Di chúc của Bác Hồ với những vấn đề xây dựng Đảng hiện nay
Ngày 2/9/1969, Bác Hồ kính yêu đã từ biệt thế giới này, đi gặp Cụ Các Mác, Cụ Lênin và về với thế giới người hiền. Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bản Di chúc lịch sử. Bản Di chúc là văn kiện đặc biệt tổng kết chặng đường cách mạng đã qua và định hướng cho sự phát triển của cách mạng và đất nước do Đảng lãnh đạo trong thời kỳ mới.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG và nêu rõ những vấn đề căn bản và bức thiết về xây dựng Đảng. Người nhấn mạnh: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(1).
Đoàn kết là sức mạnh của Đảng, của cách mạng và dân tộc Việt Nam. Đoàn kết trong Đảng là nội dung cơ bản của xây dựng Đảng, luôn luôn phải bảo đảm đoàn kết, thống nhất từ cấp trên đến cấp dưới, từ nhận thức đến hành động, chống biểu hiện mất đoàn kết, chia rẽ, phe nhóm, bè phái.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG và nêu rõ những vấn đề căn bản và bức thiết về xây dựng Đảng. Người nhấn mạnh: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(2). Thấm nhuần chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn luôn đặt lên hàng đầu sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đã đưa sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước đến thắng lợi, sự nghiệp đổi mới đến thành công.
Hiện nay, công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế càng đòi hỏi Đảng tăng cường đoàn kết, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt. Đoàn kết dựa trên nền tảng tư tưởng vững chắc là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; dựa trên Cương lĩnh, đường lối đổi mới của Đảng không ngừng được phát triển, hoàn thiện; dựa trên ý chí và khát vọng vì một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc; đoàn kết dựa trên phát huy dân chủ, tăng cường phê bình, tự phê bình và “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” như mong muốn của Bác Hồ.
Với Hồ Chí Minh, chính trị cao nhất là vì nước, vì dân, đất nước phải độc lập, thống nhất, nhân dân phải được sung sướng, hạnh phúc. “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Tư tưởng chủ đạo và cũng là mong muốn cuối cùng của Bác là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Tư tưởng chính trị đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi sáng mục tiêu phấn đấu và nội dung xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hiện nay, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng phải quán triệt sâu sắc quan điểm và nội dung do Đại hội XIII của Đảng đề ra. “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng. Nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo và chất lượng công tác hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại”(3).
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền, cần chú trọng cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước; khắc phục sự yếu kém trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, tính chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt. Thực hành dân chủ trong Đảng gắn với kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, chú trọng nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm định hướng đúng đắn nhận thức tư tưởng và thống nhất tư tưởng trong Đảng.
Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Xây dựng Đảng về tư tưởng hiện nay tiếp tục khẳng định bản chất cách mạng và khoa học, sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên sẽ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại, cơ hội, chống những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch. Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc, là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Người coi đạo đức là cái gốc của người cán bộ và thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên thực hành câu “hạnh dục phương” nghĩa là đức hạnh, đạo đức phải vuông vắn, ngay thẳng, không làm điều gì mờ ám, khuất tất.
Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(4).
Thực hiện chỉ dẫn của Bác Hồ, học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác, Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên, nghiêm túc và kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Đại hội XIII của Đảng chủ trương tập trung xây dựng Đảng về đạo đức. Đại hội đặt lên hàng đầu sự tự tu dưỡng của đảng viên, cán bộ.
“Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị”(5).
Từ yêu cầu thực tiễn, nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các giá trị đạo đức trong Đảng là vấn đề Đại hội XIII đặt ra. Với tinh thần đó, ngày 9/5/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới gồm 5 điều mang tính tổng kết khái quát rất cao.
Những chuẩn mực đó là cơ sở để đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng trong toàn Đảng. Các chuẩn mực đó cần được nghiên cứu và học tập cơ bản, có hệ thống, sâu sắc và thiết thực trong hệ thống nhà trường đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước, đồng thời trở thành nội dung sinh hoạt từ chi bộ đến các tổ chức, cấp ủy đảng.
Tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức đòi hỏi quyết tâm đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - nguy cơ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong nhiệm vụ khó khăn, phức tạp này, cần ghi nhớ lời chỉ dẫn của Bác Hồ trong Di chúc: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Bác Hồ cho rằng để là người cách mạng chân chính phải “Gian nan rèn luyện mới thành công” nhưng cũng “không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra”.
Sinh thời, Hồ Chí Minh rất chú trọng xây dựng hệ thống tổ chức đảng vững mạnh, đặc biệt là công tác cán bộ. Người coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, cán bộ tốt thì tổ chức đảng và chính quyền mạnh, cán bộ kém thì tổ chức yếu. Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Bác nêu rõ: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”(6).
Với hệ thống tổ chức đảng mạnh trong cả nước và đội ngũ cán bộ tốt, Đảng đã đưa sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước đến toàn thắng và công cuộc đổi mới thành công. Hiện nay, Đảng coi xây dựng Đảng là then chốt và gắn liền với xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị. Công tác cán bộ là then chốt trong xây dựng Đảng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ.
Tập trung ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống chủ nghĩa cá nhân, đề cao trách nhiệm nêu gương. Khuyến khích bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, dám hành động vì lợi ích chung.
Xây dựng Đảng toàn diện, đồng bộ về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ hiện nay dựa chắc trên nền tảng là tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và những chỉ dẫn của Người trong Di chúc. Toàn bộ công việc lớn lao đó nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
---------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, trang 621-622.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, trang 622.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, trang 180.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, trang 622.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, trang 183.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, trang 616.
Chủ đề: 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ý kiến ()