Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả và nỗi đau da cam vẫn còn hằn sâu lên các thế hệ nạn nhân. Trong những năm qua, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) trong tỉnh đã kêu gọi, kết nối với các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm vận động nguồn lực để sẻ chia khó khăn, xoa dịu nỗi đau da cam.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 653 nạn nhân CĐDC, trong đó, có 389 người là nạn nhân trực tiếp và 264 người là nạn nhân gián tiếp (con của nạn nhân trực tiếp) đang được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Phần lớn các gia đình nạn nhân CĐDC đều có hoàn cảnh khó khăn...
Nỗi đau dai dẳng
Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã đi qua nửa thế kỷ. Nhưng đằng sau cuộc chiến ác liệt kéo dài mấy chục năm ấy, còn có một cuộc chiến tàn khốc khác ở hiện tại và còn đeo đẳng đến thứ hệ thứ 3, thứ 4 của những người lính năm xưa. Nỗi đau từ di chứng CĐDC đã và đang đè nặng cho hơn 4,8 triệu người trong cả nước bị phơi nhiễm ảnh hưởng qua nhiều thế hệ.
Tại Lạng Sơn, hiện nay cũng đã có nhiều trường hợp là cháu, chắt của nạn nhân CĐDC trực tiếp bị ảnh hưởng di chứng nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước.
Ngày 10/8/1961, lần đầu tiên quân đội Mỹ rải chất độc hóa học xuống nước ta, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học kéo dài, gây ra những hậu quả khốc liệt. Sau này, ngày 10/8 hằng năm là ngày kỷ niệm “Thảm họa da cam ở Việt Nam” để nhắc nhớ về những nỗi đau mà nhiều thế hệ đã gánh chịu, để từ đó huy động sự chung tay của toàn xã hội cùng xoa dịu nỗi đau da cam. |
Ông Trương Đức Hạnh, Chủ tịch Hội nạn nhân CĐDC tỉnh cho biết: Mỗi gia đình nạn nhân CĐDC có một nỗi đau riêng, hoàn cảnh riêng, nhưng tất cả đều có điểm chung nhất là gánh nặng tổn thất cả về cả thể xác lẫn tinh thần chưa có điểm dừng trong tương lai. Có gia đình chỉ có ông bị nhiễm, các con, cháu đều khỏe mạnh bình thường nhưng có gia đình thì vợ chồng chỉ sinh được một người con nhưng người con đó lại nằm liệt một chỗ, chân tay co quắp, mặt dị dạng. Bao nhiêu năm sống trên đời, là bấy nhiêu ngày sinh hoạt “4 tại chỗ" và cũng bấy nhiêu nỗi vất vả chồng chất của người thân phải chịu đựng, kiên cường vượt qua để yêu thương, chăm sóc. Lại có trường hợp gia đình cả 3 thế hệ (7 - 8 người trong gia đình) đều bị di chứng của CĐDC.
Đơn cử như trường hợp của gia đình ông Hoàng Quang Minh, khối 8, Phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, cả 3 thế hệ đều bị ảnh hưởng CĐDC; trong đó, ông Minh bị ảnh hưởng trực tiếp, có 3 người con và 5 người cháu bị ảnh hưởng gián tiếp (trong số 5 người cháu của ông Minh đã có 1 cháu phải nghỉ đại học giữa chừng vì sức khỏe yếu không thể theo học).
Ông Hoàng Quang Minh, chia sẻ: Bản thân tôi, các con và các cháu đều bị bị ảnh hưởng CĐDC. Các con và các cháu đều có các vết chàm và nổi cục. Đứa nhẹ thì cận thị bẩm sinh, nặng tai; đứa nặng thì trí tuệ kém phát triển. Mỗi khi nghĩ về tương lai của các con, các cháu mà lòng nặng trĩu bởi CĐDC thực sự để lại nhiều hậu quả tàn khốc và nỗi đau thể xác lẫn tinh thần.
Trên thực tế, với 653 nạn nhân CĐDC đang được hưởng chế độ thì còn rất nhiều hoàn cảnh đau lòng, thương tâm khác. Nỗi đau thầm lặng của những người làm ông, làm bà, làm cha, mẹ ấy chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu được.
