Đến năm 2038, người cao tuổi chiếm 20% dân số Việt Nam
Những hình ảnh tại triển lãm về người cao tuổi tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Việt Nam có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới
Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Năm 2017, số NCT chiếm 11,9% trong tổng dân số, có nghĩa là cứ chín người thì có một người từ 60 tuổi trở lên. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số và con số này là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số vào năm 2050.
Kỷ niệm Ngày Quốc tế người cao tuổi 1-10 năm nay, Liên hợp quốc lấy chủ đề “Tiến tới bình đẳng cho mọi lứa tuổi”, tập trung vào bốn nội dung chính. Đó là: Phát triển lĩnh vực chăm sóc, đóng góp vào việc làm bền vững cho mọi người; Học tập suốt đời và các chính sách lao động chủ động và thích ứng; Chăm sóc sức khoẻ toàn dân; Các biện pháp an sinh xã hội.
Theo TS Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch thường trực Hội Người cao tuổi Việt Nam, trong những năm qua, vấn đề NCT và quyền của NCT về các mặt trong đời sống xã hội luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm. Điều này được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013. Luật NCT có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010, đã thể chế hoá chính sách của Việt Nam về NCT một cách hệ thống, đầy đủ và toàn diện, bảo đảm cho sự tham gia vào hoạt động xã hội của NCT. Đồng thời, khuyến khích sự quan tâm của các tổ chức xã hội, cá nhân đối với công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Đây là bước cụ thể hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam về thực hiện Tuyên bố Chính trị và Chương trình hành động quốc tế Madrid năm 2002, phù hợp với chính sách chung của nhiều quốc gia và của Liên hợp quốc về NCT.
Tuy nhiên, công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT ở nước ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là Việt Nam đang là một trong những nước đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á, thời gian chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già” khoảng 17 – 20 năm, ngắn hơn nhiều so với một số quốc gia khác như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Mỹ (69 năm), Nhật Bản, Trung Quốc (26 năm)… Điều này tạo ra không ít khó khăn trong việc hoạch định chính sách đối với NCT.
Trong tổng số hơn 11,9 triệu NCT hiện nay, vẫn còn có bộ phận không nhỏ có cuộc sống khó khăn do không có tích lũy cho tuổi già. Một bộ phận NCT vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống, một số chưa được tư vấn chăm sóc sức khỏe, một số ít chưa được người thân quan tâm, một số NCT cô đơn, không nơi nương tựa, họ đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ từ Nhà nước, gia đình và cộng đồng.
Đặc biệt, NCT có ít cơ hội được tập huấn, đào tạo nghề; gặp khó khăn trong việc vay vốn để phát triển sản xuất – kinh doanh vươn lên thoát nghèo. Việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chất lượng chăm sóc sức khỏe, khả năng chi trả của NCT cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế.
Gạt bỏ bất bình đẳng liên quan đến tuổi tác
Tọa đàm liên thế hệ “Tiến tới công bằng cho mọi lứa tuổi”
Tại tọa đàm liên thế hệ “Tiến tới công bằng cho mọi lứa tuổi” do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, Trung ương Hội Người cao tuổi, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), HelpAge International tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10, có ba nhóm đại diện hơn 60 tuổi, 40 tuổi và 20 tuổi. Ba thế hệ đã chia sẻ, thảo luận về những kinh nghiệm đã trải qua, những bài học trong cuộc sống và những thành tựu đã đạt được trong hành trình chấm dứt bất bình đẳng liên quan đến tuổi tác. Các câu chuyện thú vị của ba thế hệ giúp thay đổi những quan niệm và định kiến tiêu cực liên quan đến NCT.
Đại diện ba thế hệ đã có những chia sẻ đầy cảm hứng và khẳng định rằng, tuổi tác chỉ là những con số mà thôi. Cả thế hệ trẻ và thế hệ cao niên đều có giá trị theo cách riêng của họ và khẳng định rằng những người lớn tuổi hơn vẫn là những thành viên tham gia tích cực, đầy đam mê và nhiệt huyết trong xã hội.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, nhấn mạnh, do tỷ lệ NCT sẽ tăng lên gần gấp đôi vào năm 2038, Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới phù hợp với vấn đề già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế và xã hội, đồng thời bảo đảm hòa nhập xã hội cho NCT. Cần chuyển hướng trọng tâm, từ việc đơn thuần giúp tiếp cận với tuổi già sang giúp tiếp cận với một tuổi già vui vẻ và hạnh phúc, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của xã hội, đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()