Dẻo thơm chè lam Đồng Tân
– Chè lam là món bánh truyền thống lâu đời được làm từ công thức cổ truyền của người dân xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng. Chè lam ăn dẻo, có vị ngọt thơm của mật mía, bùi béo của lạc quyện với vị cay dịu của gừng. Bánh thường được người dân làm vào các dịp lễ, tết để cúng tổ tiên hoặc làm quà biếu, đãi khách đến chơi nhà.
Những ngày đầu tháng 1, tiết trời se lạnh, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình chị Mạc Thị Hà, thôn Ngọc Thành, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng – người đã có kinh nghiệm hơn 20 năm làm chè lam. Chị Hà chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên tại thôn Đồng Heo, xã Đồng Tân, năm 20 tuổi, về làm dâu tại thôn Ngọc Thành, xã Đồng Tân, tôi đã được mẹ chồng dạy cách làm chè lam truyền thống. Bánh chè lam được quấy bằng tay, không có mạch nha nên ăn rất mềm, dẻo và thơm ngon. Đây cũng là điểm tạo nên sự khác biệt so với chè lam ở một số địa phương khác. Bánh chè lam là sự kết hợp của các nguyên liệu như: bột gạo nếp cái hoa vàng, thêm chút lạc, gừng xay và đường phên. Trung bình mỗi dịp lễ, tết (từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch), gia đình tôi sản xuất và tiêu thụ khoảng 1 tấn bánh chè lam với giá 70.000 đồng/kg cho khách trong và ngoài tỉnh như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội…
Chị Mạc Thị Hà, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng cắt bánh chè lam
Để làm được chè lam thơm ngon, việc lựa chọn nguyên liệu có vai trò rất quan trọng. Đối với gạo để làm bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng hạt to, tròn đều. Gạo được phơi thật khô, sau đó đem đi nổ thành hạt bỏng và nghiền thành bột. Về phần đường phên, người làm cần chọn loại đường màu vàng óng có độ ngọt lịm mùi mía thơm dịu, không có vị chua. Gừng cần để nguyên vỏ mới giữ được đầy đủ dược tính nên cần rửa sạch đất bám, để ráo nước và xay nhỏ. Về phần lạc và vừng cần rang vàng, xát xảy sạch vỏ rồi tán vụn.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, người làm sẽ đun mật. Đây là công đoạn vô cùng quan trọng, người làm phải cực kỳ khéo léo khuấy đều nhẹ tay, đun trên lửa nhỏ và vừa để tránh làm cháy mật. Mật được quấy trong khoảng 20 phút cho đến khi sôi ngả màu vàng óng. Tiếp theo, cho bột gạo nếp đã chuẩn bị vào quấy đều tay khoảng hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Để mẻ bánh chè lam được dẻo và thơm ngon, ở công đoạn này, người làm phải rất kiên trì rây bột từ từ, nếu để bột vón cục, chè lam sẽ bị bở và nhanh hỏng. Sau đó, họ cho gừng và lạc rang sẵn vào đảo đều đến khi hỗn hợp sánh quện vào nhau. Tiếp theo, người làm chuẩn bị khuôn, rải một lớp bột bỏng gạo lên, đổ khối bột mật dẻo đặc vừa quấy đều ra, rắc một lớp vừng tạo độ thơm lên bề mặt chè lam và nhanh tay cán mỏng, chờ cho đến khi chè lam nguội cắt thành từng miếng vừa ăn.
Mỗi địa phương, mỗi gia đình là có cách chế biến chè lam khác nhau. Nhưng đối với gia đình chị Mạc Thị Hà – người làm chè làm hơn 20 năm thì vẫn làm bánh theo phương pháp thủ công quấy tay, cách làm này khiến bánh có độ dẻo thơm và ngon hơn, thời gian bảo quản từ 2 – 3 tháng. Hiện nay, tùy theo nhu cầu của khách hàng mà chè lam được người dân nơi đây chế biến đa dạng hơn như: chè lam truyền thống, chè lam gấc… có vị ngọt nhẹ, ngọt đậm.
Bánh chè lam được cắt thành từng thanh vừa ăn
Chị Hoàng Kiều Nga, quận Long Biên, thành phố Hà Nội cho biết: Trong một lần đến chơi nhà bạn ở Hữu Lũng vào dịp tết, tôi được thưởng thức món bánh chè lam cùng với tách trà nóng ở đây. Ấn tượng đầu tiên của tôi là mùi vị bánh rất thơm, mềm dẻo và không bị ngấy. Từ đó, tôi xin số điện thoại để mỗi dịp tết lại đặt mua để làm quà.
Bà Vũ Hoàng Thúy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Tân cho biết: Bánh chè lam là món ăn truyền thống có từ rất lâu đời ở đây và trở thành sản vật không thể thiếu vào dịp lễ tết. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 10 hộ dân sản xuất chè lam, tập trung tại thôn Ngọc Thành. Các hộ không chỉ sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp tết mà còn được đưa vào làm quanh năm phục vụ các khách hàng trong và ngoài tỉnh. Thời gian qua, chúng tôi đã đưa sản phẩm trưng bày tại các hội nghị, sự kiện của huyện nhằm quảng bá, lan toả món ngon đặc sắc đến với người dân, du khách. Để phát triển sản phẩm này, thời gian tới, chúng tôi tích cực tuyền truyền, quảng bá sản phẩm để ngày càng được nhiều khách hàng biết đến và xây dựng thương hiệu OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) cho sản phẩm, góp phần nâng thu nhập và gìn giữ nghề truyền thống.
Chè lam là món bánh giản dị nhưng mang đậm hương vị quê hương của người dân xã Đồng Tân. Trong dịp tết Nguyên đán, người dân nơi đây vẫn giữ gìn phong tục đặc sắc của dân tộc mình, trong đó có làm bánh chè lam truyền thống để đãi khách và cúng tổ tiên. Nếu có dịp về Đồng Tân, du khách đừng quên thưởng thức món bánh độc đáo này để cảm nhận một hương vị rất riêng nơi đây.
Ý kiến ()