Ðền ơn đáp nghĩa trên quê hương cách mạng
Đại diện T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Kỷ, 91 tuổi, ở phường Ỷ La (TP Tuyên Quang). Gần mười bác sĩ, điều dưỡng viên trẻ của Bệnh viện mắt Sài Gòn - Hà Nội phối hợp T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức thăm, tặng quà, khám, hướng dẫn cách bảo vệ mắt cho 200 đối tượng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và hộ nghèo của xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của tuổi trẻ bệnh viện nhằm tri ân những lớp người đi trước đã không tiếc máu, xương để có ngày độc lập, tự do như hôm nay.Xã Tân Trào có hơn 1.000 hộ với hơn 4.000 khẩu ở tám thôn bản, gồm năm dân tộc anh em cùng chung sống. Với phương châm "phát triển kinh tế là trọng tâm", những năm qua, Đảng ủy xã Tân Trào đã chỉ đạo và định hướng phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao. Việc đầu tiên...
Đại diện T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Kỷ, 91 tuổi, ở phường Ỷ La (TP Tuyên Quang). |
Xã Tân Trào có hơn 1.000 hộ với hơn 4.000 khẩu ở tám thôn bản, gồm năm dân tộc anh em cùng chung sống. Với phương châm “phát triển kinh tế là trọng tâm”, những năm qua, Đảng ủy xã Tân Trào đã chỉ đạo và định hướng phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao. Việc đầu tiên xã xác định là phải tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với địa hình và cách thức canh tác của nhân dân, từ đó phát huy hiệu quả từng vùng đất, nội lực của từng con người. Cả xã có tới 350 hộ làm kinh tế theo mô hình VAC, nhiều hộ làm kinh tế giỏi đã trở thành triệu phú. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã Tân Trào đã đề ra nhiều biện pháp nhằm giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo như chung tay giúp hộ nghèo làm nhà ở, phát triển và đa dạng hóa các ngành nghề, tạo việc làm cho bà con. Đến nay, toàn xã đã không còn nhà tạm, nhà dột nát, diện mạo của vùng quê căn cứ địa cách mạng đang đổi thay từng ngày, cuộc sống mới no ấm, đủ đầy đã đến với từng hộ đồng bào dân tộc nơi đây.
Mới hơn 6 giờ, trong sân trạm y tế huyện Sơn Dương, gần 200 đối tượng chính sách đã tập trung đầy đủ với tấm giấy mời khám bệnh miễn phí. Bà Phạm Thị Sự, 75 tuổi, ở xóm Cả, huyện Sơn Dương bộc bạch: Nhận được thông báo của cán bộ xã về chương trình khám, tư vấn mắt miễn phí này, chúng tôi mừng lắm. Quả thật hôm nay như ngày hội của huyện vậy, ai cũng háo hức được chứng kiến các y, bác sĩ trẻ nhiệt tình, đang sử dụng máy móc hiện đại khám và hướng dẫn cho mình cách phòng, chữa và giữ gìn đôi mắt. Chấm những giọt lệ ngân ngấn trên đôi mắt, bà Sự xúc động nói: Chồng tôi hy sinh khi tôi mới 24 tuổi. Sau khi con gái đầu lòng tròn hai tháng tuổi, cũng là lúc chồng tôi lên đường nhập ngũ. Con gái tôi tròn một tuổi cũng là khi tôi đón tin dữ, chồng tôi đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ngần ấy năm chồng mất, tôi phải một mình nuôi con trong điều kiện vô cùng khó khăn của cuộc kháng chiến. Tuy nhiên được sự giúp đỡ của gia đình, chính quyền, đoàn thể nên mọi khó khăn, vất vả mẹ con bà đều vượt qua, để giờ đây, cô con gái duy nhất của bà đã là bác sĩ khoa siêu âm của Trạm y tế huyện Sơn Dương.
Cụ Dương Thị Cao, 97 tuổi, ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào là gia đình có công với Cách mạng. Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến, gia đình cụ là nơi nuôi dưỡng, che chở các đồng chí lãnh đạo Đảng. Hôm nay cụ được cháu đưa ra khám, tư vấn mắt từ sáng sớm. Cụ Cao cho biết: Thật cảm động, tuổi trẻ bây giờ giỏi quá, nhiệt tình quá. Sau khi khám, tặng thuốc, tặng quà, các bác sĩ chỉ bảo cho chúng tôi từng ly, từng tý một cách dùng thuốc, cách giữ gìn con mắt. Nếu ai có bệnh nặng, các bác sĩ còn khuyên gia đình sớm đưa ra bệnh viện để có điều kiện điều trị miễn phí. Thương binh nặng hạng 2/4, ông Hoàng Ngọc, 75 tuổi, ở thôn Tân Lập, sau khi được khám, cấp thuốc, bác sĩ hướng dẫn cách sử dụng thuốc tỉ mỉ, vui vẻ nói: Với sự quan tâm sâu sát của chính quyền, đoàn thể và các tổ chức xã hội, chúng tôi hứa sẽ cố gắng phát huy vai trò của người lính “Cụ Hồ”, của một cựu chiến binh gương mẫu trong mọi hoạt động, công tác để giáo dục con, cháu phát huy và gìn giữ truyền thống anh hùng của quê hương tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước của địa phương, để Tuyên Quang mãi là ngọn cờ của Cách mạng Việt Nam.
Mặc cho cái nóng hầm hập, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, bác sĩ Lưu Hồng Ngọc, 30 tuổi, Bệnh viện mắt Sài Gòn – Hà Nội, không muốn để các cụ, các ông, bà, anh là những người có công với cách mạng phải chờ đợi lâu, nên anh luôn động viên các đồng nghiệp khẩn trương khám, hướng dẫn các cụ, các ông, bà cách bảo vệ mắt. Bác sĩ Ngọc nói: “Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội chuyên ngành mắt năm 2007, tôi được Bệnh viện mắt Sài Gòn-Hà Nội nhận về công tác. Trong thời gian làm việc tại đây, tôi đã cùng nhiều anh em phối hợp các đoàn thể, nhất là với T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đi thăm, khám bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo, các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau mỗi chuyến đi làm từ thiện, chúng tôi đều có một cảm giác rất đặc biệt. Nhưng lần này, ngoài ý nghĩa đền ơn đáp nghĩa các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, tôi cùng các bạn trẻ Đoàn Thanh niên được về thăm vùng đất lịch sử, được nghe, tận mắt chứng kiến sự đổi thay trên quê hương cách mạng. Vì vậy, việc giúp các đối tượng chính sách, đặc biệt là các cụ lão thành cách mạng giữ được mắt sáng là chúng tôi đang góp một phần nhỏ bé cùng cả nước tri ân những người đã có công với Tổ quốc”. Tâm nguyện đó của bác sĩ Hồng Ngọc cũng là ý nghĩ của Nguyễn Văn Lương, điều dưỡng viên trẻ Phan Anh Thuận, cùng các bạn trẻ khác trong đoàn công tác.
Theo Nhandan
Ý kiến ()