Đến Xiêng Khoảng xem 'resort bò sữa' hiện đại nhất Đông Nam Á
Bằng khát vọng, quyết tâm và tình cảm hữu nghị, một dự án chăn nuôi bò sữa hiện đại nhất Đông Nam Á đã và đang được người Việt xây dựng trên đất Lào.
Cuối tháng Mười từ huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, những con đường, làng bản vẫn đang còn ngổn ngang sau mùa mưa lũ. Đoàn làm phim tám người của Báo Nông nghiệp Việt Nam gồm Phó Tổng Biên tập Trần Cao, Trưởng ban Thư ký tòa soạn Tô Đức Huy, các phóng viên Hoàng Anh, Lê Thiếu Nhơn cùng nhóm quay phim “cứng tay” nhất báo là Duy Học, Quang Dũng, Văn Vũ, Quốc Nhật lên đường qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn để đến với nước bạn Lào.
Bên kia biên giới, phía Tây của dãy Trường Sơn là vùng núi đồi rộng lớn thuộc vùng đất Bắc Lào. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về xứ sở Triệu Voi là hôm nay đất nước Lào vẫn đang còn là một màu xanh của rừng. Những cánh rừng bạt ngàn, núi non trùng điệp trông thật hoang sơ, hùng vĩ.
Thời điểm cuối mùa mưa, lác đác đã có vài nhánh đào rừng chênh vênh khoe sắc bên vách núi. Cánh đồng lúa nếp trĩu hạt đang đón những ánh nắng vàng sánh ven nương rẫy, sông suối để chuẩn bị đến ngày cho thu hoạch. Con đường độc đạo qua nhiều bản làng cổ của người Lào Sủng, khối các dân tộc Lào sống ở miền núi cao sau bao biến cố bây giờ thật yên bình. Mỗi bản làng đều có một ngôi chùa với kiến trúc độc đáo, sơn thếp màu vàng đặc trưng của đất nước Phật giáo.
Trong tiếng Lào, Xiêng Khoảng có nghĩa là vùng đất phía chân trời, nơi có ngọn núi Phou Bia cao 2.700m là đỉnh núi cao nhất của Lào. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là một cao nguyên rộng lớn và đẹp nhất của đất nước Lào, tiếp giáp với tỉnh Nghệ An ở độ cao trung bình 1.200m. Khí hậu thời tiết nơi đây mang nhiều nét tương đồng với Mộc Châu, Đà Lạt, vùng Tây Nguyên Việt Nam, tuy nhiên đất đai không được trù phú bằng. Đường sá đi lại nhìn chung vẫn còn rất gian khó. Dù là tuyến Quốc lộ 7 nối dài vậy mà phải mất hơn nửa ngày đường chúng tôi mới đến được Phôn Sa Vẳn, trung tâm của tỉnh lị Xiêng Khoảng, dù quãng đường chưa đầy 150 cây số.
Đón đoàn làm phim, sau bữa ăn có món sụm Lào nổi tiếng, mấy anh chị ở Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Xiêng Khoảng thông tin: Diện tích tự nhiên của cao nguyên Xiêng Khoảng rộng 15.800km2, trong đó hơn 90% là đồi núi, nhiệt độ trung bình hằng năm ở đây vào khoảng 22oC. Đất đai, khí hậu nơi đây được đánh giá rất phù hợp để phát triển nông nghiệp, mặc dù vậy hiện tổng đàn bò của tỉnh mới chỉ có 243.000 con, đàn trâu hơn 50.000 con, diện tích trồng lúa nếp Kay Nọi là sản vật của Xiêng Khoảng cũng mới chỉ có 12,5 nghìn ha…
Ông Somsamone Phalichanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông lâm nghiệp Xiêng Khoảng chia sẻ: Mặc dù tiềm năng, lợi thế rất lớn nhưng nông nghiệp ở Xiêng Khoảng phát triển chưa xứng tầm. Thành công nhất của Xiêng Khoảng đến nay là mời gọi được Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đầu tư thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa Vinamilk Lào – Jagro. Đó không chỉ là tổ hợp chăn nuôi bò sữa lớn và hiện đại nhất đất nước Lào mà còn nhất khu vực Đông Nam Á.
