Thứ 4, 05/02/2025 13:08 [(GMT +7)]
Đi bộ vi phạm luật: Dân khổ, cảnh sát khó
Thứ 3, 21/02/2012 | 09:47:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Nghị định 34 của Chính phủ quy định người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ sẽ xử phạt tăng nặng bằng biện pháp hành chính. Song thực tế vi phạm thì nhiều mà lực lượng chức năng chưa xử lý được trường hợp vi phạm nào.
Người đi bộ chen lấn người đi xe cơ giới
Đoạn đường Bà Triệu, Phai Vệ hàng ngày phải “chứng kiến” hàng nghìn lượt người qua lại, trong đó có cả những người đi bộ phạm luật. Đèn điều khiển tín hiệu giao thông ở ngã tư Bà Triệu – Phai Vệ có vẻ ít tác dụng với những người đi bộ. Khi đèn xanh bật, dòng phương tiện đổ qua vùn vụt, nhưng người đi bộ vẫn chen chân, thản nhiên băng qua đường. Hay vỉa hè thành quán ăn, chỗ để xe và người đi bộ di chuyển dưới lòng đường ở đoạn đường Lê Lai, Minh Khai…Đó là những hình ảnh ai cũng rất dễ bắt gặp ở thành phố Lạng Sơn vào bất cứ thời điểm nào. Theo lực lượng cảnh sát giao thông, Công an thành phố cho biết, hiện nay tình trạng người đi bộ vi phạm Luật Giao thông rất phổ biến, tuy nhiên lại chưa có trường hợp nào bị xử lý vi phạm. Để lý giải cho tình trạng này, có rất nhiều cái khó.
Đa số người dân cho rằng, khi vỉa hè đã bị chiếm dụng để kinh doanh như đoạn đường Trần Đăng Ninh, Lê Lai, Minh Khai…không có chỗ đi nên họ phải đi xuống lòng đường. Nhất là giờ tan trường, nhiều em học sinh tràn xuống đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Mặt khác, nhiều người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới rất liều lĩnh, không có ý thức giảm tốc độ khi qua đường giao nhau, hoặc những chỗ chỉ có vạch sơn đường dành cho người đi bộ. Vì thế, tiện lúc nào người đi bộ rẽ qua đường lúc đó cho nhanh chóng. Tuy nhiên, “khó” của người dân thì ít, còn ý thức phó mặc sinh mạng của mình cho người khác của người đi bộ lại là chủ yếu. Thiếu tá Nguyễn Cao Huy, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố cho biết, thời gian qua, đơn vị luôn quán triệt việc xử lý nghiêm các vi phạm trật tự an toàn giao thông, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, triển khai Nghị định 34/2010/NĐ-CP, việc xử lý người đi bộ vi phạm gặp không ít khó khăn. Không ít trường hợp khi bị lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện, yêu cầu ký vào biên bản xử lý vì lỗi băng qua đường không đúng quy định liền viện dẫn lý do “không mang theo giấy tờ tùy thân”, “không đem theo tài sản”…Trong khi, chưa có quy định tạm giữ người đi bộ để đảm bảo việc xử lý vi phạm. Một thực tế nữa là người dân đi bộ vi phạm luật xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi nên lực lượng cảnh sát không thể kiểm soát hết được. Vì thế, lực lượng chức năng đành nhắc nhở rồi cho đi. Mặt khác, mức phạt đối với các hành vi vi phạm của người đi bộ vẫn còn thấp, cao nhất chỉ là 120.000 đồng chưa thực sự đủ sức răn đe, giáo dục người vi phạm. Thực tế trên địa bàn thành phố đã xảy ra trường hợp va chạm giao thông liên quan đến người đi bộ đi dưới lòng đường dành cho xe cơ giới. Tuy chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến va chạm, song hành vi đi bộ không đúng phần đường như vậy lại tiềm ẩn nguy cơ cao. Và sẽ xảy ra hậu quả lớn nếu người dân vẫn bất chấp luật định, giao tính mạng của mình cho xe cơ giới và các phương tiện giao thông khác.
Trả lời về việc đưa ra giải pháp nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc người dân đi bộ dưới lòng đường, thiếu tá Nguyễn Cao Huy cho biết thêm, hiện nay biện pháp chủ yếu của lực lượng cảnh sát giao thông thành phố vẫn là nhắc nhở người đi bộ đi đúng phần đường, vỉa hè. Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ, đội khác giải tỏa hành lang an toàn giao thông, xử lý những trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở, phối hợp với các ngành, đoàn thể, nhà trường và khu dân cư phổ biến luật giao thông, hậu quả do đi bộ sai phần đường quy định… Tại những nơi có mật độ người đi bộ nhiều, sẽ cắt cử cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kiên quyết chấn chỉnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm đề phòng tai nạn có thể xảy ra… Song vẫn rất cần ý thức chấp hành luật, phòng ngừa tai nạn giao thông của mỗi người dân.
Từ thực tế cho thấy, biện pháp có thể phát huy hiệu quả và khả thi là lực lượng cảnh sát giao thông kiên quyết xử phạt hành chính (dù nhiều hay ít) đối với những trường hợp người đi bộ không chấp hành luật giao thông, đặc biệt là ở những khu vực trung tâm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, góp phần ngăn chặn nguyên nhân phát sinh tai nạn giao thông.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()