Đền thờ Mẫu Âu Cơ - tinh hoa đất Tổ
Từ xa xưa, thờ Mẫu đã trở thành nét đẹp tiêu biểu trong văn hóa của người Việt. Nhiều nhà sử học cho rằng, mỹ tục này xuất phát từ mảnh đất Hiền Lương (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), nơi có đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ.
Lịch sử của ngôi đền huyền thoại
Dưới tán lá sum suê của cây đa cổ thụ, không biết bao nhiêu thế hệ con cháu Lạc Hồng đã từng dâng hương tỏ lòng thành kính với mẹ Âu Cơ và kể cho nhau nghe truyền thuyết về người mẹ vĩ đại của dân tộc.
Tục truyền rằng, ngày nàng Âu Cơ chào đời ở động Lăng Xương (nay thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) có mây lành che chở, hương thơm tỏa ngát khắp không gian. Lớn lên, nàng xinh đẹp, thông minh hơn người, chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, lại tinh thông âm luật. Sau khi kết duyên với Lạc Long Quân – con trai của Kinh Dương Vương, nàng Âu Cơ sinh hạ một bọc trứng, nở thành một trăm người con. Một ngày, thấy các con đã lớn khôn, Lạc Long Quân nói với mẹ Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, tuy khí âm dương hợp lại mà thành trăm con, nhưng chung hợp thật khó vì dòng giống bất đồng”. Nói xong, Lạc Long Quân dẫn 50 con xuống biển.
Mẹ Âu Cơ đưa 50 con lên non, đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, khai phá rừng hoang. Một ngày, đi qua Hiền Lương, nơi có núi cao, đồng rộng, sông dài, Mẹ liền cho khai hoang, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Khi trang ấp đã tươi đẹp, Mẹ vội vã đi đến vùng đất mới. Sau này, mẹ Âu Cơ trở về Hiền Lương, gắn bó suốt phần đời còn lại với nơi này. Ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, mẹ Âu Cơ bay về trời, để lại dưới gốc đa dải yếm lụa. Ở đó, nhân dân đã dựng lên ngôi miếu thờ phụng, đời đời tưởng nhớ Quốc Mẫu.
Tượng Mẫu Âu Cơ được tạo tác vào thời Lê.
Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ chính thức được xây dựng dưới triều vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497). Thần tích của đền ghi lại rằng, ngôi đền nằm ẩn dưới gốc đa cổ thụ, mặt quay về hướng chính nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc. Trải qua hơn năm thế kỷ, đền Mẫu xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1998, Đảng bộ và nhân dân Hiền Lương tiến hành trùng tu ngôi đền.
Ngôi đền không rộng lớn, đồ sộ nhưng lại được đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Khách tham quan có thể tìm thấy ở đây nhiều di vật như tượng Tổ Mẫu Âu Cơ, tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn hay các bức chạm tinh tế trên cửa võng, xà ngang, diềm chung quanh cửa thượng cung. Hiện nay, đền chính có bố cục theo kiểu chữ Đinh với ba gian hậu cung và năm gian đại bái.
Đền thờ Mẫu Âu Cơ kết hợp với chùa Linh Phúc tạo thành một quần thể di tích có sức hút đặc biệt với du khách thập phương. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ cho biết: “Được sự đồng ý của chính quyền, chúng tôi đang nhanh chóng khôi phục đình thờ Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn (người con thứ hai của Mẫu) nằm cách đền Mẫu 500m về phía đông để đáp ứng nhu cầu tham quan, tín ngưỡng của nhân dân”.
Con cháu Lạc Hồng hướng về cội nguồn
“Mồng bảy trong tiết tháng giêng
Dân Hiền tế lễ trống chiêng vang trời…”
Như một thói quen đã ngấm vào máu thịt, mùa xuân đến cũng là lúc nhân dân Hiền Lương rục rịch tập tế nam, tế nữ, rước kiệu, chuẩn bị lễ vật,… cho ngày “Tiên giáng”. Còn hàng triệu đồng bào ta ở mọi miền đất nước ùn ùn hành hương về đất Tổ, cúi lạy anh linh mẹ Âu Cơ và hòa mình vào không khí nhộn nhịp của mùa lễ hội.
