Di tích đền Tả Phủ - Chốn thiêng nơi phố chợ Kỳ Lừa
– Trong số những điểm tâm linh nổi tiếng tại Xứ Lạng không thể không nhắc tới di tích đền Tả Phủ thờ Hán quận công Thân Công Tài. Ghi nhớ công lao tiền nhân, những năm qua, chính quyền và Nhân dân phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp tích cực góp phần bảo tồn, phát huy giá trị ngôi đền cho hậu thế…
Theo văn bia lưu giữ tại đền, ngôi đền này được Nhân dân 7 phường chợ ở Đoàn Thành Lạng Sơn cùng với 13 phường buôn Trung Quốc cùng nhau xây dựng vào năm 1683. Đền Tả Phủ (Tả Phủ Linh từ) có kiến trúc gồm 2 tòa, theo lối chữ Công, hướng chính quay về phía Tây. Đền thờ Tả đô đốc, Hán quận công Thân Công Tài, người có công trong việc mở mang phố chợ Kỳ Lừa, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.
Những ngày cuối tháng 7/2021, chúng tôi có dịp theo chân công chức văn hóa phường Hoàng Văn Thụ đến thăm di tích đền Tả Phủ. Theo quan sát của chúng tôi, cách bài trí và hệ thống các đồ thờ tự ở đây rất gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, thể hiện sự kính trọng và lòng biết ơn của Nhân dân đối với vị nhân thần mà họ đang thờ phụng. Ông Phí Văn Hòa, Trưởng Bộ phận thường trực di tích đền Tả Phủ cho biết: Trung bình mỗi năm, di tích đền Tả Phủ đón trên 9.000 lượt khách tham quan, lễ bái. Do vậy, để đảm bảo di tích được sạch sẽ, tôn nghiêm, hằng ngày, chúng tôi gồm 5 người cùng nhau lên đền quét dọn, bao sái ban thờ, quét lá cây trên mái.
Thành viên Bộ phận thường trực di tích nghiên cứu văn bia tại đền Tả Phủ
Về phía chính quyền, thời gian qua, UBND thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích này. Cụ thể, năm 2019, UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng chuyên môn có liên quan hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đền với diện tích 343,7 m2; lắp 4 biển chỉ dẫn tại các trục đường vào di tích. Đồng thời, giao Phòng Văn hóa – Thông tin (VHTT) quan tâm, hướng dẫn UBND phường Hoàng Văn Thụ thực hiện công tác quản lý, bảo vệ di tích.
Ông Phùng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ cho biết: Phường đã thành lập Bộ phận thường trực di tích đền Tả Phủ nhiệm kỳ 2018 – 2021 gồm 5 thành viên thường xuyên trông coi, dọn dẹp vệ sinh tại đền. Năm 2019, phường đã in 5.000 tờ rơi giới thiệu giá trị lịch sử và lễ hội đền Tả Phủ. Hằng năm, UBND phường phối hợp với bộ phận thường trực tại đền thay thế hệ thống đèn led tại cửa đền, đèn chùm phía trong đền… với tổng chi phí khoảng 10 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.
Ngoài ra, UBND thành phố đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Dự án “Tu bổ di tích lịch sử bia và đền Tả Phủ, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn” đề nghị các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Công tác tuyên truyền cũng được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo Phòng VHTT lồng ghép vào các hoạt động tại phố đi bộ Kỳ Lừa; từ năm 2019 đến nay, thành phố đăng hơn 20 bài viết tuyên truyền về hệ thống di tích, di sản văn hóa thành phố, trong đó có di tích đền Tả Phủ trên trang thông tin điện tử của thành phố, trang fanpage “Thành phố Lạng Sơn – thành phố hoa đào”.
Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng VHTT thành phố cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp quản lý, bảo vệ, phát huy các di tích trên địa bàn, trong đó có đền Tả Phủ. Đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu về giá trị di tích đền Tả Phủ đến du khách ở trong và ngoài tỉnh. Cùng đó, tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa đóng góp vào việc tôn tạo, sửa chữa các hạng mục của đền, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của Nhân dân.
Di tích đền Tả Phủ là tài nguyên văn hóa quý giá của thành phố Lạng Sơn trong việc phát triển du lịch tâm linh. Ngôi đền vừa là chốn thiêng để người dân gửi gắm ước vọng tâm linh vừa là địa chỉ giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Do vậy, việc quan tâm bảo tồn, phát huy di tích này là việc làm cần thiết, góp phần lưu giữ cho hậu thế.
Hiện nay, đền Tả Phủ còn lưu giữ được một số di vật quý như: tấm đại tự cổ “Hoài Đức hàm ninh”; tấm bia “Tôn sư phụ bi” tạo dựng năm Qúy Hợi, niên hiệu Chính Hòa thứ 4 năm 1683… Năm 1993, đền Tả Phủ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Lễ hội của đền được tổ chức từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng hằng năm, thu hút đông đảo du khách tham dự đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2015. |
Ý kiến ()