Đi đầu trên trận tuyến “không tiếng súng”
Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Công an xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) vận động người dân không theo đạo Dương Văn Mình. |
Nghị quyết nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Đồng thời, Nghị quyết nhấn mạnh: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết số 35 chỉ rõ vai trò, vị trí của báo chí, truyền thông trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Yêu cầu là báo chí cần đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải được đầu tư tuyên truyền theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao, hấp dẫn. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông; vận dụng tổng hợp các hình thức tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền.
Thời gian qua, các cơ quan báo chí công an nhân dân chú trọng, triển khai công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch, phản động.
Các cơ quan báo chí công an nhân dân chủ động nắm âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ. Báo Công an nhân dân đã tăng số lượng bài viết đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (từ 2-3 bài/tuần, cao điểm hơn 3 bài/tuần).
Báo điện tử Công an nhân dân duy trì chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình”, sử dụng ba phiên bản Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Trung, đăng tải hàng trăm tin, bài mỗi năm, vạch trần bộ mặt thật của những đối tượng cơ hội, suy thoái về tư tưởng chính trị; phản ánh kịp thời kết quả đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng quyền tự do, dân chủ để kích động gây rối an ninh trật tự. Các ấn phẩm chuyên đề Văn nghệ Công an, An ninh thế giới bám sát diễn biến tình hình thời sự trong nước và quốc tế để tăng cường các bài viết chuyên sâu.
Truyền hình Công an nhân dân (ANTV) thực hiện hiệu quả các chuyên mục: “Chuyển động cuộc sống”, “Phim tài liệu”, “Đối thoại trường quay”, “Nghị quyết Trung ương 4 – Những việc cần làm ngay”… Từ tháng 11/2018 đến nay, Truyền hình Công an nhân dân đã mở, duy trì hai chuyên mục “Xây dựng Đảng” và “Góc nhìn sự thật”, thời lượng 15 phút, mỗi tuần 1 số (phát lại hằng ngày), tập trung công tác xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…
Phát thanh Công an nhân dân đã phát sóng, đăng tải hàng trăm bài phản bác, đấu tranh, giúp dư luận hiểu đúng vấn đề, không để các thế lực thù địch lợi dụng bôi nhọ Đảng, Nhà nước, công kích lực lượng công an, gây dư luận xấu trong xã hội. Nhiều tin, bài có tác dụng tốt, vạch trần âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lưu vong, nổi bật như chương trình “Tiêu điểm an ninh, trật tự” trực tiếp 30 phút. Tạp chí Công an nhân dân và các tạp chí chuyên ngành thuộc các học viện, trường Công an nhân dân mở chuyên mục phù hợp nhiều bài viết có tính nghiên cứu, lý luận, tổng kết thực tiễn.
Trong cuộc chiến “không tiếng súng này” với những phức tạp, khó khăn, thách thức không kém nơi chiến trường, để có hiệu quả, việc phối hợp khá chặt chẽ và hiệu quả của các loại hình, phương tiện truyền thông báo chí trong lực lượng cũng là một kinh nghiệm quý.
Mỗi thời điểm các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chống phá, các cơ quan báo chí Công an nhân dân đều chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp, có nhiều bài viết, đấu tranh đa dạng, phong phú, lớp lang. Những tác phẩm về đề tài này được đăng tải trên vị trí nổi bật của tờ báo, “giờ vàng” của chương trình truyền hình ANTV.
Thực hiện mô hình tổ chức mới của Bộ Công an, năm 2018, Cục Truyền thông Công an nhân dân được thành lập trên cơ sở các đơn vị báo chí Công an nhân dân: Báo Công an nhân dân, Truyền hình Công an nhân dân, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Phát thanh Công an nhân dân và Điện ảnh Công an nhân dân. Thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, các cơ quan báo chí trước đây gồm An ninh Thủ đô, Công an TP Hồ Chí Minh, Công an Đà Nẵng, An ninh Hải Phòng trở thành ấn phẩm chuyên đề trực thuộc Báo Công an nhân dân.
Việc thành lập Cục Truyền thông Công an nhân dân với các đơn vị báo chí, xuất bản chủ lực của lực lượng Công an nhân dân bước đầu đã phát huy thế mạnh trong xu thế xây dựng tòa soạn hội tụ, đa chức năng, bảo đảm tính tập trung, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ Công an.
Bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục Truyền thông Công an nhân dân chỉ đạo sát sao các bộ phận chức năng chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình để có biện pháp, định hướng và nội dung đấu tranh nhanh nhạy, chất lượng, tính lan tỏa, hiệu ứng xã hội cao.
Cục đã thành lập tổ chuyên trách, có nhiệm vụ theo dõi, nắm tình hình âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, lựa chọn đề tài tuyên truyền kịp thời, đồng bộ trên các ấn phẩm. Nhờ đó, số lượng tác phẩm được tăng cường dưới nhiều hình thức như: bài viết chính luận, đấu tranh chính trị, phóng sự điều tra, phỏng vấn, đối thoại trường quay…
Điển hình như các tuyến bài đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để thổi phồng, xuyên tạc; các vụ việc liên quan dịch Covid-19; lợi dụng việc cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra, xét xử các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, các vụ việc nóng về đất đai, kinh tế, tham nhũng để bôi nhọ chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước.
Cùng với báo chí truyền thống, một trọng tâm ưu tiên là phát huy lợi thế mạng internet với báo điện tử, trang fanpage, facebook, blog, đồng thời chia sẻ trên các nền tảng khác; phát huy tính năng kênh truyền hình, phát thanh có số lượng khán, thính giả theo dõi lớn để phát sóng các chương trình chất lượng vào khung giờ “vàng”.
Nhiều bài viết trên báo, chương trình truyền hình, phát thanh có tính lan tỏa cao, được chia sẻ trên các báo điện tử, diễn đàn mạng, nhận được các phản hồi tích cực. Nhiều tác phẩm báo chí của Cục Truyền thông Công an nhân dân về chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh “chống diễn biến hòa bình” đã đoạt các giải thưởng như: Giải báo chí quốc gia, Giải Búa liềm vàng… góp phần tăng thêm sức mạnh và hiệu quả thông tin tuyên truyền.
Nguồn:https://nhandan.vn/di-dau-tren-tran-tuyen-khong-tieng-sung-post744005.html
Ý kiến ()