Di tích chưa xếp hạng: Đừng để rơi vào quên lãng
(LSO) – Bảo tồn di tích là việc làm cần thiết và cần được coi trọng trong tiến trình phát triển văn hóa của một vùng đất. Thế nhưng bên cạnh những di tích đã được “định danh” cấp quốc gia, cấp tỉnh thì vẫn còn những công trình lịch sử, những di tích – phế tích nằm ngoài vành đai xếp hạng… Do đó, các cấp, ngành chức năng cần có những giải pháp thích hợp để bảo vệ các di tích chưa được xếp hạng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa.
Là mảnh đất có bề dày lịch sử văn hóa, Lạng Sơn sở hữu một “kho tàng” đồ sộ các di sản văn hóa vật thể. Tuy nhiên, việc bảo vệ giữ gìn các giá trị di tích chưa được xếp hạng đang gặp nhiều khó khăn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đền Chầu Lục (Lục Cung Linh Từ) tại thôn 94, xã Hoà Lạc, huyện Hữu Lũng cho đến nay vẫn chưa được xếp hạng do chưa thống nhất về việc quản lý ngôi đền giữa người dân và chính quyền. Mặc dù, đây là điểm tâm linh quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, hằng năm thu hút lượng lớn khách tham quan, lễ bái.
Di tích Đôi trụ biểu và nhà công quán tại bờ nam sông Kỳ Cùng, thành phố Lạng Sơn – một trong những di tích chưa được xếp hạng
Tương tự, di tích đền Chầu Lục, một số di tích khác như: đền Chầu Năm, đền Mỏ Ba (huyện Chi Lăng),… chưa được xếp hạng nên cũng chưa được quan tâm bảo tồn đúng mức. Hay như trường hợp hệ thống nhà cổ kiến trúc Pháp tại thôn Nà Cạn, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, hiện nay chỉ còn giữ được 4 ngôi nhà nguyên vẹn, còn lại đều đã bị sửa chữa, làm thay đổi kiến trúc cũ vì chưa có chính sách bảo tồn.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 335 điểm, khu di tích với 4 loại hình: di tích lịch sử, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật và di tích danh lam thắng cảnh. Trong đó có 128 điểm, khu di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, còn lại 207 di tích chưa được xếp hạng. Các huyện có số lượng di tích chưa xếp hạng nhiều như: Hữu Lũng (72 điểm di tích); Văn Lãng (28 di tích); Tràng Định (23 di tích); Chi Lăng (17 di tích)… Các di tích này đều chứa đựng những giá trị lớn về lịch sử, văn hóa.
Những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các huyện tiến hành khảo sát, lập danh mục kiểm kê, khoanh vùng, lập hồ sơ khoa học đối với những di tích đủ điều kiện xếp hạng các cấp. Bên cạnh đó, sở cũng kết nối với các địa phương xây dựng đề án phát triển du lịch, trong đó chú trọng bảo tồn các điểm di tích tạo tour, tuyến thu hút khách du lịch. Nhưng để mỗi di tích được xếp hạng cấp tỉnh hay quốc gia phải trải qua nhiều công đoạn như: lập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất,… đặc biệt kinh phí khá tốn kém, do đó, số lượng di tích chưa được xếp hạng ở Lạng Sơn vẫn chiếm khá lớn.
Theo Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (Ban hành kèm theo Quyết định số 63/2017/QĐ-UBND ngày 20/12/2017 của UBND tỉnh) thì ngân sách nhà nước tập trung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho công tác quản lý, tu bổ, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích thuộc loại hình lịch sử, khảo cổ đã xếp hạng. Do vậy, kinh phí dành cho tu bổ các di tích chưa được xếp hạng đều dựa vào nguồn xã hội hóa (tiền tài trợ, công đức, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước). Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc các di tích chưa xếp hạng chưa được quan tâm bảo tồn.
Xét về giá trị lịch sử văn hóa, hệ thống các di tích mặc dù chưa được xếp hạng nhưng lại là những “nhân chứng lịch sử” của mảnh đất Xứ Lạng, giúp các thế hệ sau hiểu và thêm yêu nguồn cội, từ đó biết gìn giữ, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Đồng thời, các di tích này có vai trò quan trọng trong cấu trúc không gian, tạo lập nguồn tài nguyên du lịch cho Lạng Sơn.
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch cho biết: Trong thời gian tới, để từng bước tháo gỡ khó khăn trong việc bảo tồn các di tích chưa được xếp hạng, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá tổng quan về hiện trạng các công trình, danh thắng có giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh, tiến hành lập hồ sơ xếp hạng các di tích đủ điều kiện. Bên cạnh đó, kêu gọi các nhà đầu tư đóng góp kinh phí tu bổ, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Đặc biệt, trong năm 2020, chúng tôi sẽ hoàn thiện Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, tầm nhìn 2035.
Ý kiến ()