Trước đó, vào khoảng 22 giờ 30 phút ngày 12-6, vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra ở ấp Lạch Vàm, nhấn chìm bốn căn nhà của ba hộ tiểu thương chuyên kinh doanh mặt hàng máy nổ, điện tử và đồ tiêu dùng. Không có thương vong xảy ra, nhưng vụ sạt lở làm tổn thất nặng nề về tài sản của các hộ kinh doanh, ước tính gần 4 tỷ đồng.
Chính quyền địa phương cho biết, trước khi sạt lở xảy ra, nhân dân khu vực trên đã phát hiện những vết nứt của lộ bê-tông và khu vực đất chung quanh nhà ở, và đã trình báo với UBND xã Đất Mũi. Qua tuyên truyền, vận động, nhân dân đang tiến hành di chuyển đồ đạc, vật dụng… nhưng lở đất xảy ra quá nhanh, khiến những hộ sản xuất, kinh doanh không kịp trở tay.
Ông Trần Văn Bền, một trong ba hộ dân có nhà bị nhấn chìm sau vụ sạt lở, cho biết: Gia đình tôi ý thức rõ nguy hiểm nên không dám ngủ qua đêm trong nhà. Tuy nhiên, do kinh doanh đồ sắt, máy nổ, toàn những vật nặng, khó di chuyển nên chỉ kịp di dời ít đồ đạc cần thiết, số còn lại bị nhấn chìm hết xuống sông”.
Giúp dân vùng nguy hiểm ở ấp Lạch Vàm tháo dỡ nhà cửa, di dời đến nơi an toàn.(Ảnh: CHÍ HIỂU-Đài Truyền thanh huyện Ngọc Hiển)
Ngay sau vụ việc xảy ra, lãnh đạo huyện Ngọc Hiển và chính quyền xã Đất Mũi đến hiện trường thăm hỏi, hỗ trợ bước đầu cho các hộ dân bị ảnh hưởng, đồng thời huy động lực lượng giúp dân trục vớt tài sản, khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Ngoài nhấn chìm nhà dân, vụ sạt lở còn làm hư hỏng khoảng 30m lộ bê-tông, nhiều đoạn lộ khác trên tuyến cũng xuất hiện những vết nứt, báo hiệu sạt lở còn tiếp diễn sẽ ảnh hưởng đến năm hộ khác. Vì vậy, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ nhà cửa, di dời tài sản nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại khi có sự cố xảy ra.
Được biết, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã xảy ra bốn vụ sạt lở đất. Tình hình sạt lở còn diễn biến khó lường vì vào cao điểm mùa mưa bão.
Ý kiến ()