ĐH công muốn tự chủ thu chi
Nguồn thu tài chính có hạn vì thấp lại cào bằng – nhiều trường ĐH công lập cho rằng đây là lý do khiến chất lượng giáo dục bị kìm hãm, trường không thu hút được giảng viên giỏi và khó có thể “cất cánh”.
Theo GS-TS Mai Ngọc Cường, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, hiện nguồn thu của các trường ĐH công lập hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước và ngoài ngân sách Nhà nước. Trong đó, nguồn từ ngân sách chiếm khoảng 54% – 57%, nguồn thu ngoài ngân sách chiếm khoảng 43% – 46%, chủ yếu là thu từ học phí, lệ phí.
GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho rằng với suất đầu tư khoảng 400 – 500 USD/sinh viên/năm như hiện nay thì việc nâng cao chất lượng là “vô phương”! GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng với suất đầu tư thua các nước trong khu vực 8-10 lần mà đòi hỏi phải sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục là duy ý chí.
Trước thực tế này, theo nhiều đại biểu, không thể duy trì cơ chế học phí thấp và cào bằng như hiện nay. “Mức học phí thấp đang kìm hãm, đè nén nền giáo dục ĐH” – PGS-TS Lê Bảo Lâm, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, nói. Theo ông Lâm, học phí thấp nên phương tiện giảng dạy, học tập nghèo nàn, lương thấp không thu hút được giảng viên giỏi… thì làm sao có thể nâng cao chất lượng.
GS-TS Nguyễn Đông Phong, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, đề nghị phải thay đổi khung học phí linh hoạt hơn và chính sách học phí nên để các trường chủ động xây dựng, không nên ràng buộc các trường bằng cơ chế “phân khúc thấp”. Nếu giao cho trường tự quyết định học phí, tự quyết định nhân sự, tự chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình đào tạo ra thì trường công chắc chắn sẽ vươn lên.
Các đại biểu cũng cho rằng để bảo đảm chất lượng, các trường ĐH phải được sự giám sát của toàn xã hội. Theo TS Phạm Thị Ly, ĐH Quốc gia TPHCM, việc kiểm soát chất lượng phải được thực hiện thông qua các tổ chức kiểm định độc lập. |
Nhiều đại biểu cho rằng tăng học phí là xu hướng khó tránh, song cần phải có chính sách hỗ trợ người học. Theo GS-TS Nguyễn Đông Phong, tín dụng cho sinh viên vay sẽ là giải pháp hoàn toàn có cơ sở và khả thi. “Khi sinh viên học bằng tiền đi vay thì chắc chắn sẽ quyết tâm học hành để còn trả nợ” – ông Phong nói. Giải pháp này được rất nhiều đại biểu đồng tình. Để tăng cường nguồn thu cho các trường, TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục – Trường ĐH Sư phạm TPHCM, còn đề nghị các nhà tuyển dụng – những người hưởng lợi từ kết quả đào tạo của nhà trường – phải chung tay giúp nhà trường phát triển.
Theo PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TPHCM, khi người học đã bỏ tiền nhiều thì phải được học ở nơi tốt. Do vậy, các trường ĐH phải cung cấp dịch vụ tốt nhất, bảo đảm chất lượng mình cung cấp phù hợp với yêu cầu của khách hàng – là người học.
Cũng theo ông Hồ Thanh Phong, cơ chế trả lương theo giờ giảng như hiện nay sẽ khiến giảng viên – người cung cấp dịch vụ – dạy đến sức cùng, lực kiệt để có thu nhập bảo đảm cuộc sống; không còn tâm trí, thời gian nghiên cứu khoa học, nâng cao chuyên môn. PGS-TS Lê Bảo Lâm cũng cho rằng việc tuyển dụng giảng viên rất khó khăn, nhất là những người được đào tạo ở nước ngoài, vì mức lương quá thấp. Do vậy, việc tự chủ thu chi với quyền trả lương cao sẽ là nền tảng để giải quyết những nhu cầu thiết yếu của giảng viên, từ đó mới có thể mang lại dịch vụ tốt nhất cho người học.
Ý kiến ()