Thứ 3, 11/02/2025 07:57 [(GMT +7)]
Dẻo thơm cốm Tràng Định
27/10/2024 - 15:48 [GMT +7]
- Khi tiết trời bắt đầu sang thu, những cánh đồng lúa nếp cái ong vàng - loại gạo đặc trưng của huyện Tràng Định bắt đầu hơi ngả vàng, bông lúa trĩu hạt, căng mẩy. Đây cũng chính là thời điểm người dân thu hoạch lúa để làm cốm. Những hạt cốm dẻo thơm với hương vị đặc trưng, mang màu xanh bắt mắt được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh yêu thích.
-
Cốm là một trong những thức quà đặc trưng của mùa thu. Hằng năm, cứ vào cuối tháng 10, khi những bông lúa nếp cái ong vàng bắt đầu khum ngọn, người dân Tràng Định lại tất bật thu hoạch lúa để làm cốm -
Để làm được những hạt cốm thơm ngon, người dân Tràng Định thường lựa chọn những bông lúa còn nguyên hương sữa, hạt lúa to tròn, không bị lép -
Sau khi chọn được những bông lúa có chất lượng đảm bảo, người dân sẽ tuốt lấy hạt. Công đoạn thu hoạch thường được thực hiện vào sáng sớm để hạt lúa giữ độ tươi, khi chế biến, hạt cốm mới giữ được độ dẻo thơm, không bị khô cứng -
Quy trình làm cốm rất cầu kỳ, người dân phải thực hiện qua nhiều công đoạn. Theo đó, lúa sau khi được tuốt, người dân sẽ loại bỏ lá còn sót lại -
Lúa được rửa với nước nhiều lần để loại bỏ hết hạt lép, rồi vớt ra rổ cho ráo nước -
Sau khi làm sạch, lúa được cho vào chảo rang trên bếp củi. Chảo được người dân Tràng Định dùng để rang cốm là chảo được đúc bằng gang. Khi rang, người dân phải đảo đều liên tục đến khi hạt lúa nứt ra và dậy mùi thơm -
-
Sau khi rang xong, người dân sẽ tiến hành quạt để thổi bớt trấu, sau đó ủ độ 30 phút rồi đem giã. Để giảm bớt sức lao động, hiện nay nhiều gia đình đã đầu tư máy liên hoàn để giã cốm -
Khi giã, người dân phải đảo cốm liên tục trong cối để hạt cốm không bị dính. Công đoạn này thường phải mất từ 30 đến 40 phút -
Sau khi giã xong, người làm cốm lại tiếp tục sàng sảy, nhặt bỏ hết vỏ trấu, đảm báo hạt cốm sạch -
Cốm Tràng Định thường được người dân gói trong lá chuối để giữ được độ mềm và khi ăn có mùi thơm đặc trưng -
Nếu như trước đây, người dân huyện Tràng Định thường chỉ làm cốm để cúng ông bà, tổ tiên hoặc làm quà biếu người thân thì những năm gần đây, người dân đã bắt đầu làm cốm để bán. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tràng Định có khoảng 20 hộ làm cốm để bán, tập trung ở các xã: Kháng Chiến, Đề Thám, Hùng Sơn... Nhờ có độ mềm dẻo đặc trưng của gạo nếp cái ong vàng và hương vị thơm dịu, ngọt thanh, cốm Tràng Định đã trở thành thức quà bình dị được người dân trong và ngoài tỉnh yêu thích mỗi độ thu về
HIỂU LAM - KIM CHI
Poll