Di tích nhà 74, 76 phố Nam: Cơ quan bí mật của Đảng ở Long Châu
(LSO) – Nhà 74, 76 phố Nam (thị trấn Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc) hiện nay vừa là điểm di tích, vừa là nhà trưng bày các tài liệu, hiện vật về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sỹ cách mạng Việt Nam. Những năm tháng hoạt động ở thị trấn Long Châu, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thường xuyên ở và làm việc tại ngôi nhà này.
Nhà 74, 76 phố Nam là ngôi nhà rất quy mô, bề thế nằm trên một con phố cổ chạy dọc sông Lệ Giang tại trung tâm huyện lỵ Long Châu. Kiểu dáng của ngôi nhà mang những nét đặc trưng rất điển hình của kiến trúc Trung Hoa cổ. Nhà có kết cấu gỗ, gồm 2 tầng: tầng dưới dùng làm cửa hiệu; tầng trên để ở, phía trong của ngôi nhà rất sâu và kín đáo. Chị Lục Quốc Kỳ, thuyết minh tại nhà trưng bày cho biết: Ngôi nhà này được làm từ cuối đời Minh, đầu đời Thanh (khoảng cuối thế kỷ 17), chủ nhân là ông Hoàng Đại Quang và Ôn Sĩ Kiệt. Năm 1931, những người cách mạng Việt Nam đã thuê lại ngôi nhà này với danh nghĩa để làm ăn, buôn bán nhưng thực chất là tạo địa điểm liên lạc an toàn, thuận tiện cho việc tổ chức hoạt động bí mật đến tận năm 1936. Do đó, điểm di tích này có tên là “Cơ quan bí mật của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Long Châu”. Từ năm 2006, nơi đây hoàn thành nội dung trưng bày, trở thành nhà triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thường xuyên mở cửa đón tiếp nhân dân hai nước Việt – Trung tới tham quan nghiên cứu, tìm hiểu.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh tích cực chuẩn bị ảnh, hiện vật trưng bày triển lãm chuyên đề “Hoàng Văn Thụ – sáng mãi tên anh”. Ảnh: LA MAI
Tư liệu lưu trữ tại Bảo tàng huyện Long Châu và nội dung thuyết minh trưng bày tại di tích cho thấy phần lớn thời gian hoạt động cách mạng ở thị trấn Long Châu, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã ở ngôi nhà này. Tại đây, đồng chí đã có những ngày tháng cùng ở và hoạt động với các đồng chí Lê Hồng Phong,Vi Dụ Đông… – những nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng. Ngôi nhà này có vai trò như một trụ sở cơ quan bí mật của những người cách mạng Việt Nam hoạt động ở Long Châu. Đồng thời còn là nơi tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ cốt cán từ trong nước sang để đưa trở về gây dựng, phát triển phong trào cách mạng của Việt Nam ở vùng biên giới Việt – Trung. Thông thường mỗi lớp chỉ có 5 – 6 người, học trong 7 – 8 ngày. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tham gia các lớp huấn luyện đó với vai trò là một trong số những người tổ chức lớp học, đưa đón người từ trong nước sang.
Di tích nhà số 74,76 phố Nam – cơ quan bí mật của Đảng ở Long Châu
Căn phòng nhỏ nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ thường ở nằm phía bên phải trên tầng 2 của ngôi nhà số 76, rộng gần 20 m2. Trong phòng có một chiếc giường đôi khung gỗ, một chiếc tủ gỗ nhỏ cánh mở dùng để đựng tư trang cá nhân, một bộ bàn ghế tựa dùng để ngồi làm việc và một số vật dụng sinh hoạt khác như: đèn dầu, gương, giá kê chậu rửa bằng gỗ… Kế bên là phòng khách rộng rãi dùng để hội họp, căn phòng nơi Bác Hồ đã nghỉ khi về đây. Ngôi nhà này là nơi in dấu, gợi nhớ về những tháng năm hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thụ ở Long Châu. Tại đây có các vật dụng đồng chí Hoàng Văn Thụ và Lê Hồng Phong đã sử dụng như: thùng gỗ, chày tay, cối xay bằng đá… Bên cạnh đó còn có một số hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí ở các địa điểm khác cũng được sưu tầm đưa về trưng bày tại đây như: đe gỗ, kìm sắt đồng chí đã dùng thời kỳ ở Sở Quân giới quân đoàn Tâm Hồng quân công nông Trung Quốc; kéo cắt vải, bàn là than, máy khâu… của hiệu may Đức Hưng, cơ sở bí mật – nơi đồng chí đã lao động kiếm sống để hoạt động cách mạng; sách “Cách mạng Trung Quốc với Đảng Cộng sản Trung Quốc” – tài liệu đồng chí đã dùng để tập huấn cho cán bộ, quần chúng trung kiên; gối sứ đồng chí đã dùng thời kỳ hoạt động ở Nà Tạo (Hạ Đống, Long Châu); vật dụng nhân dân Trung Quốc đã dùng để nuôi dưỡng đồng chí và các chiến sĩ cách mạng Việt Nam như: nồi đồng ông Nông Hiển Nghĩa ở Nà Tạo đã dùng để nấu cơm cấp dưỡng cho đồng chí Hoàng Văn Thụ và Bác Hồ; cối giã thuốc ông đã dùng để bào chế thuốc điều trị cho đồng chí Hoàng Văn Thụ và các cán bộ cách mạng Việt Nam… Tất cả đều là những hiện vật gốc của thời kỳ đó.
Những hiện vật quý về Bác Hồ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng được trưng bày ngay tại di tích đã có sức hấp dẫn, cuốn hút đặc biệt đối với khách tham quan. Từ nhiều năm nay, ngôi nhà này đã trở thành điểm tham quan du lịch về nguồn, địa chỉ đỏ tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các tầng lớp nhân dân hai nước, đón tiếp hàng chục ngàn lượt khách tham quan.
Thăm ngôi nhà đồng chí Hoàng Văn Thụ đã sống và hoạt động thời kỳ ở Long Châu, mỗi chúng ta càng hiểu hơn những năm tháng hoạt động cách mạng đầy gian nan, thử thách của đồng chí trên đất Trung Quốc, đồng thời cảm nhận rõ hơn những đóng góp to lớn của đồng chí trong việc gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở vùng biên giới Việt – Trung nói chung và Lạng Sơn nói riêng từ những năm 30 của thế kỷ trước.
CHU QUẾ NGÂN (Bảo tàng tỉnh)
Ý kiến ()