Đã có lịch hẹn trước nên ngay sáng hôm sau, anh Hà Trọng Dũng, Phó Tổng Giám đốc công ty kiêm Giám đốc trang trại bò sữa Vinamilk Lào – Jagro đã có mặt ở Phôn Sa Vẳn đón đoàn đi vào dự án cách đó tầm 30 cây số ở huyện Pek và Phaxay. Đi cùng còn có mấy người nữa, cả Việt và Lào. Trên xe, Hà Trọng Dũng kể rằng mình người Huế, thời còn đi học đã may mắn giành được học bổng của Vinamilk sau đó được cử sang Nga đào tạo chuyên ngành khoa học công nghệ. Năm 2019, khi Vinamilk quyết định đầu tư tại Xiêng Khoảng bèn xung phong sang đây, là một trong 3 “người Vinamilk” đầu tiên gắn bó với dự án từ những ngày đầu đến bây giờ.
Resort bò sữa của Vinamilk đầu tư nằm cách danh thắng Cánh đồng Chum không xa, ngay trên đường đi vào. Anh chị em trong đoàn vừa tranh thủ chụp ảnh vừa trò chuyện, chia sẻ với nhau những thông tin lịch sử của vùng đất này. Rằng đây chính là biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Lào với những trận đánh oai hùng của quân dân hai nước trong những năm tháng chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ. Bom đạn, dấu tích chiến tranh vẫn còn lẩn khuất đâu đó dưới những đồng cỏ nên dù cả Xiêng Khoảng có hàng trăm vị trí có chum cổ nhưng chỉ có 3 vị trí được mở làm điểm khai thác du lịch sau khi đã rà phá xong bom mìn. Ở một trong ba vị trí đó có một hang đá rộng lớn, ghi dấu điểm đóng quân của bộ đội Việt Nam ngày trước. Hà Trọng Dũng nói, đó cũng là một trong những niềm cảm hứng để Vinamilk quyết tâm đầu tư vào Xiêng Khoảng. Mục tiêu rõ ràng muốn biến tổ hợp bò sữa Vinamilk Lào – Jagro thành biểu tượng mới tô thắm tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
Nhớ lại những ngày đầu thực hiện dự án, Hà Trọng Dũng nói thật nhiều gian khó. Xiêng Khoảng đất đai tuy rộng lớn nhưng hệ thống thủy lợi, tưới tiêu còn rất hạn chế. Dự án khởi công vào tháng 5, thời điểm cuối mùa khô chuẩn bị bước vào mùa mưa. Nhân công, vật tư xây dựng thiếu thốn trăm bề. Đó còn chưa kể quá trình thực hiện dự án gặp phải những đợt cao điểm của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc nhập khẩu máy móc, trang thiết bị…
Mặc dù chủ trương của Chính phủ Lào là tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên trước thời điểm Vinamilk vào hợp tác đầu tư, chăn nuôi ở Xiêng Khoảng còn rất nhỏ lẻ, manh mún. Đặc biệt đối với lĩnh vực chăn nuôi bò sữa lại càng hạn chế, nếu không muốn nói là chưa có gì. Nghe kể, trước đây cũng đã từng có dự án viện trợ của Cuba cung cấp bò sữa về nuôi ở Xiêng Khoảng nhưng sau đó đã không thành công. Người dân bản địa vẫn quen với chăn nuôi nông hộ, mỗi gia đình nuôi một vài con “bò cỏ”, giống bò địa phương vừa bé lại luôn còi cọc, thịt dai nhanh nhách.
Nói chung là lắm vấn đề nan giải nhưng quyết tâm thực hiện là rất lớn. Bởi như chia sẻ của bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk trong ngày khởi công dự án rằng Vinamilk Lào – Jagro không chỉ đơn thuần là giá trị kinh tế, phát triển ngành chăn nuôi và ngành công nghiệp sữa tại nước bạn Lào mà còn là nơi cùng nhau học hỏi, hỗ trợ, hướng đến mục tiêu hình thành vùng nguyên liệu sữa tươi organic chuẩn quốc tế và phát triển ngành chăn nuôi bò sữa công nghệ cao bền vững.
