Đến Olympic Tokyo chỉ còn 1 tháng
SVĐ Olympic Tokyo. Ảnh: olympics.com |
Olympic Tokyo 2020 là Thế vận hội lần mùa Hè thứ 32 nhưng lại là kỳ đại hội “lận đận” hiếm hoi trong lịch sử sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này.
Dự kiến tổ chức từ 23/7 đến 8/8/2020 nhưng do dịch COVID-19 bùng phát rồi lây lan khắp thế giới, ngày 30/3/2020, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) quyết định không hủy bỏ kỳ đại hội này mà rời thời gian tổ chức sang năm 2021, đồng thời vẫn giữ tên gọi “Olympic Tokyo 2020”, ngày khai mạc là 23/7, ngày kết thúc 8/8.
Cùng với đó, Thế vận hội dành cho người khuyết tật – Paralympic 2020 – cũng được tổ chức từ ngày 23/8 tại Tokyo.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 21/6, Ủy ban Olympic quốc tế, Ủy ban Paralympic quốc tế, Ban Tổ chức Tokyo 2020, chính quyền thủ đô Tokyo và Chính phủ Nhật Bản đã họp để thảo luận về một số vấn đề liên quan tới việc tổ chức Thế vận hội.
Theo đó, lịch thi đấu hiện tại vẫn không thay đổi (ngày thi đấu đầu tiên 21/7, ngày kết thúc thi đấu 6/8). Các nhà tổ chức Olympic cũng quyết định giới hạn lượng khán giả vào theo dõi ở mức 50% sức chứa của địa điểm thi đấu và mức tối đa là 10.000 người mỗi điểm ở tất cả các địa điểm. Đến thời điểm hiện tại, Ban Tổ chức nước chủ nhà vẫn quyết định không cho khán giả nước ngoài đến xem thi đấu.
Huy chương Olympic Tokyo 2020. Ảnh: olympics.com |
Olympic Tokyo 2020 là kỳ Thế vận hội mùa Hè thứ 2 tổ chức tại Nhật Bản (lần đầu tiên là năm 1964) thi đấu 33 môn thể thao với 339 nội dung và có khoảng 15.000 VĐV đến từ 162 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài.
Để chuẩn bị cho kỳ đại hội thể thao lớn nhất hành tinh này, đến nay, nước chủ nhà Nhật Bản đã cơ bản hoàn tất những phần việc quan trọng.
Theo đó, Nhật Bản đã xây dựng lại SVĐ quốc gia mang tên SVĐ Olympic sức chứa 68.000 người. Đây là nơi tổ chức lễ khai mạc, bế mạc, các cuộc thi đấu điền kinh, bóng đá.
Bên cạnh đó, biểu tượng, linh vật, huy chương Olympic cũng đã được chủ nhà Nhật Bản giới thiệu rộng rãi với thế giới.
Ngày 23/6/2021, ngọn đuốc Olympic đã đến tỉnh Shizuoka, tỉnh thứ 41 trong hành trình qua 47 tỉnh, thành phố Nhật Bản trước khi đến Tokyo. Ảnh: olympics.com |
Tại kỳ đại hội lần này, một hoạt động mang tính biểu tượng cao là cuộc rước ngọn lửa Olympic từ Hy Lạp về Tokyo. Có thể nói hành trình rước đuốc là kỷ niệm rất đáng nhớ không chỉ với người Nhật Bản mà còn với cả nhiều người trên thế giới.
Ngay từ năm 2020, cuộc rước ngọn đuốc Thế vận hội đã được khởi động. Ngọn đuốc được rước qua tất cả 47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản rồi cuối cùng về đến Tokyo để chuẩn bị cho ngày khai mạc Olympic – ngày 23/7/2020.
Theo lịch trình đã định, ngày 12/3/2020, sau khi được thắp sáng tại ngôi đền cổ Hera ở Hy Lạp, ngọn đuốc đã đến đất nước Nhật Bản vào ngày 20/3 cùng năm.
Lúc này, dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát mạnh ở Nhật Bản cũng như nhiều nước trên thế giới nên vào ngày 30/3/2020, IOC quyết định rời thời gian tổ chức Olympic sang năm 2021. Với quyết định này, kế hoạch rước đuốc bị đình hoãn. Ngọn đuốc được đưa vào bảo quản tại Bảo tàng Olympic ở Tokyo.
Cuộc rước đuốc chỉ bắt đầu trở lại vào ngày 11/3/2021 và nơi đầu tiên ngọn đuốc đi qua là tỉnh Fukushima, nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của thảm họa động đất, sóng thần 10 năm về trước, ngày 11/3/2011.
Tính đến nay, (23/6), ngọn đuốc Olympic đã đến tỉnh Shizuoka, tỉnh thứ 41 trên hành trình qua 47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản, sau đó điểm đến cuối cùng là thủ đô Tokyo vào ngày 9/7. Ngọn đuốc lưu lại Tokyo đến ngày khai mạc 23/7.
Một căn phòng tiêu chuẩn ở làng VĐV Olympic Tokyo. Ảnh: kyodo.net |
Trở lại với sự chuẩn bị của nước chủ nhà, một trong những vấn đề được quan tâm hiện tại là phòng ngừa dịch COVID-19. Theo hãng tin Kyodo, tại làng Thế vận hội ở Tokyo, nơi ở của khoảng 18.000 VĐV và quan chức, Ban Tổ chức đã bố trí phòng khám, phòng cách ly, phòng xét nghiệm. Tại đây, mọi người phải đeo khẩu trang mọi lúc; bàn ăn được lắp đặt các tấm kính ngăn cách.
IOC đã cung cấp cho Nhật Bản 40.000 liều vaccine Pfizer để tiêm phòng COVID-19 cho VĐV và người phục vụ. Tổ chức này cũng cho biết đến nay có khoảng 75% trong số 15.000 VĐV tiềm năng đã được tiêm hoặc dự kiến được tiêm vaccine và con số này đến sát ngày thi đấu là khoảng 80%.
Cũng theo Kyodo, Nhật Bản đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp phòng chống COVID-19 tại thủ đô Tokyo và 8 tỉnh khác từ ngày 17/6.
Võ sĩ Taekwondo Trương Thị Kim Tuyền (bên phải) sau khi giành vé dự Olympic (ngày 14/4) đã giành thêm 1 HCV tại Giải vô địch Taekwondo châu Á (ngày 17/6). Ảnh: Tổng cục TDTT |
Tại Việt Nam, tính đến thời điểm này, 15 VĐV có vé dự Olympic Tokyo, gồm: Trương Thị Kim Tuyền (Taekwondo), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ), Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Thị Tâm (quyền anh), Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh (cầu lông), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung), Lường Thị Thảo, Đinh Thị Hảo (rowing), Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền, Hoàng Thị Duyên (cử tạ).
Về đoàn thể thao Việt Nam dự Paralympic, theo Tổng cục TDTT, đoàn có 19 thành viên, trong đó có 11 VĐV (điền kinh 3, bơi lội 4, cử tạ 4). Ngày 18/8, đoàn sẽ lên đường dự Paralympic Tokyo.
Ý kiến ()