Thứ 2, 25/11/2024 12:08 [(GMT +7)]
Di sản văn hóa với phát triển du lịch Lạng Sơn
Thứ 2, 21/11/2011 | 10:16:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Ngày Di sản văn hóa (DSVH) Việt Nam 23/11 năm nay có chủ đề “Tuần văn hóa du lịch Di sản Bắc Trung bộ”. Qua đó nhằm quảng bá, giới thiệu đậm nét về các DSVH khu vực Bắc Trung bộ. Từ chủ đề của ngày di sản đã cho thấy ý nghĩa của việc phát huy vai trò, giá trị di sản trong các hoạt động văn hóa, du lịch nói chung. DSVH thực sự là một tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch.
Một góc Thành nhà Mạc, thành phố Lạng Sơn |
Với Lạng Sơn, việc phát huy các di sản trong phát triển du lịch là rất rõ nét. Điều này được biểu hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các loại hình du lịch trên địa bàn thu hút du khách thời gian qua. Theo đó, du khách chủ yếu tham gia vào các loại hình như: du lịch mua sắm, du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội, du lịch khám phá hang động, du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng… Trong các loại hình, DSVH luôn được du khách hướng đến nhiều.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 600 điểm, khu di tích được chia thành 4 loại: di tích khảo cổ học, di tích danh thắng, di tích văn hóa – nghệ thuật – tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử cách mạng. Trong đó có những di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Điểm đặc biệt là khi đến với một số di tích tiêu biểu, du khách có thể có thêm được những kiến thức văn hóa hết sức bổ ích và ý nghĩa gắn với di tích đó như lễ hội, truyền thống lịch sử, ý nghĩa nhân văn và các hoạt động văn hóa khác.
Do đó, nếu du khách có dịp đến với di tích đúng mùa lễ hội thì càng có điều kiện để hiểu sâu sắc hơn về di tích. Lễ hội chính là dịp tôn vinh di tích thêm đậm nét gắn với những thần tích, thần phả, tên tuổi, công lao của các bậc tiền nhân, thánh thần có công với dân, với nước hoặc được nhân dân kính ngưỡng. Cho nên, khi có ý kiến cho rằng, các loại hình du lịch trên quê hương Xứ Lạng đều mang đậm yếu tố văn hóa là hoàn toàn có cơ sở. Riêng về lễ hội, hàng năm, toàn tỉnh có hơn 300 lễ hội lớn nhỏ được tổ chức, trong đó lễ hội lồng tồng – lễ hội mang tính chất cầu mùa chiếm khoảng 90% .
Trong các lễ hội, ngoài những trò chơi, trò diễn mang đậm chất dân gian hấp dẫn như: thi múa sư tử, thi quay lợn, thi gói bánh truyền thống, bày mâm cỗ đẹp cúng thần, biểu diễn võ dân tộc, đánh đu, ném còn, hát dân ca… còn có nghi lễ rước kiệu thần được coi là cầu nối giữa phần lễ với phần hội luôn thu hút đông đảo nhân dân, du khách dự hội. Có thể thấy, đó đều là những nét đẹp văn hóa giàu bản sắc được gìn giữ, bảo tồn, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và cũng là một yếu tố góp phần hấp dẫn du khách đến với du lịch lễ hội.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, việc phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, các di tích, DSVH cũng đã được đặt ra. Nó được thể hiện qua việc tỉnh có các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, có các chuyên đề, chương trình hành động trong phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy di sản.
Đơn cử, trong Đề án bảo tồn DSVH tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2015, mục tiêu chung cũng đã đề ra là, từ nay đến năm 2015 tăng cường xây dựng các chương trình, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị DSVH mang tính chất bền vững, lâu dài, đồng bộ; tiến hành kiểm kê, đánh giá thực trạng toàn bộ hệ thống di sản vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Từ đó ưu tiên chọn lựa các di sản có giá trị tiểu biểu, có tiềm năng khai thác du lịch để bảo tồn và phát huy…
Và trên cơ sở định hướng chung, các cơ quan hữu quan đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực. Theo Ban Quản lý di tích tỉnh Lạng Sơn, nhận thức rõ về ý nghĩa của quần thể di tích danh thắng Nhị, Tam Thanh… trong phát triển du lịch nên công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về di tích cùng với các di tích trên địa bàn luôn được đẩy mạnh. Thứ nữa, công tác chỉnh trang, tôn tạo các di tích cũng hết sức được quan tâm nhằm tạo ra sự hấp dẫn hơn nữa đối với du khách. Hay, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành trưng bày bộ ảnh giới thiệu về di tích – danh thắng – lễ hội tiểu biểu của tỉnh tại các lễ hội xuân Xứ Lạng. Đây thực sự là một cách thức hay để giới thiệu, quảng bá, phát huy vai trò của di sản trong phát triển du lịch nói chung. Nhân kỷ niệm 180 năm ngày thành lập tỉnh, tại Bảo tàng tỉnh đã diễn ra triển lãm “Lạng Sơn xưa và nay”.
Qua đó, cũng góp phần giới thiệu được tổng thể hệ thống tài liệu, hiện vật được trưng bày cố định tại bảo tàng cũng như phần trưng bày được lựa chọn làm nổi bật chủ đề của triển lãm, khắc họa đậm nét diện mạo đất và người Lạng Sơn trong suốt chặng đường từ khi thành lập tỉnh đến nay, trong đó có các DSVH tiêu biểu.
Ông Sầm Cảnh Dũng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho hay, trong kế hoạch năm 2012, Bảo tàng tỉnh cũng đặt ra việc sẽ giới thiệu bộ ảnh, tài liệu triển lãm “Lạng Sơn xưa và nay” tới rộng rãi công chúng trong các lễ hội xuân. Đây cũng là hoạt động để thực hiện chủ trương đưa bảo tàng đến gần với công chúng hơn.
Có thể nói, DSVH là một tài nguyên quan trọng đối với phát triển du lịch của bất kỳ vùng đất, địa phương nào. Khi xây dựng trên nền tảng bản sắc văn hóa, mỗi loại hình du lịch sẽ có được sự hấp dẫn và phát triển bền vững. Tất nhiên, việc phát huy phải luôn đi đôi với công tác bảo tồn, không ngừng làm giàu vốn di sản đó. Mặt khác, phải coi đây không chỉ là công việc của riêng các cơ quan hữu trách mà nó là trách nhiệm của cả cộng đồng, từ mỗi người dân, du khách.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()