Di tích Trường Vũ Lăng - Nơi lưu dấu lịch sử hào hùng
– Di tích Trường Vũ Lăng nằm trên địa phận thôn Tràng Sơn, xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn là một trong 12 điểm di tích thuộc Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt năm 2016. Ngôi trường nhỏ ấy là nơi lưu dấu lịch sử hào hùng về những năm tháng chiến đấu của dân tộc để giành lại độc tập, tự do.
Học sinh Trường THCS xã Vũ Lăng tham quan tại di tích Trường Vũ Lăng
Tháng 9 đầu thu, chúng tôi có dịp đến thăm di tích Trường Vũ Lăng. Theo các tài liệu lịch sử, ngôi trường được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1919, được lợp bằng ngói âm dương, với diện tích 50m2, gồm 2 phòng, một phòng học và một phòng chờ giáo viên.
Ngôi trường được xây dựng với mục đích đào tạo nên đội ngũ tay sai làm việc cho thực dân Pháp. Thuở ấy, học sinh của trường chủ yếu là con nhà khá giả, chức sắc.
Năm 1940, sự kiện Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940) nổ ra giành thắng lợi đã tạo ra một bước ngoặt mới cho cách mạng Việt Nam. Sau khởi nghĩa, đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ và đồng chí Nguyễn Thành Diên đã trực tiếp chỉ đạo, xây dựng lực lượng cho phong trào cách mạng tại Bắc Sơn làm cơ sở cho những cuộc khởi nghĩa sau này. Thời điểm đó, tại Trường Vũ Lăng đã diễn ra 2 sự kiện. Sự kiện thứ nhất là vào ngày 25/10/1940, hơn 100 tay súng phản động do châu đoàn Trịnh Văn Nghiêm cầm đầu tập trung tại Trường Vũ Lăng để dẫn đường cho thực dân Pháp tấn công vào căn cứ du kích của ta nhằm đàn áp phong trào cách mạng. Trước tình hình đó, quân ta đã chủ động tiến công theo hai ngả, tập kích vào Trường Vũ Lăng. Trận đánh thắng lợi, quân địch hoảng sợ và tháo chạy.
Đến ngày 28/10/1940, Đảng bộ Bắc Sơn, trực tiếp là đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định tổ chức cuộc mít tinh để nâng cao khí thế chiến đấu của Nhân dân, đồng thời uy hiếp tinh thần quân địch. Buổi mít tinh có sự tham gia của hàng nghìn người. Đồng chí Trần Đăng Ninh đã diễn thuyết về tình hình Pháp – Nhật và động viên tinh thần cách mạng của Nhân dân, kêu gọi thanh niên gia nhập đội du kích Bắc Sơn, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Trải qua nhiều thập kỷ, năm 2000, ngôi trường đã được trùng tu, tôn tạo một số hạng mục và được sử dụng để trưng bày các tài liệu, hình ảnh, hiện vật lịch sử phục vụ người dân, du khách đến tham quan. Từ năm 2022 đến nay, di tích này đã đón trên 2.350 lượt khách. Anh La Văn Sư, cán bộ văn hoá xã Vũ Lăng cho biết: Hiện, di tích đang trưng bày 61 tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn như: đồ dùng Nhân dân Bắc Sơn đã dùng để bảo vệ, nuôi giấu, tiếp tế cho cán bộ, du kích; vũ khí của Nhân dân dùng để tham gia chiến đấu; chiến lợi phẩm thu được trong các trận đánh…
Nơi đây cũng trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đoàn thanh niên, các trường học trên địa bàn xã thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế, sinh hoạt đội, đoàn; dọn dẹp khuôn viên di tích. Em Nguyễn Thuỳ Trang, học sinh lớp 8C, Trường THCS xã Vũ Lăng cho biết: Thông qua các buổi trải nghiệm thực tế tại di tích Trường Vũ Lăng, em càng hiểu rõ và tự hào hơn về ý nghĩa lịch sử của di tích này đối với cách mạng. Từ đó em có thể giới thiệu và tuyên truyền về di tích trên quê hương mình tới bạn bè, khách tham quan khi đến với Vũ Lăng.
Ông Đặng Minh Đức, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để phát huy giá trị di tích, hằng năm, chúng tôi đã tuyên truyền đến người dân về giá trị lịch sử của di tích, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức bảo vệ di tích này. Đồng thời gắn việc phát huy giá trị di tích với việc phát triển Làng du lịch cộng đồng Bản Trăng.
Di tích Trường Vũ Lăng có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng đối với Nhân dân xã Vũ Lăng. Ngôi trường ghi dấu những năm tháng hào hùng của dân tộc, là bằng chứng về truyền thống yêu nước, lịch sử đấu tranh cách mạng anh dũng, vẻ vang của người dân Vũ Lăng nói riêng, của Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn nói chung.
Ý kiến ()