Dệt may bù đắp doanh thu từ thị trường nội địa
Khi hoạt động xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp dệt may đang quay lại thị trường trong nước và coi đây là một trong những phân khúc thị trường tiềm năng để bù đắp doanh thu.
Chinh phục thị trường nội địa
Khó khăn từ việc thiếu hụt nguyên liệu giai đoạn đầu năm và thiếu đơn hàng xuất khẩu những tháng giữa năm đã khiến doanh thu của Tổng công ty CP Dệt may Nam Định nửa đầu năm 2020 sụt giảm mạnh. Ngay từ giai đoạn đó, Tổng công ty đã xác định quay lại chinh phục thị trường nội địa, coi đó là mảng thị trường quan trọng để bù đắp doanh thu.
Ông Nguyễn Văn Miêng, Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Dệt May Nam Định cho biết, đối với ngành sợi, trước đây, Tổng công ty sản xuất 1.100 tấn, trong đó xuất khẩu được 600 tấn, nghĩa là tỷ trọng xuất khẩu lên tới 65%, thì giờ đây xuất khẩu sợi chỉ còn 45%. Dệt May Nam Định bù đắp sự thiếu hụt đó bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Về mặt hàng vải, hiện Tổng công ty đang sản xuất khoảng 1,2 triệu mét/tháng, đến quý 3 và 4 năm nay nhiều khả năng sẽ bị sụt giảm khoảng 230-300 nghìn mét. Do đó, Tổng công ty quyết định mở rộng thị trường ra các tỉnh phía bắc, hướng tới dòng sản phẩm mới và tận dụng lợi thế vải qua nhuộm để bán sản phẩm đã qua hoàn tất nhằm cung cấp cho các công ty may.
“Đặc biệt, chúng tôi nâng cao liên kết chuỗi sợi-dệt-nhuộm để các đơn vị trong chuỗi cùng có đơn hàng để ổn định và phát triển. Nhờ đó, sẽ tiệm cận doanh thu của Tổng công ty theo kế hoạch đã đề ra, mặc dù sáu tháng đầu năm chúng tôi đang bị lỗ”, ông Nguyễn Văn Miêng cho hay.
Cùng với Dệt May Nam Định, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may khác cũng có sự chuyển hướng kịp thời sang thị trường nội địa, khi xuất khẩu dệt may đang rất khó khăn. Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, với đặc thù là ngành sử dụng nhiều lao động, việc mất nhiều đơn hàng trong những tháng đầu năm gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu của doanh nghiệp và việc làm cho người lao động. Do đó, chuyển hướng về thị trường nội địa là giải pháp quan trọng giúp bù đắp doanh thu. Mặc dù doanh thu từ thị trường nội địa hiện vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ (khoảng 10% đối với năng lực của ngành), không thể là giải pháp giải quyết tất cả việc làm cho người lao động. Song đây vẫn cần được quan tâm như là một giải pháp cho tâm lý người lao động, khích lệ tinh thần tích cực sản xuất và sử dụng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, việc khai thác tốt thị trường nội địa còn có tác dụng giúp DN giải quyết bài toán nguyên liệu, giảm bớt sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước ngoài.
Trên thực tế, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân được đánh giá là thị trường tiềm năng cho các DN dệt may. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), mức tiêu dùng hàng dệt may hiện vào khoảng 3,5 – 4 tỷ USD.
Riêng với quần áo thời trang, do nhu cầu của người dân ngày càng cao, đã thu hút không ít DN quốc tế có thế mạnh về tài chính, hệ thống phân phối khắp toàn cầu tham gia thị trường Việt Nam. Hiện tại, hơn 200 thương hiệu nước ngoài đang có mặt ở thị trường trong nước, cung ứng các sản phẩm từ trung tới cao cấp. Các thương hiệu như Zara, H&M, Uniqlo… sau khi xuất hiện tại Việt Nam đã có doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Đối với các DN dệt may nội địa, nhiều năm qua đã không ngừng đầu tư, đẩy mạnh sản xuất các dòng sản phẩm cung ứng ra thị trường trong nước. Một số DN đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm, dịch vụ với chất lượng sản phẩm ngày càng cao, giá thành hợp lý, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của xã hội, đồng thời phát triển hệ thống phân phối trên toàn quốc. Cùng với sức lan tỏa của việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, các sản phẩm dệt may Việt Nam ngày càng chinh phục tốt lòng tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, điểm yếu của các sản phẩm dệt may Việt Nam là chưa đa dạng về phân khúc thị trường và giá, hầu như mới mạnh ở phân khúc tầm trung như sơ mi công sở, quần áo đồng phục, đồ bảo hộ lao động…
Chọn phân khúc thích hợp
Hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là FTA Việt Nam – EU vừa có hiệu lực từ 1-8-2020 không những mở cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài mà còn tạo điều kiện cho các loại hàng hóa, sản phẩm của nước ngoài tràn vào Việt Nam. Phân khúc đa dạng, có thương hiệu, điều này sẽ tác động trực tiếp đến sản phẩm của các DN Việt Nam.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mặc dù Việt Nam đã rất thành công trong xuất khẩu, nhưng kinh doanh ngay trên sân nhà lại khó khăn.
Nguyên nhân bởi làm thị trường nội địa, DN phải vừa sản xuất, vừa xây dựng hệ thống phân phối, lên kế hoạch marketing bán hàng… khá “lắt nhắt” nếu so với làm hàng lô để xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn như hiện nay, làm sao để có thể tiếp cận thị trường nội địa hiệu quả là vấn đề cấp bách.
Theo đó, các DN cần phải xây dựng mạng lưới kênh phân phối, nhất là những doanh nghiệp nhỏ cũng tích cực hơn trong chinh phục người tiêu dùng bằng cách đầu tư cho thiết kế, tăng chất lượng sản phẩm và cơ cấu lại giá thành cho phù hợp. Song song đó, doanh nghiệp phải chuẩn hóa trong quan điểm tư tưởng, phương pháp phục vụ, bắt kịp xu thế thời trang… để chịu trách nhiệm đến cùng các sản phẩm, nhằm tạo tin tưởng của khách hàng.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các khu công nghiệp có xử lý nước thải, phải kêu gọi đầu tư nhà máy về sợi – dệt – nhuộm để hoàn thiện chuỗi quy trình sản xuất nguyên liệu vải, phục vụ ngành dệt may. Đây sẽ là cơ sở để nội địa hóa nguồn nguyên liệu vải, nền tảng để ngành dệt may chuyển đổi sản xuất từ gia công sang thiết kế và sản xuất, tiêu thụ cả nội địa và hướng tới xuất khẩu mạnh hơn các sản phẩm may mặc mang thương hiệu Việt ngay sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi.
Ý kiến ()