Ðền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm thiết thực
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 230 nghìn thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công. Cùng với thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước, chăm lo đời sống các gia đình chính sách là công việc thường xuyên của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 230 nghìn thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công. Cùng với thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước, chăm lo đời sống các gia đình chính sách là công việc thường xuyên của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Nhiều hoạt động nghĩa tình
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LÐ – TB – XH) TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm hiện nay, 100% phường, xã, thị trấn trong thành phố đã hoàn thành mục tiêu đưa mức sống của các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công ngang bằng mức sống trung bình của nhân dân địa phương, không có gia đình chính sách thuộc diện “xóa đói, giảm nghèo”. Ðể hoàn thành mục tiêu nói trên, việc ổn định nơi ăn, chốn ở, giải quyết việc làm cho các đối tượng chính sách giữ vai trò quan trọng. Ngay từ năm 1990, việc xây nhà tình nghĩa tặng gia đình liệt sĩ, thương binh… được hình thành rồi nhanh chóng trở thành phong trào sâu rộng trong thành phố, đồng thời lan tỏa ra các địa phương khác trong cả nước. Tính đến tháng 6-2013, toàn thành phố đã xây dựng 16.216 nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí 176,3 tỷ đồng; sửa chữa, nâng cấp hơn 11.460 nhà tình nghĩa khác, với kinh phí 28 tỷ đồng; tặng 13.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Qua hệ thống Quỹ “Ðền ơn đáp nghĩa”, nhân dân thành phố còn đóng góp hơn 112 tỷ đồng để chăm lo cho các gia đình chính sách. Toàn thành phố có hơn 600 thương binh nặng trở về địa phương, tất cả các anh, các chị đều được ưu tiên cấp đất, cấp nhà ở mặt tiền gần nơi buôn bán để thuận tiện mở cửa hàng kinh doanh,… Bên cạnh đó, việc ưu tiên, hỗ trợ học chữ, học nghề, giải quyết việc làm cho con em gia đình chính sách cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Chỉ tính riêng huyện Củ Chi, mỗi năm, Phòng LÐ – TB – XH đã cấp học phí cho con em gia đình chính sách đang học ở các trường đại học công lập, trung cấp nghề với số tiền 1 tỷ 981 triệu đồng.
Thương binh vươn lên thoát nghèo
Về xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, chị Nguyễn Thị Ðào, cán bộ phụ trách thương binh – xã hội xã khẳng định: Tất cả các gia đình chính sách có công trong xã không còn trong diện xóa đói, giảm nghèo mà nhiều gia đình làm ăn khấm khá, có cuộc sống sung túc. Xã Tân An Hội hiện có 120 thương binh, 44 bệnh binh, hai Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, 108 gia đình có công đều có mức sống ngang bằng hoặc hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương. Chị Ðào cho biết, hầu hết con em các gia đình liệt sĩ, thương binh, có công đều đã trưởng thành, phần lớn được học nghề, nhiều cháu đã tốt nghiệp đại học, được UBND, các tổ chức đoàn thể của xã, của huyện giới thiệu vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, có thu nhập ổn định. Còn tại địa phương, nhiều gia đình chính sách nuôi bò sữa, bò thịt, ngoài ra còn có nghề đan lát lúc nông nhàn. Cùng với đó là tiền trợ cấp hằng tháng… nên nhà nào cũng có cuộc sống ổn định.
Ông Lê Văn Nghĩa, bệnh binh mất 61% sức khỏe ở ấp Bàu Tre 1, xã Tân An Hội cho biết, trong ấp có ba gia đình thương binh, bệnh binh thì cả ba đều có cuộc sống ổn định. Ông Trần Văn Hời, nuôi bò, trồng cao-su tiểu điền cho thu nhập khá. Ông Lê Hồng Châu, thương binh 2/4 có ba con đều đi làm ở khu công nghiệp trong huyện, kinh tế gia đình cũng ổn định. Còn gia đình ông Nghĩa, ngoài căn nhà tình nghĩa được tặng, ông còn xây thêm một căn nữa khang trang ngay bên cạnh. Vợ ông Nghĩa góp thêm câu chuyện: “Ổng có chế độ Nhà nước cấp, lúc khỏe làm thêm công việc này nọ, còn tui thì có nghề đan tre. Làm đủ công thì mỗi ngày cũng có thu nhập trên dưới 100 nghìn đồng, cuộc sống gia đình cũng ổn”. Về ấp Bình Hạ Ðông, xã Thái Mỹ, Củ Chi, chị Phạm Thị Khượng, thương binh 2/4 khoe: “Gia đình tui vừa được huyện hỗ trợ 20 triệu đồng sửa nhà tình nghĩa. Chị Khượng là một trong nhiều gia đình chính sách có đời sống khấm khá ở địa phương. Gia đình có hơn một mẫu ruộng, mỗi năm hai vụ, thu hoạch 13 – 14 tấn lúa. Chị Khượng nói: Ngoài cấy lúa, gia đình chị nuôi bò, lúc nhiều nhất trong chuồng có sáu con bò thịt. Mảnh vườn rộng hơn 2.000 m2 của chị được UBND thành phố cấp từ năm 1980 để vừa trồng lạc, vừa trồng cỏ nuôi bò. “Chân” ruộng, “chân” vườn, “chân” chăn nuôi, thêm ông chồng là bộ đội phục viên, có nghề xây dựng, công việc đều đặn, gia đình chị nuôi ba con học xong đại học, có việc làm ổn định. Chị Khượng còn hiến hơn 200 m2 đất vườn để xã mở đường giao thông nông thôn.
Là địa phương có số đông đối tượng chính sách, với tinh thần trách nhiệm cao, luôn luôn trọn nghĩa vẹn tình, Ðảng bộ, chính quyền các cấp thành phố mang tên Bác đã và đang tạo dựng cuộc sống ổn định và ngày càng tốt đẹp cho những người, những gia đình có công với nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()