Từ chỗ văn phòng công ty được xây dựng theo lối kiến trúc của Vương quốc Triệu Voi xưa kia chúng tôi phải di chuyển ra khu vực chăn nuôi bò sữa bằng ô tô dù cả hai nơi này đều nằm trong khuôn viên dự án.
Xe chạy qua khu vực đồng cỏ rộng mênh mông, vùng trồng ngô cũng rộng mênh mông rồi mới đến khu vực chuồng trại. Xen lẫn ở giữa là khu vực nhà máy chế biến thức ăn, khu nhà ở dành cho cán bộ công nhân viên, khu vui chơi giải trí dành cho bò được quây bằng hàng rào bảo vệ bằng điện. Dự án này là sự hợp tác của ba quốc gia Việt Nam – Lào – Nhật Bản, trong đó Vinamilk góp cổ phần hơn 51%. Nôm na là người Lào đóng vai trò trung tâm tiếp nhận đầu tư và cung cấp quỹ đất để hình thành các tổ hợp trang trại quy mô siêu lớn. Vinamilk là nhà đầu tư chính với nguồn lực tài chính dồi dào, có kinh nghiệm về xây dựng ngành chăn nuôi bò sữa. Nhật Bản cung cấp nguồn gen quý hiếm, cung cấp thiết bị, công nghệ, các bí quyết trong ngành chăn nuôi gia súc và quản trị chất lượng theo các tiêu chuẩn cao nhất. Một sự kết hợp hài hòa, giống như trồng hoa anh đào hai bên những con đường trong khuôn viên dự án. Loài hoa từ xứ sở mặt trời mọc xem ra rất hợp với đất Xiêng Khoảng. Cây đã bắt đầu khép tán, mùa xuân tới có khi trang trại nuôi bò này sẽ rợp bóng hoa anh đào.
Anh Sengphet Phetdara, người Lào ở địa phương đang làm Giám đốc Nông nghiệp và Đất đai của Vinamilk Lào – Jagro nói, toàn bộ vùng đất này mấy năm trước còn là đất để hoang, nhiều chỗ không ai dám đụng vào vì sợ vướng phải bom mìn. Cho dù có nhiều chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp khi đến với Xiêng Khoảng đã ví von đất đai, khí hậu ở đây không thua kém so với thiên đường bò sữa New Zealand, tuy nhiên, làm gì để đánh thức lợi thế, tiềm năng Xiêng Khoảng quả thật không đơn giản.
Vậy mà bây giờ đã là tổ hợp resort Vinamilk Lào – Jagro hoàn thiện, có quy mô khép kín, lớn và hiện đại nhất Đông Nam Á. Sau ba năm kể từ ngày khởi công dự án, tất cả những hạng mục chính của dự án đã được hoàn thành. Đó là hệ thống chuồng bò vắt sữa quy mô 4.000 con, nhà vắt sữa có thể vắt cùng lúc 120 con bò. Dàn xoay Rotary vắt sữa mới nhất, hiện đại nhất áp dụng trong công nghệ chăn nuôi bò sữa. Hệ thống theo dõi sức khỏe, áp dụng máy móc hiện đại nhất bao gồm hệ thống tưới Center Pivot, máy móc thiết bị đảm bảo chuỗi canh tác diện tích cỏ, ngô, yến mạch từ 30 – 35 ha/ngày…
Toàn bộ khu vực đồng cỏ 5.000ha trải dài là nơi đàn bò tự do vui chơi, nhởn nha hít khí trời. Những bình nguyên rộng lớn hút tầm mắt, đây đó là cánh đồng yến mạch, trồng cỏ, trồng ngô để đem đến nguồn thức ăn có sẵn, giàu dinh dưỡng và hoàn toàn không hóa chất cho bò sữa.
