu năm 2018 đã hoàn thiện việc khoanh vùng, đo đạc cho 9/9 di tích đã xếp hạng của huyện. Trong đó, có 3 di tích gồm: di tích Quốc gia Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (xã Hoàng Văn Thụ); di tích xếp hạng cấp tỉnh đền Hai Bà Trưng và đền Đức Thánh Trần (thị trấn Na Sầm) đã có bản đồ khoanh vùng và được đánh dấu trên bản đồ địa chính của huyện. Song thời điểm hiện tại đã là quý III năm 2019, 3 di tích này vẫn đang “chờ” sổ đỏ.
Trao đổi với bà Đặng Thị Hiền, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin (VH-TT) huyện Văn Lãng chúng tôi được biết: Từ cuối năm 2017, Phòng VH-TT đã chủ động phối hợp với Phòng Tài nguyên – Môi trường và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện kiểm tra, đo đạc các di tích đã được xếp hạng. Đối với 3 di tích đã được khoanh vùng đánh dấu trên bản địa chính của huyện, chỉ đợi hướng dẫn cụ thể về công tác kê khai cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, hơn nửa năm trôi qua, mặc dù phòng đã nhiều lần có ý kiến với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của huyện về vấn đề này, song đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Lăng Văn Phặt, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Văn Lãng khá bất ngờ. Ông cho biết là không hề biết về trường hợp 3 di tích này do ông mới nhận công tác từ đầu năm 2019.
Trường hợp của huyện Văn Lãng cho thấy công tác phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn hiện nay còn nhiều hạn chế. Và không chỉ huyện Văn Lãng, đây là thực tế chung ở rất nhiều đơn vị khác trên địa bàn tỉnh đang gặp phải.
Ngay như thành phố Lạng Sơn là đơn vị tích cực nhất trong việc đầu tư, tôn tạo di tích cũng như tiến hành các hoạt động khoanh vùng bảo vệ vẫn gặp rất nhiều vướng mắc. Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng VH-TT thành phố cho biết: Hiện thành phố có 20 di tích đã được xếp hạng, trong đó mới có 7 di tích được cấp GCNQSDĐ. Đối với những di tích còn lại, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình hoàn thiện công tác khoanh vùng, đo đạc, kê khai để cấp GCNQSDĐ. Chúng tôi không có chuyên môn về lĩnh vực đất đai và cũng mong sự tư vấn cụ thể từ Phòng Tài nguyên và Môi Trường. Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp, Phòng Tài nguyên và Môi trường lại yêu cầu chúng tôi phải căn cứ Luật Đất đai hiện hành để tham mưu, đề xuất giải pháp đối với di tích vướng mắc trong công tác cấp GCNQSDĐ.
Một nguyên nhân khác khiến việc lập hồ sơ cấp “sổ đỏ” vẫn còn chậm là do, nhiều di tích khó khăn trong việc xác định chủ thể, ranh giới di tích. Bà Đinh Thị Thao, Trưởng Phòng VHTT huyện Chi Lăng cho biết: Huyện có 8 điểm, khu di tích đã được xếp hạng, nhưng hiện nay mới chỉ có 1 di tích được cấp GCNQSD đất, đối với các di tích còn lại, chúng tôi vẫn gặp khó khăn trong việc xác định ranh giới.
Đơn cử như di tích Đấu Đong Quân (thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng) đã xác định được ranh giới thì lại nằm trên khu vực đất đã cấp GCNQSDĐ cho người dân từ nhiều năm. Vì vậy rất khó trong việc cấp GCNQSDĐ cho di tích này.
Qua khảo sát, khó xác định ranh giới là tình trạng phổ biến mà hầu hết các điểm di tích trên địa bàn tỉnh đều mắc phải. Để khắc phục được những khó khăn này liên quan đến vấn đề thời gian, kinh phí và các chế độ, chính sách cho người dân, và không thể hoàn thiện trong một sớm, một chiều. Vì thế, hiện trên địa bàn tỉnh mới có 23/126 điểm, khu di tích đã xếp hạng được cấp GCNQSDĐ, trong đó có 4 điểm di tích quốc gia, 19 điểm, khu di tích cấp tỉnh; vẫn còn tới 103 di tích chưa có GCNQSDĐ. Điều này khiến việc quản lý, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích gặp không ít khó khăn, nhất là khi một số công trình được các đơn vị, cộng đồng sở hữu nỗ lực mời gọi đầu tư, khai thác nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Để từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc cấp GCNQSDĐ cho di tích, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết thêm: Sở sẽ tiếp tục có sự hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc phòng VH-TT các huyện, thành phố tăng cường khoanh vùng, bảo vệ cũng như phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho các di tích đã xếp hạng.
TUYẾT MAI
Ý kiến ()