Đi lễ đầu năm – Nét đẹp văn hóa của người Việt
Cứ mỗi độ Xuân về, người Việt thường lên đình, chùa cầu mong cho gia đình sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc. Chính bởi vậy, tục lễ đình, chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người Việt.
Từ lâu, đi lễ đầu Xuân đã trở thành yếu tố tâm linh gắn với văn hóa, tín ngưỡng của người Việt, được truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Như đã thành thông lệ, cứ vào đêm 30 Tết, sau thời khắc giao thừa thiêng liêng, nhiều gia đình bắt đầu chuẩn bị đi lễ đình, chùa. Lúc này, khung cảnh tĩnh mịch, thanh đạm của các ngôi chùa, sân đình bỗng trở nên đông đúc, chùa rực sáng ánh đèn, nến, vào sâu bên trong, hương khói nghi ngút tỏa ra từ các ban thờ. Người Việt tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cũng có những người đi lễ chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên, nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Nhưng nhìn chung, khi đến cửa Phật, cửa Thánh, hòa vào dòng người hành lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời – đất. Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.
Bác Nguyễn Ngọc Bích, trú tại phố Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, năm nào cũng vậy, việc làm đầu tiên trong năm mới của gia đình là phải đến cửa chùa làm lễ. Đây là dịp để bác cũng như người thân của mình mong tìm được sự thanh tịnh và hướng những việc cần phải làm cho năm mới. “Ở tuổi này, tôi cũng chỉ mong có đủ sức khỏe, gia đình ấm no, hạnh phúc. Đi lễ đầu năm cũng là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Tôi muốn các con, các cháu biết được điều này, để chúng biết trân trọng nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình” – bác Nguyễn Ngọc Bích tâm sự.
Trong đời sống tâm linh của người Việt, đi lễ đầu năm là một nét đẹp văn hóa đặc trưng. Vào mồng Một, ngày Rằm hàng tháng, đặc biệt vào những dịp lễ, Tết, nhiều người thường đến chốn linh thiêng để tìm sự cân bằng trong cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những người đi lễ giữ được nét văn hóa thanh lịch khi đến cửa thiền thì cũng còn không ít người đi lễ không xuất phát từ lòng thành kính đã làm mai một bản sắc văn hóa, gây mất mỹ quan. Khung cảnh lộn xộn, chen lấn, xô đẩy của một bộ phận người đi lễ, sự dễ dãi, buông lỏng trong khâu tổ chức, quản lý sự vụ tại chốn tâm linh khiến văn hóa đi lễ mất đi hình ảnh cao đẹp vốn có của nó. Hòa vào dòng người hành lễ, người ta thi nhau khấn vái, đặt lễ, dâng hương, tấu sớ…tạo ra cảnh bát nháo, lộn xộn, chen chúc. Có nhiều người viết hẳn ra giấy, đọc to để phật, thánh “thấu hiểu” được nỗi lòng. Có nơi, bất chấp biển cấm “Không được mang hương vào đền”, người dân vẫn mang từng bó lớn nghi ngút đi khắp các gian đền làm khói cay xè cả mắt…
Theo quan niệm của người xưa, đi lễ đầu năm là phải mang lộc về tận nhà, mang những điều may mắn khi bước qua cửa. Mọi người xin lộc đêm giao thừa là để cầu mong có được sức sống dẻo dai, mạnh khỏe và có ích như loài cây. Thế nhưng, điều này vô tình khiến những người đi lễ mặc sức tận dụng cây cối, hoa cỏ trong chùa để hái, bẻ cành đem về nhà làm lộc với niềm tin được may mắn, tấn tài tấn lộc cả năm. Hình ảnh đó khiến việc hái lộc trở thành nỗi ám ảnh đối với những tăng ni, phật tử và cả những du khách đến vãn cảnh chùa.
Đình chùa là chốn linh thiêng, việc ăn mặc khi vào đền, dẫu không có quy định nhưng cũng phải đảm bảo kín đáo, nghiêm túc. Thế nhưng, nhiều cô gái vẫn đến lễ chùa trong trang phục hở hang, thiếu trước hụt sau sì sụp khấn vái. Nhiều cô gái trẻ hồn nhiên, vô từ cười đùa bên cạnh những người đang tĩnh tâm bái phật. Hơn thế nữa, nhiều người còn mang cái “tục tâm” vào chùa, đặt tiền thật, tiền giả lên ban tam bảo, đặt tiền lễ vào tay tượng lòng tượng, thậm chí đút cả vào miệng tượng.
Có lẽ sự thiếu hiểu biết về đạo Phật đang làm méo mó, biến dạng văn hóa đi lễ của người Việt. Chính vì vậy, để hoạt động tín ngưỡng diễn ra đúng với bản chất, góp phần tiết kiệm thời gian, tiền bạc, bài trừ mê tín dị đoan tại các nơi lễ hội nhiều chuyên gia nhận định cần phải có cái nhìn đúng đắn về chùa chiền và giáo lý đạo Phật. Bên cạnh đó, cần hạn chế, thanh lọc những điều phản cảm, bát nháo đi kèm đã gây ấn tượng xấu trong xã hội để văn hóa đi lễ trở thành một nét văn hóa đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()