Thứ 6, 22/11/2024 09:57 [(GMT +7)]
Dẻo thơm bánh bí đỏ Bắc Sơn
Thứ 2, 13/05/2024 | 12:04:22 [(GMT +7)] A A
- Đến với huyện Bắc Sơn, du khách không chỉ được khám phá những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng cùng với những nét đẹp văn hóa cộng đồng đặc sắc của đồng bào các dân tộc mà còn được thưởng thức những món ẩm thực độc đáo, đặc biệt trong số đó có món bánh bí đỏ.
Một số công đoạn làm bánh bí đỏ
Bánh bí đỏ là món bánh truyền thống của người dân tộc Tày huyện Bắc Sơn. Từ xưa, đây là món bánh không thể thiếu trong các mâm cỗ cưới của người dân nơi đây, hiện nay, do nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều hộ còn làm hằng ngày để phục vụ khách hàng, đặc biệt là khách du lịch khi đến với Bắc Sơn.
Theo lời giới thiệu của người dân, chúng tôi đến gia đình bà Dương Thị Giăng, thôn Thâm Pát, xã Bắc Quỳnh (người đã có hơn 20 năm kinh doanh bánh bí đỏ) để tìm hiểu về quy trình làm bánh. Bà Giăng cho biết: Bánh bí đỏ là loại bánh truyền thống, có từ lâu đời và rất nổi tiếng của huyện Bắc Sơn. Trước đây, tôi chủ yếu làm bánh để ăn hoặc làm vào các dịp lễ, tết để phục vụ gia đình. Từ năm 2002, xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, tôi đã bắt đầu làm bánh để bán. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, tôi làm khoảng 100 chiếc bánh để bán lẻ ở xã phục vụ khách hàng ăn sáng, với giá bán 2.500 đồng/chiếc. Ngoài ra, tôi còn nhận làm cho các nhà hàng hay khách hàng đặt cho lễ cưới, đám hỏi.
Theo bà Giăng, nguyên liệu để làm bánh bí đỏ không quá cầu kỳ, chỉ cần có gạo nếp, quả bí đỏ và đậu xanh thế nhưng với công thức làm bánh riêng biệt và đôi bàn tay khéo léo, người dân tộc Tày Bắc Sơn đã tạo nên những chiếc bánh có hương vị rất đặc trưng. Theo đó, để tạo ra được những chiếc bánh bí đỏ dẻo thơm, người dân phải sử dụng loại gạo nếp cái hoa vàng được trồng ở huyện Bắc Sơn. Trước khi chế biến, gạo nếp được ngâm với nước từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ. Sau đó, gạo được mang đi nghiền thành bột khô. Đối với quả bí đỏ, người làm phải chọn những quả bí nếp, có màu vàng, quả bí đỏ được gọt vỏ, cắt thành khúc nhỏ và mang đi hấp chín rồi nghiền cho nhuyễn. Sau đó, trộn bột gạo nếp và bí đỏ cùng nhau rồi nhào nặn để hai nguyên liệu hòa trộn với nhau.
Đối với phần nhân bánh, người làm sử dụng đỗ xanh làm sạch vỏ, ngâm với nước khoảng 1 giờ rồi đồ chín. Đặc biệt, phần nhân đỗ xanh được để khô và không trộn với bất cứ loại gia vị nào để nhân bánh giữ nguyên được vị thanh mát và không bị nhão. Khác với bánh giò bầu ở xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng (loại bánh cũng được làm từ bí đỏ - người làm bánh gói phần bột bánh bằng lá chuối và dùng lạt quấn thành nhiều vòng như khúc giò), người làm bánh bí đỏ Bắc Sơn sử dụng bột để nặn thành hình vỏ sò, cho nhân đỗ xanh vào giữa và vo tròn lại rồi lăn qua một lớp vừng trắng. Tiếp đó, bánh bí đỏ được thả trực tiếp vào chảo dầu nóng đến khi nổi lên mặt dầu là bánh chín. Đây cũng là hai công đoạn tạo nên sự khác biệt rõ nét nhất giữa bánh bí đỏ và bánh giò bầu.
Những chiếc bánh bí đỏ thành phẩm với màu vàng đẹp mắt được phủ lớp vừng trắng, bên trong dẻo thơm với vị ngọt dịu của bí, vị bùi của đỗ xanh đã tạo nên một sản phẩm đặc trưng chỉ có ở huyện Bắc Sơn. Do vậy, những năm gần đây, bánh bí đỏ đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng trên địa bàn huyện. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 5 hộ làm bánh thường xuyên để bán (chủ yếu ở xã Bắc Quỳnh và thị trấn Bắc Sơn). Ngoài ra có nhiều hộ trên địa bàn huyện nhận đặt làm bánh khi các nhà hàng, du khách, gia đình có cỗ có nhu cầu; đặc biệt, nhiều homestay, cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện cũng liên kết với các hộ nhận đặt bánh hoặc tự làm bánh để phục vụ khách hàng.
Ông Dương Công Cồ, chủ homestay Bắc Sơn, xã Bắc Quỳnh cho biết: Hiện nay, trung bình mỗi tháng homestay đón tiếp khoảng 150 lượt khách. Để quảng bá về ẩm thực của địa phương, chúng tôi đã đưa món bánh bí đỏ vào thực đơn, giới thiệu cho khách du lịch thưởng thức. Cùng đó, tùy theo nhu cầu của khách, chúng tôi cũng cung cấp dịch vụ trải nghiệm làm bánh bí đỏ. Khi đến với homestay, đa phần khách du lịch đều rất yêu thích và lựa chọn mua bánh bí đỏ để mang về làm quà bởi hương vị thơm ngon, dễ vận chuyển, bảo quản.
Chị Trần Thị Thanh Trà, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cho biết: Đến làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tôi không chỉ được trải nghiệm các loại hình du lịch mới lạ, thăm quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn được thưởng thức các món ẩm thực mang hương vị đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn nói chung, huyện Bắc Sơn nói riêng. Trong đó, tôi rất thích món bánh bí đỏ bởi vị dẻo, thơm, giòn, ăn rất lạ miệng. Khi về Hà Nội, tôi đã mua những chiếc bánh bí đỏ về làm quà cho người thân, bạn bè.
Bà Đỗ Thanh Loan, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Sơn cho biết: Bánh bí đỏ là món ăn truyền thống của người Tày Bắc Sơn. Đây là món bánh không thể thiếu trong đám cưới, đám hỏi, trở thành nét riêng trong văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây. Ngày nay, bánh bí đỏ được nhiều nhà hàng, cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện đưa vào thực đơn để giới thiệu đến khách du lịch, qua đó góp phần quảng bá ẩm thực của huyện, tạo điều kiện cho du khách có thêm cơ hội được trải nghiệm và thêm hiểu biết về văn hóa ẩm thực truyền thống của địa phương.
Từ những nguyên liệu mộc mạc và dân dã, bánh bí đỏ giờ đây không chỉ là món ăn truyền thống của người dân Bắc Sơn mà còn là một thức quà bình dị gửi đến du khách mỗi khi có dịp quê hương cách mạng Bắc Sơn.
HIỂU LAM - KIM CHI
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()