Đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên sẽ có nhiều khu công nghiệp tiềm năng
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên sẽ có 17 khu công nghiệp có trong quy hoạch được Chính phủ chấp thuận và 13 khu công nghiệp tiềm năng quy hoạch mới, với tổng diện tích khoảng 9.589 ha.
Trong Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước.
Hiện tỉnh đã ưu tiên dành quỹ đất để hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại, với mục tiêu là "điểm đến" của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài.
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên sẽ có 30 khu công nghiệp (gồm 17 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và 13 khu công nghiệp tiềm năng quy hoạch mới), với tổng diện tích khoảng 9.589 ha.
Trong số 13 khu công nghiệp tiềm năng quy hoạch mới, tỉnh Hưng Yên dự kiến sẽ dành 4.788ha đất để thực hiện các khu công nghiệp này; trong đó có nhiều khu công nghiệp được quy hoạch với diện tích lớn như Khu công nghiệp Phù Cừ với diện tích 544ha; Khu công nghiệp Tiên Lữ-Kim Động-Ân Thi có diện tích trên 460ha; Khu công nghiệp Ân Thi I có quy mô 450ha...
Đáng chú ý, sau năm 2030, quy hoạch thêm 5 khu công nghiệp tiềm năng với tổng diện tích khoảng 2.460 ha. Việc thành lập, mở rộng các khu công nghiệp bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất khu công nghiệp được phân bổ và các quy định pháp luật có liên quan. Trong nhóm tiềm năng, có khu công nghiệp tọa lạc tại địa bàn Kim Động-Khoái Châu, ước tính quy mô khoảng 1.400 ha.
Khu công nghiệp số 5 do Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Yên Mỹ làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 192 ha, tọa lạc tại xã Xuân Trúc, Quảng Lãng, huyện Ân Thi và xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Khu công nghiệp nằm tiếp giáp 2 mặt với đường nối 2 đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Pháp Vân-Cầu Giẽ, Quốc lộ 38 mới và tuyến đường huyện ĐH62. Đây là vị trí "vàng," đặc biệt thuận lợi cho việc xây dựng, lưu thông nội khu cũng như vận chuyển hàng hóa từ khu công nghiệp tới các điểm quan trọng như Cảng Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cửa khẩu Hữu Nghị-Lạng Sơn…
Khu công nghiệp số 5 có lợi thế trong kết nối luân chuyển hàng hóa nội địa, quốc tế cũng chính là điểm cộng lớn để thu hút đầu tư. Đây là công nghiệp tập trung thu hút đầu tư ở các lĩnh vực như điện tử, cơ khí chính xác; công nghiệp nhẹ, các ngành sản xuất, kinh doanh khác phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Hưng Yên. Khi các nhà máy tại khu công nghiệp số 5 đi vào hoạt động, sẽ tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân địa phương...
Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Yên Mỹ Nguyễn Tuân cho biết, Khu công nghiệp số 5 có tổng mức đầu tư 2.385 tỷ đồng, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư vào tháng 8/2021. Chỉ trong 6 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 9/2021, khu công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, các hạ tầng kỹ thuật, hệ thống điện, nước, nhà máy xử lý nước thải... đã được hoàn thành. Đặc biệt, nhiều dự án của nhà đầu tư thứ cấp tại đây đã được khởi động, xây dựng.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Arizon (Việt Nam) đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tem nhãn RFID (một thiết bị nhỏ gọn được tích hợp với một chip và một anten để có thể gửi và nhận dữ liệu qua sóng radio) tại khu công nghiệp số 5, tỉnh Hưng Yên. Dự án sản xuất tem nhãn RFID tại khu công nghiệp số 5 tỉnh Hưng Yên dự kiến có sản lượng 30 tỷ sản phẩm/năm.
Ông Hoyida, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Arizon (Việt Nam), cho biết doanh nghiệp đã thăm hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ để tìm kiếm vị trí đặt nhà máy. Cuối cùng, lãnh đạo công ty đã chọn Hưng Yên là điểm dừng chân, bởi nơi đây có vị trí giao thương thuận lợi, hạ tầng giao thông đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, nhất là sự đồng hành, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh đối với doanh nghiệp đã giúp địa phương này trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.
Đặc biệt, trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh, công ty luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên, nhất là của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, luôn lắng nghe, tạo điều kiện giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh.
Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên Vũ Quốc Nghị cho biết hiện nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 17 khu công nghiệp, với diện tích hơn 4.300 ha; trong đó, có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư. Với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và vị trí thuận lợi, các khu công nghiệp có lợi thế và sức hấp dẫn lớn trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)...
Theo ông Vũ Quốc Nghị, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn; ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế các khu công nghiệp, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy. Cùng đó, kết hợp phát triển theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu các khu công nghiệp để tăng tính cạnh tranh quốc gia và quốc tế, hình thành các cụm liên kết ngành có quy mô lớn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Cùng đó, tỉnh tập trung thành lập mới và phát triển các khu công nghiệp đã có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận; ưu tiên thành lập mới, mở rộng các khu công nghiệp có vị trí thuận lợi, khả năng thu hút các nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tỉnh Hưng Yên cũng sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên như công nghiệp công nghệ cao gắn với công nghệ số; công nghiệp sản xuất thiết bị điện, năng lượng; công nghiệp sản xuất cơ khí-chế tạo; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao; công nghiệp sản xuất các thiết bị y tế, hóa dược, công nghệ sinh học, dược phẩm; công nghiệp dệt may./.
Ý kiến ()