Di tích núi Tô Thị - Điểm nhấn độc đáo của văn hóa Xứ Lạng
– Từ bao đời nay, nhắc đến Xứ Lạng không ai là không biết đến các địa danh như núi Tô Thị – nơi có hòn vọng phu (tượng nàng Tô Thị). Núi Tô Thị đã trở thành điểm nhấn độc đáo trong hệ thống di tích của Lạng Sơn. Thời gian qua, chính quyền và Nhân dân thành phố Lạng Sơn đã có nhiều việc làm tích cực góp phần bảo tồn, phát huy di tích độc đáo này.
Theo thống kê chưa đầy đủ của tác giả Nguyễn Dược – Trung Hải trong cuốn “Sổ tay địa danh Việt Nam” xuất bản năm 1998, trên cả nước hiện có 7 hòn vọng phu tại các tỉnh, tuy nhiên quen thuộc và được biết đến nhiều nhất vẫn là hòn vọng phu tại Lạng Sơn với danh xưng “Nàng Tô Thị”. Hiện nay, tượng đá độc đáo này nằm trên ngọn núi thuộc quần thể Khu danh thắng Nhị – Tam Thanh, thành nhà Mạc thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Năm 1962, khu di tích này, trong đó bao gồm cả núi Tô Thị đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp Quốc gia.
Nhân viên Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố dọn dẹp, nhổ cỏ tại khu vực tượng đá nàng Tô Thị
Bà Nguyễn Thị Hạnh, phường Phước Long, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, du khách tham quan cho biết: Tôi đã được đi tham quan nhiều hòn vọng phu ở các nơi trong nước nhưng tôi thấy hòn vọng phu nàng Tô Thị vẫn là đẹp và có nét giống người thật nhất. Đặc biệt, mỗi lần trở lại, tôi lại thấy di tích này khang trang, sạch đẹp hơn.
Để có những trải nghiệm thực tế, vào một ngày đầu tháng 10/2021, chúng tôi đến với di tích Thành nhà Mạc – Núi Tô Thị. Theo cảm nhận của chúng tôi, đường lên tượng đá khang trang, sạch sẽ và dễ đi hơn trước. Bà Lương Thị Sinh, Tổ trưởng Tổ quản lý khu di tích, Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố cho biết: Mỗi tháng 2 lần, chúng tôi lên đây dọn dẹp vệ sinh xung quanh khu vực tượng. Năm 2018 và 2019, đơn vị đã in 20.000 tập gấp giới thiệu về giá trị của các di tích trong khu di tích Nhị – Tam Thanh, trong đó có tượng đá nàng Tô Thị phát tới khách tham quan.
Trong công tác quản lý, bảo tồn di tích, từ năm 2018, sau khi được bàn giao quản lý, chính quyền, ngành chức năng thành phố đã có nhiều giải pháp để cải tạo, chỉnh trang nhằm từng bước bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Cụ thể, UBND thành phố đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trồng mới 600 cây hoa đào tại đây nhằm tạo cảnh quan trong khu di tích. Tháng 7/2020, UBND thành phố đã triển khai dự án tu bổ khu di tích Nhị – Tam Thanh, núi Tô Thị, thành Nhà Mạc với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng. Trong đó, riêng đối với di tích núi Tô Thị đã được tiến hành thay mới hệ thống bảng thông tin chỉ dẫn và lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tại tượng đá (2 đèn 100W) và chân núi Tô Thị (5 đèn 100W).
Ngoài ra, năm 2019, UBND thành phố phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh, núi Tô Thị, thành Nhà Mạc với chủ đề “Di sản văn hóa và tiềm năng du lịch” trong đó có nội dung nghiên cứu làm rõ giá trị của biểu tượng hòn vọng phu – nàng Tô Thị. Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin (VHTT) thành phố cho biết: Về phía phòng, từ năm 2019 đến nay, Phòng VHTT đã xây dựng và đăng hơn 20 bài viết tuyên truyền về hệ thống di tích, di sản văn hóa thành phố, trong đó có di tích núi Tô Thị trên trang thông tin điện tử của thành phố, trang fanpage “Thành phố Lạng Sơn – thành phố hoa đào”.
GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Ở Việt Nam có nhiều câu chuyện về hòn vọng phu và chắc chắn câu chuyện hòn vọng phu lưu truyền ở Lạng Sơn có ảnh hưởng sâu đậm, rộng khắp trong tâm thức người Việt. Điểm đặc sắc nhất của tượng đá nàng Tô Thị là sự kết tinh cao nhất lòng chung thủy son sắt của người phụ nữ Xứ Lạng nói chung và người phụ nữ Việt Nam nói riêng.
Qua đây có thể thấy, cùng với các di tích khác, tượng đá nàng Tô Thị gắn với núi Tô Thị đã từ lâu trở thành “thương hiệu” nhận diện, điểm độc đáo của văn hóa Lạng Sơn. Tin rằng, với nhiều giải pháp tích cực, thời gian tới, điểm di tích này sẽ còn phát huy hơn nữa giá trị vốn có của nó
Ý kiến ()