LSO- Kho tàng di sản văn hoá dân tộc Lạng Sơn phong phú về loại hình, lớn về số lượng và độc đáo, giàu bản sắc về nội dung. Càng ngày di sản văn hoá Lạng Sơn đã càng thể hiện được vai trò ý nghĩa quan trọng của mình trong đời sống xã hội và phát triển kinh tế của địa phương. Năm 2011 trôi qua, cũng là một năm di sản văn hoá Lạng Sơn vững bước đồng hành cùng quê hương đất nước với những thành tựu rất đáng ghi nhận. Múa sư tử trong Hội xuân. Ảnh: TLKhởi đầu là trong mùa lễ hội Xuân 2011, di sản văn hoá Lạng Sơn đã thể hiện được vai trò là vị trí trung tâm trong mọi hoạt động của lễ hội. Có rất nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức tại các di tích lịch sử văn hoá như hội Tam Thanh, hội chùa Bắc Nga, hội Chùa Tiên, hội đền kỳ Cùng – Tả Phủ, hội Đồng Đăng… Giá trị văn hoá - tín ngưỡng của di tích, cùng với các trò chơi, trò diễn dân gian, hát dân ca được tổ chức tại lễ...
LSO- Kho tàng di sản văn hoá dân tộc Lạng Sơn phong phú về loại hình, lớn về số lượng và độc đáo, giàu bản sắc về nội dung. Càng ngày di sản văn hoá Lạng Sơn đã càng thể hiện được vai trò ý nghĩa quan trọng của mình trong đời sống xã hội và phát triển kinh tế của địa phương. Năm 2011 trôi qua, cũng là một năm di sản văn hoá Lạng Sơn vững bước đồng hành cùng quê hương đất nước với những thành tựu rất đáng ghi nhận.
Múa sư tử trong Hội xuân. Ảnh: TL
Khởi đầu là trong mùa lễ hội Xuân 2011, di sản văn hoá Lạng Sơn đã thể hiện được vai trò là vị trí trung tâm trong mọi hoạt động của lễ hội. Có rất nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức tại các di tích lịch sử văn hoá như hội Tam Thanh, hội chùa Bắc Nga, hội Chùa Tiên, hội đền kỳ Cùng – Tả Phủ, hội Đồng Đăng… Giá trị văn hoá – tín ngưỡng của di tích, cùng với các trò chơi, trò diễn dân gian, hát dân ca được tổ chức tại lễ hội đã thu hút hàng vạn khách tham quan du lịch đến với Lạng Sơn. Nhằm tạo dấu ấn riêng và tạo sức hấp dẫn của lễ hội Lạng Sơn, ngành Văn hoá thể thao Du lịch đã chỉ đạo cấp cơ sở chú trọng khôi phục nét riêng, đi sâu khai thác các giá trị văn hoá truyền thống đặc thù của từng lễ hội. Trong lễ hội, các trò diễn, trò chơi dân gian như: cướp đầu pháo, múa sư tử, đánh cờ người, tung còn, đi cà kheo, kéo co… được tổ chức theo đúng cách thức truyền thống. Tại nhiều lễ hội, vốn văn hoá ẩm thực độc đáo của Lạng Sơn cũng được giới thiệu rộng rãi dưới các hình thức: thi chế biến món ăn truyền thống (quay lợn, gói bánh, làm cỗ…), các món ăn dân tộc phục vụ lễ hội… Đặc biệt, năm 2011 Hội Bảo tồn dân ca Lạng Sơn bắt đầu đưa dân ca đến lễ hội dưới dạng nguyên bản nhất. Các lễ hội chùa Bắc Nga, hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ, hội chợ Kỳ Lừa … trở nên hấp dẫn, đậm chất truyền thống hơn nhờ có hát then, hát sli giao duyên của hội viên Hội Bảo tồn dân ca. Không chỉ bó gọn trong lễ hội, hội viên còn hát giao duyên tại các địa điểm công cộng tại khu vực trung tâm khác như đường phố, khuôn viên tượng đài Hoàng Văn Thụ… tạo nên không gian văn hoá đậm chất truyền thống của Xứ Lạng khiến cho nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên và thích thú. Sau nhiều năm vắng bóng, với những nỗ lực của Hội Bảo tồn dân ca, hát giao duyên lại được xuất hiện trong đời sống, tạo nên nét đẹp khó phai mờ trong lòng du khách. Mặt khác, phong trào hát dân ca do Hội phát động đã và đang lan toả trong các bản làng của Xứ Lạng còn làm sống lại một nét văn hoá đặc sắc của Lạng Sơn vốn đang dần bị mai một.
Có thể thấy, di sản văn hoá đã đóng vai trò then chốt, trở thành phần “hồn” của lễ hội xuân Xứ Lạng, góp phần thu hút khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế đến với Lạng Sơn vào mùa lễ hội. Bên cạnh đó còn tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên các tầng lớp nhân bước vào một năm lao động đạt hiệu quả cao hơn, thiết thực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Năm 2011, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh của tỉnh tiếp tục trở thành sự nghiệp của toàn dân. Công tác xã hội hoá các hoạt động bảo tồn di sản văn hoá được đẩy mạnh với sự tham gia đóng góp nhiều tổ chức, cá nhân dưới các hình thức: tham gia quản lý, bảo vệ di tích ở cơ sở, công đức trùng tu tôn tạo di tích… Các di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia và nhiều di tích cấp tỉnh vẫn là tâm điểm thu hút khách tham quan Du lịch. Khu di tích Nhị – Tam Thanh, đền Mẫu Đồng Đăng, đền Bắc Lệ, chùa Thành, đền Kỳ Cùng, chùa Tiên… lượng khách vẫn duy trì ở mức cao. Các di tích lịch sử văn hoá, nhà trưng bày Bảo tàng của tỉnh thường xuyên đón tiếp, phục vụ các tầng lớp nhân dân đến tham quan, nghiên cứu. Riêng khu di tích Nhị – Tam Thanh trong năm 2011 đã đón tiếp, phục vụ gần 200.000 lượt khách tham quan du lịch. Bên cạnh đó, việc thu phí trực tiếp và gián tiếp từ các hoạt động dịch vụ đã tạo nguồn thu đáng kể để đầu tư tôn tạo di tích và góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh.
Một năm đã trôi qua, di sản văn hoá Xứ Lạng ngày càng thể hiện rõ hơn nét đẹp của bản sắc dân tộc, cũng như vai trò ý nghĩa của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Nhất là đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, du lịch. Di sản văn hoá Lạng Sơn đã thực sự hoà nhịp, đồng hành cùng quê hương, đất nước trong công cuộc đổi mới và phát triển, góp thêm một viên gạch hồng xây dựng quê hương Xứ Lạng ngày càng vững chắc, giàu đẹp.
Chu Quế Ngân
Ý kiến ()