Tháng 7/2022 có thể coi là sự kiện trọng đại của dự án khi phía Vinamilk đã tiếp nhận thành công 1.000 bò sữa HF thuần chủng nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ về Cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) sau đó theo đường bộ “vượt biên” qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn về Trang trại Vinamilk Lào – Jagro. Đây là đàn bò sữa thuần chủng HF, đã được các chuyên gia di truyền chọn lọc kỹ càng qua lý lịch phả hệ 3 đời, bò tơ độ tuổi từ 9 đến 13 tháng. Mỗi cá thể bò đều được kiểm tra, đánh giá về chỉ số tổng hiệu suất di truyền đều ở mức cao. Bò được chọn lọc trong đàn có sản lượng trung bình trên 10.000 lít/con/chu kỳ 305 ngày, tương đương 38 – 40 lít sữa mỗi ngày.
Đó là những câu chuyện khiến chúng tôi đi giữa khu vực chuồng trại nuôi bò sữa Vinamilk Lao – Jagro không dám ho hen gì. Mọi biện pháp an toàn dịch bệnh đều được thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Tổ hợp bây giờ đã có quy mô hơn 8.000 con bò và sản lượng sữa lên đến gần 44.000 tấn/năm. Tất cả đều được đánh mã số, mã vạch, chỉ cần quét lên máy tính, điện thoại có thể ra cả “gia phả” mấy đời của bò. Tưới tắm, cho ăn, dọn chuồng cũng đều tự động hết. Bất kể ai ra vào chuồng bò đều phải thực hiện khử trùng, kể cả lãnh đạo các quốc gia khi đến đây đều phải chấp hành.
Khắt khe cũng là điều dễ hiểu. Bởi để có được thành quả ngày hôm nay những người thực hiện dự án đã phải trải qua biết bao khổ ải, nhọc nhằn, sao có thể lơ là. Đấy còn chưa kể tham vọng của Vinamilk với dự án này không đơn thuần chỉ là kinh tế. Đầu tư xây dựng Tổ hợp trang trại bò sữa Lào-Jagro nằm trong chiến lược dài hạn của Vinamilk về phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi cả trong và ngoài nước, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng. Bằng tất cả kinh nghiệm vận hành 13 trang trại xây dựng theo chuẩn GlobalGAP và tiêu chuẩn Organic Châu Âu của Vinamilk tại Việt Nam, dự án tại Lào tiếp tục được áp dụng tại dự án mới, đảm bảo chất lượng nguồn sữa tươi theo chuẩn 3 không: không hormone tăng trưởng, không dư lượng kháng sinh, không thuốc trừ sâu. Khắt khe với chính bản thân cũng là để có thể chinh phục những thị trường khó tính nhất thế giới. Thương hiệu quốc gia hay khát vọng dân tộc xem ra phải bắt đầu từ sự nghiêm khắc như thế.
Ánh chiều buông xuống trên cao nguyên Xiêng Khoảng. Làn gió cao nguyên trong lành mải miết thổi qua những cánh đồng cỏ, ngô, yến mạch. Gần cả vạn con bò sữa trở về ô chuồng sau khi vui chơi thỏa thuê trên bãi cỏ rộng thênh thang quá cả một tầm mắt. Bốn phía xung quanh đất đai, núi đồi còn mênh mông quá.
Hà Trọng Dũng nói, dự án Vinamilk Lào – Jagro được áp dụng công nghệ 4.0 với công nghệ, trang thiết bị hiện đại nhất so với hệ thống 13 trang trại bò sữa tại Việt Nam mà Vinamilk xây dựng trong suốt hơn 15 năm qua. Các công nghệ cao giúp trang trại vượt qua những khó khăn của biến đổi khí hậu. Hệ thống thủy lợi điều hòa nguồn nước, hệ thống tưới… khi đi vào hoạt động đã giải quyết được vấn đề thiếu nước vào mùa khô ở Xiêng Khoảng.