Sáng sớm mùng bảy tháng giêng, lễ hội đền Mẫu được mở đầu bằng lễ tế Thành Hoàng ở đình, đội tế toàn nam giới. Sau đó, tám cô gái mặc đồng phục sẽ uyển chuyển rước một cỗ kiệu bát cống sơn son thiếp vàng theo nhịp trống từ đình vào đền. Đi đầu đám rước là những lá cờ thần, sau kiệu là những vị chức sắc mặc áo dài khăn xếp, rồi đến người đi trảy hội.
Có nhiều ý kiến cho rằng, điểm thu hút nhất của lễ hội nằm ở lễ tế nữ do 12 cô gái thanh tân, có nhan sắc và học vấn thực hiện. Các thiếu nữ đều mặc áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa, riêng chủ tế mặc trang phục hoàn toàn mầu đỏ. Sau khi lễ tế nữ kết thúc, các trò chơi dân tộc như đu tiên, cờ người, chọi gà, tổ tôm điếm có thưởng sẽ được tổ chức ở ngoài sân đền.
Lễ vật dâng lên Mẫu không quá cầu kỳ, đều là cỗ chay, ngũ quả, tiền giấy,… Trong đó có một thứ bánh truyền thống của người Hiền Lương, làm từ bột nếp hảo hạng và mật ong, được nhào kỹ thành hình trụ tròn, rồi cắt thành từng đoạn như đốt tre hấp chín. 100 cầu bánh ngọt tượng trưng cho lễ vật của 100 người con dâng lên mẹ.
Bên cạnh ngày lễ chính “Tiên giáng” mùng bảy tháng giêng, trong năm còn có ngày “Tiên thăng” 25 tháng chạp, ngày 10 – 11 tháng hai, ngày 12 tháng ba, ngày 13 tháng tám âm lịch.
Lễ tế nữ.(Ảnh: QUỐC HỘI)
Khách thập phương đến tận hưởng mùa lễ hội rộn rã trên đất thiêng, có người dù chưa từng gặp mặt, biết tên, nhưng vẫn trao nhau nụ cười thân thiện, ánh mắt trìu mến. Có lẽ, ngôi đền cổ kính nằm khiêm nhường bên gốc đa mấy trăm năm tuổi đã làm sống dậy trong trái tim họ niềm tự hào về nòi giống Tiên Rồng và bọc trăm trứng huyền thoại, khiến người với người gần gũi nhau hơn.
Vào tháng giêng, tháng hai, khu di tích đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ có nhiều nét đẹp làm say lòng người. Còn vào những ngày chớm đông như bây giờ, đến thăm đền lại đem đến một cảm giác bình yên lạ thường! Không cờ hoa rực rỡ, không trống kèn vang trời, không tấp nập người qua lại, chỉ còn mùi hương trầm quyện với hương ngọc lan phả vào tiết trời se se lạnh của miền bắc. Dưới mái đền rêu phong, đưa tầm mắt ra xa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những ruộng ngô xanh non, núi Giác nằm uy nghiêm trong làn sương mờ ảo.
Trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, hồn người trở về với sự thư thái, tĩnh lặng vốn có để lắng nghe lời thì thầm của sông núi. Rằng áo cơm, đất đai, biên cương ta có hôm nay đều do mẹ Âu Cơ cùng các con vun trồng, khai khẩn, giữ gìn. Khi thiên tai ập đến hay chiến tranh gian khổ, Mẹ vẫn luôn dang tay che chở, dẫn lối cho con cháu vượt qua sóng gió.
Ngày nay, đồng bào ta dù đi xa tới đâu, dù đang hạnh phúc hay hoạn nạn, vẫn có một nơi để trở về. Đó là nơi mẹ Âu Cơ đã để lại dải lụa đào rồi bay về trời. Hình ảnh người mẹ nhân từ của dân tộc vừa nhắc nhở mỗi chúng ta luôn khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa tiếp thêm sức mạnh cho dòng giống Tiên Rồng giữ vững tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường để xây dựng và bảo vệ từng tấc đất tổ tiên truyền lại.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()