Di tích khảo cổ học Thẩm Khuyên, Thẩm Hai: Đừng để rơi vào quên lãng
(LSO) – Hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (huyện Bình Gia) là di tích khảo cổ học cổ sinh quan trọng phát hiện những dấu tích của người và động vật cổ ở nước ta. Tuy nhiên, hiện nay, di tích chưa được quan tâm xứng đáng với danh hiệu đã được xếp hạng và đang trở nên hoang hóa.
Những ngày cuối tháng 8 năm 2020, theo quốc lộ 1B quanh co, chúng tôi đến di tích khảo cổ học Thẩm Khuyên, Thẩm Hai thuộc thôn Còn Nưa, xã Tân Văn, huyện Bình Gia. Men theo con đường khá mấp mô, thậm chí nhiều đoạn phải đi trên bờ ruộng của những hộ dân canh tác gần đó, chúng tôi mới đến được cửa hang. Mặc dù là di tích khảo cổ học quan trọng của Việt Nam nhưng đến thời điểm hiện nay, hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai chưa được đầu tư xây dựng đường dẫn vào di tích, gây khó khăn cho khách đến tham quan, tìm hiểu. Thêm vào đó, do lâu ngày thiếu bàn tay chăm sóc của con người nên di tích dần trở nên hoang hóa, biển báo thông tin đã bị gỉ, mờ chữ. Đặc biệt, trước cửa hang, cỏ dại, bụi cây to đã “bủa vây” toàn bộ, che gần kín dòng chữ “Di tích khảo cổ hang Thẩm Khuyên – Thẩm Hai đã xếp hạng cấp quốc gia” treo trên vách núi.
Cửa hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai bị che lấp bởi cỏ dại, bụi cây to
Anh Hoàng Văn K, người dân sống gần di tích khảo cổ học Thẩm Khuyên, Thẩm Hai cho biết: Có rất ít khách du lịch đến đây tham quan vì có đến cũng không biết xem cái gì, muốn vào lại phải đi qua ruộng. Thỉnh thoảng có mấy đoàn cán bộ đến để nghiên cứu, khảo sát xong lại đi luôn. Sống gần di tích nổi tiếng như vậy, tôi và người dân ở đây rất mong muốn các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm tới di tích này nhiều hơn.
Thời gian qua, UBND huyện Bình Gia đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện thực trạng tại cụm di tích Thẩm Khuyên, Thẩm Hai. Cụ thể, năm 2018, UBND huyện giao Phòng Văn hóa – Thông tin (VH-TT) xây dựng kế hoạch và khảo sát thực địa để tiến hành cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ tại cụm di tích này. Cùng với đó, UBND huyện giao Phòng VH-TT phối hợp với 5 đơn vị, cơ quan nghiên cứu và các sở, ngành, doanh nghiệp du lịch khảo sát, nghiên cứu để đầu tư phát triển gắn kết di tích Thẩm Khuyên, Thẩm Hai với các điểm du lịch khác trong huyện. Đặc biệt, năm 2019, UBND huyện đã hoàn thành xây dựng đề án “Phát triển du lịch huyện Bình Gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó có định hướng phát triển khu di tích Thẩm Khuyên, Thẩm Hai với quy mô 0,5 ha (không kể hang động, di tích). Tuy nhiên, đến nay nay, tình trạng hoang hóa của cụm di tích này vẫn không được cải thiện.
Nguyên nhân của tình trạng này là do kinh phí dành cho tu bổ các di tích phục vụ phát triển du lịch của huyện còn hạn chế. Bên cạnh đó, mặc dù từ năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có kế hoạch tu bổ cụm di tích hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai nhưng đến nay chưa thực hiện được vì vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, di tích khảo cổ học là tài nguyên văn hóa rất đặc biệt, do vậy, quá trình tu bổ đòi hỏi phải có phương án cụ thể, thận trọng để tránh tác động tiêu cực đến giá trị di tích.
Ông Hoàng Văn Đông, Trưởng Phòng VH – TT huyện Bình Gia cho biết: Để dần khắc phục thực trạng trên, chúng tôi sẽ hoàn thiện việc cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ đối với cụm di tích lịch sử giá trị này. Trước mắt, chúng tôi sẽ vận động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích nói chung và cụm di tích Thẩm Khuyên, Thẩm Hai nói riêng. Đồng thời, tăng cường quảng bá về vẻ đẹp của hai di tích trên trang thông tin điện tử của huyện.
Di tích khảo cổ học hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai là tài nguyên văn hóa quý giá của huyện Bình Gia nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Di tích này ẩn chứa nhiều thông điệp lịch sử, khẳng định sự có mặt của người cổ đại trên mảnh đất Xứ Lạng từ sớm. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai là việc làm thiết thực và cần sớm được hiện thực hóa.
Cụm di tích hang Thẩm khuyên, Thẩm Hai có tổng diện tích khoảng 22.380 m2, nằm trên dãy núi đá vôi Phia Gà thuộc dãy núi đá vôi Điềm He – Bình Gia, cách thị trấn Bình Gia 7 km, cách thành phố Lạng Sơn 68 km về hướng Đông Nam, có niên đại cách ngày nay vào khoảng 250.000 năm thuộc thời kỳ trung kỳ Cảnh Tân. Tại cụm di tích này đã có nhiều đợt khai quật vào năm 1964, tháng 5/1965, tháng 12/1965, tháng 5/1993… Qua đó, các nhà nghiên cứu, khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật như răng đười ươi, bộ ăn thịt (họ mèo, họ gấu…), bộ có vòi (họ voi cổ, họ voi),… Năm 1993, di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. |
Ý kiến ()