Còn Sengphet Phetdara lại tỏ ra rất cảm kích. Dự án Vinamilk Lào – Jagro được xây dựng không chỉ mang nét đặt trưng Lào, dựa trên điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tự nhiên của đất nước Lào mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân, phối hợp thu mua bắp hạt cho người dân, kết hợp đào tạo, phát triển nhân sự có chuyên môn cao về nông nghiệp. Với mô hình hợp tác này, người dân Lào sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị từ vùng nguyên liệu đầu vào cho đến các nhà máy sản xuất. Được tiếp cận với công nghệ 4.0, tự động hóa, robot hiện đại bậc nhất của thế giới. Điều này gián tiếp nâng cao chất lượng và trình độ cho người lao động. “Tác động đến cộng đồng nơi dự án triển khai, đó là ưu tiên phát triển bền vững của Vinamilk và chúng tôi biết ơn vì điều đó”, Sengphet Phetdara nói.
Đến thời điểm hiện tại dự án Vinamilk Lào – Jagro đã có hơn 220 công nhân, 95% trong đó là người Lào tại địa phương. Họ là những người vốn tưởng cả cuộc đời này chỉ quen với chăn nuôi nông hộ, manh mún, nhỏ lẻ, sau khi trở thành “người Vinamilk” được đưa sang các trang trại ở Việt Nam tập huấn, đào tạo, quay về Vinamilk Lào – Jagro đã chuyên nghiệp hẳn lên. Vinamilk cũng thường xuyên đưa những cán bộ kỹ thuật, công nhân giỏi từ các trang trại bên Việt Nam sang để tiếp tục đào tạo cho những lớp công nhân có nhu cầu học tập.
Nhìn những “người Vinamilk” cả Việt Nam và Lào trao đổi, chỉ bảo cho nhau kỹ thuật trồng cỏ, trồng ngô, lúc nào nên cho bò ra sân, lúc nào đưa đi vắt sữa tôi chợt nghĩ dự án Vinamilk Lào – Jagro không chỉ mang tính trọng điểm về kinh tế mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kiến thức, văn hóa, kinh nghiệm sản xuất để cùng nhau phát triển. Nói như Nguyễn Thị Huyền Trang, bộ phận cung ứng của Vinamilk Lào – Jagro là nơi đâu có khát vọng, nhiệt huyết thì nơi ấy chính là quê hương.
Huyền Trang là cô bé xinh xắn, sinh năm 1995, quê ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, vừa mới sang Vinamilk Lào – Jagro mấy tháng nay. Lần đầu tiên cô bé đến với đất nước Lào, lý do cũng rất đơn giản: Em vốn là công nhân ở trang trại Vinamilk Thống Nhất, thấy công ty thông báo dự án ở Lào đang rất cần người Việt mình sang để hỗ trợ kỹ thuật liền viết đơn xin đi. Lần đầu tiên sang đây nhưng thấy đất đai, khí hậu bên này quá tốt, con người địa phương lại thân thiện, hiền hòa cho nên nếu có duyên em muốn ở lại gắn bó với mảnh đất Xiêng Khoảng này luôn.
Khí hậu, đất đai như thế, có những con người như Hà Trọng Dũng, Sengphet Phetdara hay cô bé Huyền Trang và nhiều người Việt, người Lào, người Nhật Bản khác thì có lẽ ngày Xiêng Khoảng trở thành trung tâm bò sữa của khu vực Đông Nam Á đang rất gần. Phía Vinamilk cũng thông tin, ngoài đầu tư, sở hữu các nhà máy tại Mỹ, Campuchia, Vinamilk, New Zealand và công ty con tại Ba Lan… doanh nghiệp này cũng khảo sát và xem xét việc đầu tư tại các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Myanmar… Đó là những dấu chân để từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa thương hiệu sữa Việt vươn tầm thế giới.
Chắc chắn rồi sẽ thành công nếu nhìn từ Tổ hợp resort của Vinamilk đầu tư ở Xiêng Khoảng, một biểu tượng mới của tình hữu nghị hai nước Việt Nam và Lào.
Ý kiến ()