Nhiều nạn nhân ngay bản thân mình cũng đang phải chịu đựng những cơn đau thân thể, nhưng vẫn phải gồng mình để chăm nuôi con, cháu bị tật nguyền do di chứng CĐDC.
Vì nạn nhân chất độc da cam
Để giúp các gia đình nạn nhân CĐDC vượt qua khó khăn, hằng năm, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động vận động, quyên góp từ nhiều nguồn lực khác nhau. Theo đó, trong năm 2023, hội đã phát động xây dựng nguồn lực xã hội ủng hộ Quỹ Vì nạn nhân CĐDC được gần 400 triệu đồng; các cấp hội nạn nhân CĐDC trong tỉnh đã tiếp nhận từ các tổ chức chính trị - xã hội và vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao tặng gần 1.600 suất quà vào các dịp lễ, tết trong năm.
Tính từ đầu năm 2024 cho đến nay, các cấp hội nạn nhân CĐDC trong tỉnh đã vận động từ các tổ chức, các ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thăm tặng trên 1.000 suất quà, trị giá trên 600 triệu đồng; hỗ trợ xây mới 1 ngôi nhà tình nghĩa; tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho 70 nạn nhân CĐDC và tặng 2 xe lăn cho nạn nhân CĐDC để phục vụ đi lại, sinh hoạt hằng ngày. Thông qua các hoạt động trên, đã góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện đảm bảo công tác an sinh xã hội và thể hiện sự quan tâm sẻ chia và chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
Ông Hoàng Văn Binh (sinh năm 1955), khối 10, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, cho biết: Tôi tham quân đội từ năm 1973 tại mặt trận Thừa Thiên Huế. Đến năm 1978 phục viên trở về quê lập gia đình. Tôi bị nhiễm CĐDC, mắc nhiều bệnh tật và ngồi xe lăn hơn chục năm nay. Tôi còn có một người con bị di chứng của CĐDC nên cuộc sống gia đình khó khăn, ngôi nhà xuống cấp mà không có điều kiện sửa chữa. Trong tháng 4/2024, gia đình tôi được các cấp chính quyền, hội nạn nhân CĐDC các cấp hỗ trợ 55 triệu đồng; cùng với số tiền đối ứng, vay mượn của anh em họ hàng, gia đình tôi đã xây được ngôi nhà mới kiên cố, không lo mỗi khi mùa mưa, bão đến.
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ trên, Hội NNCĐDC tỉnh cũng đã hỗ trợ vốn sản xuất (không tính lãi) cho 17 gia đình NNCĐDC, với mỗi hộ được vay 10 triệu đồng, trong thời gian vay 5 năm để phát triển kinh tế. Mô hình này đã được hội triển khai từ được gần 10 năm nay, qua đó, nguồn vốn đã xoay vòng cho 34 lượt NNCĐDC vay.
Tiêu biểu như NNCĐDC Nông Quốc Đoàn, thôn Nà Mần, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trong kháng chiến trở về quê hương rồi lập gia đình, khi sinh con ông mới biết mình đã bị nhiễm chất độc hóa học và người con trai cũng bị ảnh hưởng. Được sự quan tâm của các cấp Hội NNCĐDC, hỗ trợ tạo điều kiện về vay vốn phát triển kinh tế, từ năm 2015, gia đình ông bắt đầu chăn nuôi dê và trồng cây ăn quả và trồng các cây nông sản khác. Từ đàn dê 10 con ban đầu gia đình ông đã phát triển tổng đàn có thời điểm lên đến 50 - 60 con dê. Qua đó, đã giúp gia đình có thu nhập ổn định, kinh tế ngày càng đi lên.
Trong thời gian tới, ngoài việc kêu gọi vận động các nguồn lực trong cộng đồng, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm tham mưu cho tỉnh và phối hợp các ngành liên quan để thực hiện công tác rà soát, giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho người hoạt động kháng chiến và con, cháu của họ bị nhiễm CĐDC. Cùng đó, các cấp hội nạn nhân CĐDC trong tỉnh cũng tăng cường phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm phù hợp cho các con, cháu của nạn nhân CĐDC có biểu hiện nhiễm CĐDC nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước.
Ý kiến ()