Ði đầu trong vận động làm giao thông nông thôn
Nhân dân địa phương góp sức cùng Liên hiệp làm đường giao thông nông thôn. Đã có hàng trăm km đường, hàng trăm cây cầu được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang (gọi tắt là Liên hiệp) vận động tài trợ xây dựng khắp các vùng nông thôn trong tỉnh. Và năm nay, Liên hiệp tiếp tục đi đầu trong vận động xây dựng giao thông nông thôn (GTNT).Niềm vui ở xã anh hùngChúng tôi trở lại Hòa Thuận (huyện Giồng Riềng), xã hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, vừa được Liên hiệp vận động tài trợ xây dựng một công trình giao thông nông thôn đầy ý nghĩa. Mặt trời đứng bóng, nhưng hơn mười công nhân vẫn miệt mài đổ, cán bê-tông mặt đường. Khoảng 2 km đường bê-tông đã hoàn thành, với chiều rộng mặt đường 2,5 m, rất chắc chắn. Chủ tịch Liên hiệp Lê Văn Hồng cho biết: Công trình này chỉ là một trong rất nhiều công trình mà Liên hiệp vận động xây dựng và đã khởi công từ đầu năm đến nay. Nhưng công trình này có ý nghĩa...
Nhân dân địa phương góp sức cùng Liên hiệp làm đường giao thông nông thôn. |
Niềm vui ở xã anh hùng
Chúng tôi trở lại Hòa Thuận (huyện Giồng Riềng), xã hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, vừa được Liên hiệp vận động tài trợ xây dựng một công trình giao thông nông thôn đầy ý nghĩa. Mặt trời đứng bóng, nhưng hơn mười công nhân vẫn miệt mài đổ, cán bê-tông mặt đường. Khoảng 2 km đường bê-tông đã hoàn thành, với chiều rộng mặt đường 2,5 m, rất chắc chắn. Chủ tịch Liên hiệp Lê Văn Hồng cho biết: Công trình này chỉ là một trong rất nhiều công trình mà Liên hiệp vận động xây dựng và đã khởi công từ đầu năm đến nay. Nhưng công trình này có ý nghĩa quan trọng và quy mô lớn hơn nhiều so với những công trình khác. Công trình là tuyến đường dài gần 9 km và trên tuyến có chín cây cầu. Cầu và đường đều được xây dựng bằng bê-tông cốt thép, với tổng trị giá khoảng 27 tỷ đồng, do Công ty TNHH Đầu tư địa ốc thành phố và Công ty cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ Đất Lành tài trợ. Công trình được khởi công cách đây khoảng một tháng và thời gian hoàn thành trong vòng 180 ngày. Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng Lý Thành Giỏi tâm sự: “Tôi thay mặt cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Thuận Anh hùng đón nhận món quà ý nghĩa của các nhà tài trợ. Công trình hoàn thành sẽ mở ra bước phát triển mới cho địa phương, giúp Đảng bộ và nhân dân Hòa Thuận sớm hoàn thành chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới”.
Nằm bên bờ sông Cái Bé nước ngọt quanh năm, nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc nhưng nhìn chung Hòa Thuận vẫn còn khó khăn, thiếu thốn, nhất là kết cấu hạ tầng còn khá hoang sơ. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Những con đường đất nắng bụi, mưa lầy vẫn còn nhiều lắm! Đâu đó vẫn còn những cây cầu khỉ lắt lẻo bắc ngang kênh, rạch, hằng ngày những em học sinh vẫn phải đánh đu qua lại”. Niềm khát khao về một vùng nông thôn không còn đường đất, không còn những cây cầu tạm bợ là mong muốn của đông đảo người dân nơi đây. Ngày khởi công tuyến cầu, đường GTNT này, người dân đã đến chung vui. Hôm ấy có cả đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Sơn và đông đảo lãnh đạo ngành, địa phương cùng dự, chia sẻ niềm vui với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Thuận. Ông Nguyễn Hồng Chiến đại diện cho nhân dân trong xã hứa vận động mọi người tự nguyện di dời tất cả những chướng ngại nơi con đường đi qua. Đồng thời, người dân cùng lãnh đạo xã, ấp giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình thi công, để công trình hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
136,5 tỷ đồng cho năm 2012
Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, vốn Nhà nước đầu tư 50%, vận động tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế 20% và nhân dân đóng góp 30%. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều than khó, vì nhu cầu xây dựng GTNT lớn, trong khi đó các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Phần 30% do nhân dân đóng góp cũng khó thu, vì nhiều nơi đời sống người dân đang gặp khó khăn.
Theo chủ trương của tỉnh Kiên Giang, phần 30% do nhân dân đóng góp, Nhà nước bảo lãnh cho vay trong ba năm, với lãi suất phân kỳ: Năm đầu 0% trên 100% vốn vay, năm thứ hai hỗ trợ 50% lãi suất trên 70% vốn vay và năm thứ ba hỗ trợ 30% lãi suất trên 30% vốn vay. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết: Đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kiên Giang làm việc với các ngân hàng, hệ thống tín dụng trong tỉnh triển khai ngay cho vay xây dựng GTNT. Theo tinh thần, nông dân thế chấp sổ đỏ vay sản xuất tại ngân hàng nào, ngân hàng đó có trách nhiệm tăng vốn thêm 30% để các hộ dân đóng góp xây dựng GTNT. Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Dũng cho biết, do các huyện kêu khó, cho nên đến nay nhiều huyện vẫn chưa có kế hoạch xây dựng GTNT, mặc dù tỉnh đã phân bổ chỉ tiêu. UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thành lập hoặc củng cố Ban vận động xây dựng GTNT và Quỹ xây dựng GTNT để tổ chức vận động, điều tiết nguồn vốn. Những nơi gặp khó khăn sẽ được tỉnh điều tiết, hỗ trợ từ nguồn vận động của Liên hiệp.
Để “đầu tàu” đủ sức kéo các địa phương trong việc vận động xây dựng GTNT, Liên hiệp vừa tổ chức hội nghị triển khai Đề án tham gia xây dựng GTNT. Ông Lê Văn Hồng cho biết, theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của tỉnh, trong năm 2012 phải hoàn thành 122,4 km đường bê- tông liên ấp, trong đó 104,3 km đường ô-tô và 18,1 km đường xe hai bánh. Phần cầu có 67 cây, trong đó 31 cầu xe ô-tô lưu thông được. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch này khoảng 153,4 tỷ đồng, phần Liên hiệp vận động tài trợ 89,7 tỷ đồng. Các công trình sẽ được phân bổ cho 13 huyện và TP Rạch Giá, tuy nhiên sẽ tập trung phần nhiều cho các huyện vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến cũ. Ngoài ra, Liên hiệp sẽ triển khai vận động để xây dựng các công trình phúc lợi khác dựa theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như: trường học, trạm y tế, nhà ở, trạm cấp nước sạch; dạy nghề tạo việc làm cho người nghèo; học bổng, xe đạp cho học sinh nghèo… với tổng kinh phí cho các chương trình này thêm khoảng 46,5 tỷ đồng.
Để nhanh chóng hoàn thành các chỉ tiêu này, hằng tháng, Liên hiệp xây dựng kế hoạch vận động và giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cho mỗi cá nhân trong thường trực Liên hiệp, các ban của Liên hiệp và các hội thành viên. Tích cực tuyên truyền về mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới đến các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, bà con kiều bào; qua đó tích cực vận động cùng chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí cụ thể, phù hợp năng lực tài chính của nhà tài trợ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()