Đến tháng 9/2023, quy mô thị trường trái phiếu đạt gần 36% GDP năm 2022
Thông tin từ Hội nghị tổng kết hoạt động thị trường trái phiếu năm 2023, do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức cho biết, thị trường trái phiếu tại thời điểm cuối tháng 9/2023 có quy mô đạt khoảng 35,77% GDP năm 2022; trong đó, thị trường trái phiếu chính phủ đạt 22,76% GDP và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 12,6% GDP…
Quang cảnh hội nghị. |
Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 9/11, đã tổ chức “Hội nghị tổng kết hoạt động thị trường trái phiếu năm 2023”, đánh giá kết quả hoạt động năm 2023 và ghi nhận ý kiến phát triển thị trường trái phiếu từ các thành viên thị trường cũng như các cơ quan quản lý, vận hành thị trường như: Tổng công ty Lưu ký bù trừ chứng khoán Việt Nam và các đơn vị liên quan thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Bộ Tài chính.
Cụ thể, tính đến 31/10/2023, tổng khối lượng trái phiếu chính phủhuy động thành công qua đấu thầu tại HNX đạt 273.306 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so cùng kỳ 10 tháng đầu năm 2022.
Trong đó, Kho bạc Nhà nước huy động được 264.356 tỷ đồng, đạt 66,09% kế hoạch năm, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được 9.450 tỷ đồng, đạt 38,80% kế hoạch phát hành năm 2023. Kỳ hạn phát hành bình quân được duy trì ở mức cao đạt 12,32 năm, giảm 0,35 năm so cuối năm 2022 là do Kho bạc Nhà nước tăng phát hành kỳ hạn 5 năm để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các ngân hàng thương mại, đồng thời giúp ổn định thị trường khi có các diễn biến bất lợi của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. Về lãi suất phát hành bình quân giảm xuống mức 3,31%, giảm 0,17% năm so cuối năm 2022.
Trên thị trường thứ cấp, quy mô niêm yết tiếp tục xu hướng gia tăng, đạt hơn 1,91 triệu tỷ đồng, tăng 13,72% so cuối năm 2022, tăng 66,41% so năm 2019. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường 10 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 5.857 tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân phiên có xu hướng ổn định trong giai đoạn 2019 đến 2021, giảm trong các năm 2022 và 2023.
Về cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp, ngân hàng thương mại vẫn là chủ thể giao dịch chính, chiếm tỷ trọng 75,5% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, tiếp theo là khối các công ty chứng khoán (13,85%), các công ty bảo hiểm (3,86%) và quỹ đầu tư (0,55%).
Thị trường trái phiếu doanh nghiệptừ đầu năm 2023 đến nay có tín hiệu tăng trưởng trở lại, tính đến hết tháng 10/2023, thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có 173 đợt phát hành thành công với giá trị phát hành đạt 184.796,5 tỷ đồng, tuy nhiên, so với số liệu cùng kỳ năm 2022, giá trị phát hành thành công giảm 43,87%. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 41,4%, tổ chức tín dụng chiếm 45,4%, và trong số trái phiếu được phát hành có 46,9% trái phiếu có tài sản bảo đảm.
Hệ thống giao dịch tập trung trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đưa vào hoạt động đã góp phần tăng tính thanh khoản và nâng cao tính công khai minh bạch của thị trường theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Tính đến ngày 31/10/2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã có tổng cộng 451 mã trái phiếu doanh nghiệp của 114 tổ chức phát hành đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch tại HNX. Khối lượng đăng ký giao dịch đạt hơn 648,4 triệu trái phiếu, tương đương gần 336,8 nghìn tỷ đồng. Sau hơn 3 tháng hoạt động, tổng khối lượng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt gần 179,6 triệu trái phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch đạt 49.392 tỷ đồng, thanh khoản bình quân phiên đạt 677 tỷ đồng/phiên.
Đặc biệt, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, gần đây có hai doanh nghiệp Việt Nam là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp xanh theo đúng tiêu chuẩn của ICMA.
Nhằm tăng cường tính minh bạch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã cấp phép xếp hạng tín nhiệm thêm một doanh nghiệp, như vậy đến nay đã có 3 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam là FiinRatings, Saigon Ratings, và VIS Rating. Hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp doanh nghiệp công khai thông tin về tình hình tài chính, khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp.
Tại phiên thảo luận mở, về kế hoạch phát hành các mã trái phiếu doanh nghiệp quy mô lớn và tín phiếu kho bạc, Kho bạc Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục phát hành trong năm 2024.
Về giải pháp thúc đẩy giao dịch mua bán lại trái phiếu chính phủ có kỳ hạn, Bộ Tài chính cho biết đã sửa đổi Thông tư 107 cho phép giao dịch mua lại trái phiếu chính phủ có kỳ hạn dưới 3 năm thay vì dưới 1 năm như trước đây, kỳ vọng khi có lãi suất phù hợp hơn, nhà tạo lập thị trường sẽ tham gia nhiều hơn, giao dịch mua bán lại có kỳ hạn sẽ sôi động hơn, góp phần tăng thanh khoản thị trường.
Về kế hoạch phát triển thị trường trái phiếu, UBCKNN cho biết, trong năm 2024, sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; tăng cường quản lý, giám sát, xử nghiêm các sai phạm… để hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển ngày càng bền vững.
UBCKNN cũng đề nghị các thành viên giao dịch và tổ chức phát hành cần tăng cường hơn nữa trong việc tuân thủ quy định pháp luật, tăng chất lượng tư vấn, phát hành để thị trường phát triển chất lượng hơn.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()